Bệnh mụn rộp là một trong nhừng bệnh xã hội phổ biến lây truyền qua đường tình dục, bệnh do virus herpes simplex gây nên, nếu nghi ngờ bị bệnh mụn rộp cần khám và xử trí ngay.
Biểu hiện của bệnh mụn rộp
Mụn rộp là bệnh ngoài da thường gặp do virus Herpes simplex typ I và II gây nên. Bệnh không chỉ gây nên nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chỉ là khả năng sinh sản của người bệnh.
Bệnh mụn rộp là do 2 loại virus: virus herpes simplex 1 (HSV1) có nguồn gốc là virus gây chốc mép và virus herpes simplex 2 (HSV2) phát triển ở cơ quan sinh dục gây ra. Bệnh có thể gặp ở cả nam lẫn nữ và có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là quanh cơ quan sinh dục.
Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc có thể lây truyền qua vết xước của bộ phận sinh dục khi tiếp xúc với dịch tiết của mụn rộp.
Triệu chứng bắt đầu là người bệnh có cảm giác, khó chịu, ngứa, rát rấm rứt tại chỗ. Bắt đầu bằng một vết đỏ, nề sau đó xuất hiện các mụn nước thành cụm, tròn hoặc hình cầu, đều nhau. Sau vài ngày, mụn nước vỡ, khô tại chỗ đóng vảy tiết vàng hoặc hơi nâu, gắn chặt, khi bong để lại một vệt đỏ sau đó trở lại bình thường không thành sẹo. Người bệnh cảm thấy đau khi đi tiểu, vùng sinh dục đau khi chạm vào, phụ nữ có thể ra huyết trắng.
Bệnh mụn rộp thường tái phát nên dù đã khỏi nhưng sau một thời gian vẫn có thể bị lại. Triệu chứng lần tái phát thường nhẹ hơn và nhanh lành hơn.
Quan hệ tình dục không an toàn có thể bị lây bệnh mụn rộp của bạn tình
Mụn rộp gây vết loét ở bộ phận sinh dục nên dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, ở nữ giới là viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ…Ở nam giới có thể gây viêm mào tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến…
Phụ nữ mang thai bị mụn rộp có thể lây bệnh cho con khi sinh đẻ, nguy cơ gây tổn thương não, mờ mắt thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ.
Hiện tại chưa có cách nào hỗ trợ điều trị bệnh mụn rộp. Việc hỗ trợ điều trị chỉ nhằm kìm hãm sự phát triển của bệnh và làm giảm đi các triệu chứng.
Bệnh mụn rộp sinh dục cần phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm. Việc hỗ trợ điều trị cần kiên trì và tuân thủ đúng những chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau khi được khám và kết luận bị mắc mụn rộp sinh dục, tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe, bác sĩ sẽ có những phương pháp hỗ trợ điều trị thích hợp. Có thể chỉ định thuốc bôi, uống, hoặc thuốc tiêm. Các loại thuốc chủ yếu là kháng sinh ức chế virus liều cao để giảm mức độ phát triển của bệnh. Không nên tự ý mua thuốc uống làm cho bệnh thêm nghiêm trọng.
Khám và xử trí ngay nếu có triệu chứng bệnh mụn rộp
Để phòng tránh bệnh tái phát, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ những chỗ mụn nước và vết loét thật khô ráo, có thể làm sạch vết loét bằng nước muối loãng; không nên mặc quần áo quá chật; nên uống nhiều nước; kiêng quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh; không gãi hay băng bó những vùng bị tổn thương, rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm vào những vùng tổn thương, không đưa tay lên mắt để phòng bệnh lây lan lên vùng này; tránh căng thẳng stress để ngăn chặn bệnh tái phát lại.
Phòng bệnh mụn rộp bằng cách không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, thực hiện quan hệ tình dục an toàn, không thơm, hôn những người đang bị mụn rộp ở môi, giữ vệ sinh vùng kín luôn sạch sẽ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh