✴️ Tổng hợp các cách trị viêm dạ dày

Nội dung

Bệnh viêm dạ dày hiện nay có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi cách trị viêm dạ dày sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Tìm được phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng

 

1. Viêm dạ dày là gì?

Trước khi tìm hiểu về cách trị viêm dạ dày ta cần hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày. Đây là tình trạng lớp màng bên ngoài niêm mạc dạ dày bị bào mòn và để lộ phần bên trong. Người bệnh sẽ thường thấy đau nhói vùng thượng vị, ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu,…

 

2. Nguyên tắc điều trị

– Dùng thuốc ức chế HCl và hạn chế các yếu tố tấn công niêm mạc dạ dày để cân bằng giữ yếu tố bảo vệ và phá hủy

– Phối hợp điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống khoa học

– Lấy điều trị từ nguyên nhân gây bệnh làm mấu chốt

 

3. Cách trị viêm dạ dày bằng thuốc Tây y

Viêm dạ dày thường được chia ra điều trị theo nguyên nhân. Các phương pháp điều trị sẽ thường sử dụng kết hợp các loại thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất.

3.1 Cách trị viêm dạ dày với nguyên nhân do vi khuẩn HP

Các trường hợp viêm dạ dày do dương tính với khuẩn HP chiếm tỷ lệ lớn trong số các bệnh nhân gặp vấn đề về dạ dày. Các đơn thuốc thường sử dụng là:

– Phác đồ kết hợp 3 loại thuốc

– Phác đồ kết hợp 3 thuốc có Levofloxacin

– Phác đồ nối tiếp

– Phác đồ 4 thuốc

3.2 Cách trị viêm dạ dày do các nguyên nhân khác

Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân để lựa chọn nhóm thuốc phù hợp.

3.2.1 Nhóm thuốc kháng acid

– Ưu điểm: Tạo ra lớp bảo vệ dạ dày, chống đầy hơi. Bên cạnh đó thuốc giúp nâng pH dịch vị làm giảm đau, bảo vệ tế bào.

– Nhược điểm: Hiệu quả nhanh chóng nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Thuốc gây ra tác dụng phụ như: Táo bón, tiêu chảy.

3.2.2 Nhóm kháng thụ thể H2

– Ưu điểm: Giá rẻ, tác dụng nhanh. PH tăng nhanh và có hiệu quả ngay sau ngày đầu sử dụng. Thuốc kiểm soát tốt việc tiết dịch vị vào ban đêm, giảm bài tiết dịch vị kích thích, dịch vị cơ bản.

– Nhược điểm: Khả năng ức chế acid dịch vị không cao. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Suy thận, viêm gan ở phụ nữa và vú to ở nam giới

3.2.3 Nhóm thuốc gây ức chế bơm Proton

– Nhóm ức chế bơm Proton dù có tác dụng chậm hơn nhóm kháng acid nhưng lại có tác dụng ức chế acid mạnh nhất, có khả năng cao nhất trong kiểm soát acid dịch vị.

– Trong phác đồ điều trị viêm dạ dày đây là thuốc có ít tác dụng phụ. Sau khi uống thuốc chỉ hơi đau đầu hoặc tiêu chảy nhẹ.

3.2.4 Thuốc tăng cường bảo vệ niêm mạc dạ dày

Các thuốc có tác dụng tạo lớp nhầy để bảo vệ niêm mạc. tác dụng kích thích tiết Prostaglandin, kháng viêm, nhanh làm lành các vết loét, đặc biệt là những vết loét trên 2cm.

Lưu ý: Người bệnh khi sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Dựa vào tình trạng bệnh lý hiện tại mới có thể đưa ra đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về để điều trị.

 

4. Điều trị viêm dạ dày bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt

Thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh khá nhiều. Lý do vì một số trường hợp viêm dạ dày cũng bắt nguồn từ thói quen không tốt của người bệnh.

– Ăn bổ sung nhiều hoa quả tươi, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt

– Không sử dụng các chất kích thích và thuốc lá

– Hạn chế tối đa uống bia rượu, thức uống có cồn

– Tránh thức quá khuya

– Luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, không căng thẳng, lo âu

– Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa

– Hạn chế ăn các đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ

– Thức ăn nên chế biến bằng cách hấp, luộc, hầm nhừ để vẫn giữ được chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa

– Luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe: Yoga, đi bộ,…

– Sử dụng các loại thảo dược dân gian cũng sẽ hỗ trợ nhiều trong việc làm lành các vết viêm loét như: Nghệ đen, nha đam, nghệ vàng kết hợp cùng mật ong.

 

5. Ghi nhớ lịch tái khám

Sau khi thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh viêm dạ dày ở mỗi người sẽ có những chuyển biến khác nhau. Vì vậy để kiểm soát được tình trạng bệnh và xác định cách trị viêm dạ dày đã đúng hay chưa thì người bệnh cần tuân thủ theo lịch tái khám của bác sĩ.

Thông thường đơn thuốc sẽ điều trị trong khoảng 2 tuần tới 1 tháng. Sau thời gian đó bệnh nhân sẽ tái khám để xem kết quả sau khi sử dụng thuốc. Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc hoặc hủy tái khám nếu thấy bệnh đã giảm và không còn triệu chứng. Bạn cũng không nên tùy tiện sử dụng đơn thuốc trị viêm dạ dày của bệnh nhân khác vì tình trạng bệnh của mỗi người không giống nhau. Điều này sẽ khiến cho bệnh của bạn trở nặng, kháng thuốc và rất khó điều trị về sau.

Đối với bệnh nhân phẫu thuật cũng nên tới bệnh viện tái khám định kỳ để kiểm tra mức độ phục hồi của cơ thể.

Trên đây là các cách trị viêm dạ dày hiệu quả và thông dụng nhất hiện nay. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị theo các cách khác nhau. Điều quan trọng là người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ đưa ra để có kết quả tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top