✴️ Sán lá ruột Fasciolopsis buski

Nội dung

Bệnh này phân bố chủ yếu ở châu Á như: Trung Quốc, Indonexia, Malaysia,Bengalsk, Đông Dương… Sán gây bệnh chủ yếu cho lợn và người, chó, mèo… 

 

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ

Sán lá ruột màu hơi đỏ, dẹt, là loại sán lá to nhất kí sinh ở người. Kích thước: 20 - 70 x 8 - 20 mm, chiều dày từ 0,5 - 3 mm. Mặt thân có những gai nhỏ xếp thành hàng, gần giác bụng có nhiều gai hơn.

Cơ quan sinh dục: gồm hai tinh hoàn chia nhánh, chiếm hết cả phần giữa, phần sau của thân sán. Buồng trứng chia nhánh, nằm ở bên phải thân. Túi tạo trứng nằm đúng giữa thân, có rất nhiều tuyến hoàng thể, nhỏ, nằm hai bên thân, từ giác miệng đến cuối thân. Tử cung chứa đầy trứng.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image169.png

Hình 11.15: Sán F.buski trưởng thành.

Trứng có kích thước 130 - 400 x 75 - 90 µm, vỏ dày, có nắp nhỏ ở một cực, phôi chưa phát triển. Mỗi ngày sán đẻ khoảng 25.000 trứng.

 

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Sán trưởng thành bám vào thành ruột non (tá tràng hoặc hồi tràng), sán đẻ ra trứng. Trứng theo phân ra ngoài, rơi vào nước, ở nhiệt độ 27°- 32°C, sau thời gian 3 - 7 tuần, trứng phát triển có ấu trùng

lông bên trong. Ấu trùng lông phá vỡ vỏ trứng, bơi lội  tự do trong nước. Ấu trùng lông chui vào vật chủ phụ  1 là các loài ốc: Planorbis, Segmentina, Hippeutis.  

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image172.jpg

Hình 11.16: Trứng sán lá ruột

 

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image173.png

Hình 11.17: Vòng đời sinh học của sán

Trong ốc, ấu trùng phát triển thành nang bào tử  (sporocyst), rồi qua hai thế hệ rêđi, tạo thành nhiều ấu trùng đuôi (cercaria). 

Thời gian phát triển trong ốc khoảng 30 ngày. Ấu trùng đuôi có một đuôi thẳng, thân mảnh, dài 500 x 50 µm. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bơi trong nước, nếu gặp các thực vật sống dưới nước, chúng bám vào đó, tạo ra một lớp vỏ bọc ngoài tạo thành metacercaria, có kích thước khoảng 200 µm, nếu người, hoặc súc vật ăn phải, nang ấu trùng vào dạ dày, xuống ruột, phát triển thành sán trưởng thành. Baclop đã tìm thấy một củ ấu có hơn 200 nang ấu trùng sán. Người ở vùng có bệnh lưu hành có thể bị nhiễm rất nhiều nang sán. Thời gian từ khi bị nhiễm đến khi phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng, khoảng 3 tháng.

 

VAI TRÒ Y HỌC

Tại chỗ sán kí sinh, ruột bị viêm loét, nếu có nhiều sán, niêm mạc ruột tiết nhày nhiều, có thể có những ổ áp xe nhỏ, những điểm xuất huyết, bạch mạch mạc treo có thể bị viêm, sưng. 

Độc tố do sán tiết ra có thể gây: phù nề toàn thân, tràn dịch ngoại tâm mạc, gan lách sưng to, có biến đổi tổ chức. Bệnh nhân thường bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm, bạch cầu ái toan tăng khoảng 15 - 30% tùy thuộc số sán kí sinh, mức độ biểu hiện bệnh khác nhau.

Biểu hiện đặc trưng lâm sàng: đầy hơi, đau vùng thượng vị lúc đói, trường hợp nhiễm nặng, đau lan toả toàn bộ vùng bụng, cảm giác đầy hơi, nôn, đi lỏng: 10 - 15 lần/ngày. 

Bệnh nhân có thể suy sụp, suy dinh dưỡng, phù toàn thân. Độc tố của sán là nguyên nhân gây thiếu máu, giảm bạch cầu đa nhân, nhưng tăng bạch cầu ái toan. Nếu bị nhiễm nhiều sán, có thể bị tắc ruột, có thể tử vong do tình trạng toàn thân suy sụp.

 

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán quyết định bằng xét nghiệm phân tìm trứng sán.

Điều trị

Tetracloretylen: có tác dụng tốt, liều dùng như liều điều trị giun móc. Không dùng thuốc này điều trị khi nhiễm sán nặng, hoặc tình trạng bệnh nhân suy sụp.

Niclosamid: liều cho người lớn 4 viên 0,5g, nhai kĩ với ít nước, uống một lần, sau bữa ăn nhẹ buổi sáng.

Nước sắc hạt cau: dùng một lần (kết quả 54%), dùng 3 lần (kết quả gần 100%). Liều dùng: 1g/kg thể trọng. Ngâm hạt cau vào nước lạnh, bổ sung đủ 300 - 500ml nước, sắc nửa giờ, để cạn một nửa, uống vào lúc đói.

Praziquantel: 75mg/kg thể trọng/ngày, chia 3 lần trong 1 - 2 ngày.

 

PHÒNG BỆNH

Không ăn các thực vật dưới nước chưa nấu chín, không uống nước lã. 

Không để phân lợn, phân súc vật, phân người rơi xuống nước. 

Không cho lợn ăn rau bèo sống, không thả dông lợn và các súc vật khác.

Điều trị nguồn bệnh triệt để.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top