Triệu chứng nấm Candida
Nữ giới
Bệnh nhân thường ngứa nhiều, do vậy bệnh nhân thường phải gãi làm xây xước âm hộ và làm nấm lan rộng cả tầng sinh môn, bẹn. Khí hư màu trắng đục như váng sữa, không hôi có thể kèm theo đi tiểu khó, đau khi giao hợp.
Nam giới
Thường ít bị bệnh này và cũng có ít biểu hiện triệu chứng. Biểu hiện thường gặp là cảm giác bỏng rát quy đầu, ngứa, quy đầu và bao da đỏ, có nhiều vết rạn nứt và nhiều chất nhày mà vàng trắng.
Nhiều phụ nữ bị nhiễm nấm nhưng không có biểu hiện bệnh, khi gặp điều kiện thận lợi như vệ sinh kém, mặc quần áo quá chật, quần lót bằng vải ni-lông gây ẩm ướt và không thoáng khí dễ có biểu hiện bệnh lý. Nguồn lây nhiễm nấm có thể ở ngoài môi trường hoặc ở đường tiêu hóa lây nhiễm sang.
Khi mắc bệnh người phụ nữ thường có hai triệu chứng nổi bật là rất ngứa và ra khí hư. Triệu chứng ngứa âm hộ là thường gặp nhất và làm cho người bệnh rất khó chịu, nhiều người gãi gây trầy xước làm bội nhiễm tại chỗ.
Khí hư thường không nhiều và có màu trắng như váng sữa, không có mùi hôi. Các biểu hiện khác là đau, cảm giác bỏng rát trong âm đạo, âm hộ, đi tiểu khó và đau khi giao hợp.
Trường hợp nặng có thể gây đỏ, phù nề âm hộ và môi nhỏ, môi lớn, đôi khi lan ra cả đùi, bẹn. Bệnh thường nặng lên trước kỳ kinh nguyệt.
Đàn ông khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh cũng có thể bị viêm quy đầu, bao quy đầu gây đỏ, ngứa, cảm giác bỏng, rát và có chất nhày trắng. Bệnh thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi giao hợp và thường khỏi sau khi rửa sạch.
Với các biểu hiện, triệu chứng trên, bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm. Việc soi tìm bào tử nấm hiện nay có thể thực hiện được ở các cơ sở y tế tuyến huyện và nhiều cơ sở y tế khác. Khi đã xác định bệnh cần điều trị ngay.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc mới có hiệu quả điều trị cao dùng đặt tại chỗ hoặc uống. Tuy nhiên chị em cần lưu ý việc vệ sinh tại chỗ, giữ cho vùng sinh dục không bị ẩm ướt, không mặc đồ quá chật, đồ ni-lông.
Nguyên nhân nấm Candida
Bệnh viêm âm hộ, âm đạo do nấm Candida rất hay gặp ở phụ nữ, nó đứng thứ hai sau viêm âm đạo do vi khuẩn và thường cao gấp 3 lần bệnh trùng roi âm đạo.
Có tới trên 50%, thậm chí có tác giả cho rằng tới 3/4 số phụ nữ mắc bệnh này ít nhất 1 lần trong cuộc đời.
Ngày nay bệnh có xu hướng tăng do việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể bị nhiễm nấm.
Các yếu tố thuận lợi khác là khi có thai, sử dụng thuốc tránh thai có estrogen, bệnh tiểu đường và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác bao gồm cả nhiễm HIV.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do Candida albicans chiếm khoảng 90%, ngoài ra còn có các chủng candida khác và torulopsis glabrata. Nhiễm các chủng nấm không phải C.albicans thường chữa khó khăn hơn.
Một số loại thuốc điều trị nấm Candida
– Miconazole 200mg viên đặt âm đạo, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày
– Clotrimazole 200mg viên đặt âm đạo, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày hoặc điều trị bằng thuốc uống như:
– Itraconazole (sporal) 100mg uống 2 viên/ngày trong 3-5 ngày
– Fluconazole (diflucan) 150mg uống liều duy nhất.
Trường hợp bệnh mạn tính hoặc bị tái phát nhiều lần thì trước hết phải kiểm tra vì bệnh tiểu đường, các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng và làm thuận lợi cho nấm phát triển như dùng kháng sinh kéo dài, corticoid, thuốc tránh thai có estrogen, nhiễm HIV.
Không mặc quần áo quá chật hoặc bằng sợi tổng hợp. Trong trường hợp bệnh kéo dài và hay tái phát thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám nghiệm và có liệu trình điều trị phòng ngừa.
Đối với nam giới thường không cần điều trị vì bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên nếu bị viêm bao quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole, lamisil…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh