✴️ Có vi khuẩn HP trong dạ dày khi nào cần điều trị?

Nội dung

Việt Nam có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao, chiếm trên 70% dân số. Đồng thời nguy cơ tái nhiễm và tái phát HP cũng rất cao, trung bình 11 tháng sau điều trị HP tái xuất hiện chiếm tỷ lệ 23.5%. Nhiều người băn khoăn có vi khuẩn HP trong dạ dày nguy hiểm ra sao và khi nào cần tiến hành điều trị.

 

1. Sơ lược về vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí. Chúng có thể chuyển động nhờ phần lông ở một đầu. Loại vi khuẩn này tồn tại được dạ dày của người, được công nhận là nguyên nhân gây loét dạ dày – hành tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trường hợp nhiễm HP dạ dày không có biểu hiện triệu chứng và không có biến chứng chiếm trên 80%.

Vi khuẩn HP lây truyền từ người này qua người khác bằng các con đường sau đây:

– Miệng – miệng ở những người có sự tiếp xúc gần gũi như ăn uống chung, nhai mớm cơm cho trẻ nhỏ,…

– Phân – miệng: Sử dụng thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn.

– Sử dụng chung một số dụng cụ y khoa không đảm bảo vệ sinh tiệt khuẩn như: dụng cụ nha khoa, dây nội soi tai mũi họng/ dạ dày,…

Ở các nước đang phát triển, việc lây truyền chủ yếu là từ các thành viên trong gia đình với nhau do việc vệ sinh chung rất tốt. Còn với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, việc lây truyền có thể do mắc từ cộng đồng. Do đó, để làm giảm tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở nước ta, tăng cường vệ sinh chung tại cộng đồng là rất cần thiết.

Có vi khuẩn HP trong dạ dày là gì?

Vi khuẩn HP sống trong dạ dày người, được công nhận là nguyên nhân gây loét dạ dày – hành tá tràng và ung thư dạ dày

 

2. Có vi khuẩn HP trong dạ dày nguy hiểm như thế nào?

Như đã nói ở trên, hơn 80% người nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng và biến chứng. Với người nhiễm HP mà không điều trị, khoảng 10 – 20% có nguy cơ bị loét dạ dày – tá tràng, 1 – 2% có khả năng bị ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP có thể gây ra các bệnh lý như sau:

2.1. Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày

Hầu hết người bệnh không có triệu chứng, chỉ một số ít người có biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn nhiễm cấp tính như: chán ăn, đầy bụng, buồn nôn. Có thể thấy viêm niêm mạc một phần hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày trên hình ảnh nội soi. Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày có thể tự khỏi hoặc chuyển sang viêm mạn tính.

2.2. Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày

Giai đoạn viêm cấp tính (có hoặc không có triệu chứng) lâu dài sẽ dẫn đến viêm mạn tính. Viêm mạn tính có thể thuộc một trong hai tính huống:

– Viêm teo chủ yếu tại vùng hang vị dạ dày: Bài tiết acid tại dạ dày bình thường hoặc tăng, có khả năng cao dẫn tới loét hành tá tràng.

– Viêm teo từ hang vị sẽ lan lên thân vị và nếu viêm nặng có thể gây viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày. Tình trạng này dẫn tới giảm tiết acid dạ dày, gây ra loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên cần lưu ý, viêm mạn tính niêm mạc dạ dày không chỉ do vi khuẩn HP gây ra. Còn các nguyên nhân khác dẫn tới bệnh lý này, trong đó có viêm niêm mạc dạ dày tự miễn.

2.3. Loét dạ dày – tá tràng do có vi khuẩn HP trong dạ dày

Ổ loét có kích thước từ 0.5cm trở lên là loét dạ dày – tá tràng. Bệnh loét dạ dày thường gặp nhất ở độ tuổi trên 40. Ổ loét thường có vị trí ở phía bờ cong nhỏ, đặc biệt là vùng nối giữa hang vị và thân vị. Trong khi đó, loét tá tràng thường gặp ở những người từ 20 – 50 tuổi. Vị trí ổ loét thường gặp là phần đầu tá tràng (còn gọi là hành tá tràng).

Loét dạ dày – tá tràng có thể gây biến chứng chảy máu, xuất hiện tái phát nhiều lần. Điều trị diệt vi khuẩn HP sẽ giúp ngăn ngừa loét dạ dày – tá tràng tái phát cũng như chảy máu tái phát. Bệnh còn có thể gây thủng dạ dày – tá tràng. Người bệnh cần phẫu thuật để khâu lại lỗ thủng, không cần cắt dạ dày để điều trị.

Ngoài ra, loét dạ dày vùng hành tá tràng hoặc lỗ môn vị có thể gây hẹp đường xuống, khiến người bệnh nôn và không ăn được. Tình trạng này có thể điều trị phần lớn biến chứng này bằng thuốc mà không cần phải phẫu thuật như trước đây.

Có vi khuẩn HP trong dạ dày gây viêm loét dạ dày

Loét dạ dày – tá tràng là một trong những bệnh lý thường gặp gây ra bởi vi khuẩn HP

2.4. Ung thư dạ dày

Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức xếp vi khuẩn HP là nguyên nhân gây ung thư dạ dày từ năm 1994. Loại vi khuẩn này gây viêm mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm mạn tính kéo dài sẽ khiến các tuyến bình thường của dạ dày giảm và mất dần. Niêm mạc bình thường bị thay thế bằng tổ chức xơ (hay còn gọi là viêm teo) hoặc bị thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột (gọi là dị sản ruột).

Khoảng 50% trường hợp nhiễm HP gặp tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột. Các tình trạng này trở nên trầm trọng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày.

Điều trị diệt vi khuẩn HP làm giảm nhưng không làm mất hoàn toàn nguy cơ ung thư dạ dày. Vì vậy, người bệnh viêm teo hoặc dị sản ruột sau khi đã diệt HP vẫn cần nội soi dạ dày định kỳ để tầm soát ung thư dạ dày.

Cần lưu ý rằng không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột (hay chính là nguy cơ ung thư) còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người bệnh và độc lực của chủng vi khuẩn HP nhiễm phải.

2.5. U lympho bào B tại biểu mô niêm mạc dạ dày (MALT)

Vi khuẩn HP dạ dày còn là tác nhân gây u lympho B lớp niêm mạc dạ dày. Sau khi diệt HP, khoảng 60 – 80% trường hợp bệnh sẽ thoái triển và khỏi hoàn toàn.

2.6. Chứng khó tiêu chức năng do có vi khuẩn HP trong dạ dày

Chứng khó tiêu chức năng (functional dyspepsia) có các biểu hiện gồm:

– Đau vùng thượng vị, có thể có nóng rát thượng vị.

– Ăn nhanh no, đầy bụng vùng thượng vị sau khi ăn khiến người bệnh có cảm giác ậm ạch, nặng bụng. Triệu chứng đầy bụng thường giảm đi sau khoảng 30 phút – 2 giờ sau bữa ăn.

Các triệu chứng khó tiêu chức năng có thể giảm sau khi diệt HP. Tuy nhiên tỷ lệ giảm của các triệu chứng này thường không cao.

2.7. Vi khuẩn HP gây các biến chứng ngoài đường tiêu hóa

Nhiễm vi khuẩn HP cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện một số bệnh lý ngoài đường tiêu hóa như: bệnh lý mạch vành, đau nửa đầu, giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân,…

Có vi khuẩn HP trong dạ dày gây ung thư dạ dày

Vi khuẩn HP là một trong những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ung thư dạ dày

 

3. Khi nào cần điều trị diệt vi khuẩn HP dạ dày?

Dưới đây là những trường hợp nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị diệt theo khuyến cáo từ các chuyên gia tiêu hóa:

– Người bệnh loét dạ dày.

– Người bị loét hành tá tràng.

– Có chứng khó tiêu: Ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn, đau và nóng rát vùng thượng vị,…

– Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

– Thiếu máu, thiếu sắt.

– Người bị viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày.

– Người mắc ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật.

– Người mắc ung thư dạ dày sớm được cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD) qua nội soi dạ dày.

– Người có các thành viên trong gia đình (đặc biệt là bố mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư dạ dày.

– Có khối u ở dạ dày, gồm: polyp tăng sản, adenoma, đã cắt hớt niêm mạc.

– Người làm việc ở môi trường có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày như: khai thác than, quặng,…

– Những người quá lo lắng về nhiễm vi khuẩn HP cũng có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc diệt HP.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp có vi khuẩn HP trong dạ dày đều bị bệnh. Chính vì thế người bệnh cần điều trị diệt HP đúng chỉ định để tránh lãng phí. Đồng thời điều này còn hạn chế nguy cơ kháng thuốc kháng sinh chéo từ người này sang người khác, ngăn ngừa tình trạng khi cần điều trị diệt vi khuẩn HP thì kháng sinh không còn hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top