✴️ Triệu chứng viêm dạ dày HP và cách chẩn đoán bệnh chính xác

Nội dung

Nhận biết đúng triệu chứng viêm dạ dày HP giúp người bệnh chủ động hơn trong việc thực hiện thăm khám và chẩn đoán sớm về bệnh. Sau đó sẽ có hướng xử lý đúng cách để dứt điểm bệnh nhanh chóng.

 

1. Viêm loét dạ dày HP là gì?

Viêm loét dạ dày HP là bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra. Cụ thể, khi vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ khu trú và phát triển tại lớp nhầy trong thành niêm mạc dạ dày.

Không phải trường hợp nào HP dương tính cũng gây hại nhưng về lâu về dài, vi khuẩn sẽ tiết độc bào mòn lớp bảo vệ và làm lộ ra các lớp bên dưới. Lúc này thành dạ dày sẽ hình thành các tổn thương dạng viêm loét cùng các triệu chứng bệnh gây ra.

Viêm loét dạ dày HP

Viêm loét dạ dày HP rất phổ biến, chiếm tới 90% trong tổng số ca viêm loét.

 

2. Triệu chứng viêm dạ dày HP

Ở thời điểm đầu của bệnh, các tổn thương còn rất nhỏ và khá nông trên bề mặt nên hầu như chưa gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hay gây nguy hiểm tới người bệnh. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ vẫn có thể nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh.

Cụ thể, các triệu chứng báo hiệu về viêm loét dạ dày HP cần chú ý như sau:

2.1. Đau thượng vị là triệu chứng viêm dạ dày HP điển hình nhất

Đau bụng thượng vị là cơn đau xuất phát từ vùng bụng trên rốn và phía dưới mũi xương ức. Đây là triệu chứng điển hình đầu tiên giúp người bệnh  nhận biết sớm về viêm loét dạ dày giai đoạn khởi phát.

Cụ thể hơn về tính chất của cơn đau bụng thượng vị:

– Cơn đau thường xuất hiện sau ăn 2-3 tiếng và đau nhiều hơn sau những bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, ăn đồ nhiều đồ chua, cay, nóng;

– Đôi khi cũng có thể đau bụng lúc đói hoặc lúc nửa đêm, gần sáng. Điều này làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, ngủ kém, mất ngủ và lâu dần khiến người bệnh thêm mệt mỏi;

– Một số trường hợp khác cơn đau thượng vị tuy chỉ âm ỉ nhưng kèm theo cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng cũng có thể đau quặn lên;

– Một số dấu hiệu khác người bệnh có thể gặp phải như cảm giác tức ngực, đau bụng rồi lan nhanh ra cả sau lưng,…

Triệu chứng viêm dạ dày HP

Đau bụng thượng vị là triệu chứng điển hình nhất giúp nhận biết viêm dạ dày HP.

2.2. Buồn nôn hoặc nôn

Khi dạ dày bị viêm loét, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng nên thức ăn có thể không được tiêu hóa hoàn toàn mà bị ứ đọng lại tại dạ dày. Tình trạng này kéo dài dẫn đến việc người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn nôn hoặc nôn, thậm chí là nôn ngay sau khi ăn.

Hậu quả của việc nôn ói nhiều lần như vậy là khiến người bệnh viêm loét bị mất nước, mất điện giải, toàn thân mệt mỏi, da mặt xanh xao.

2.3. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở người bệnh viêm loét dạ dày HP là ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, chán ăn, trướng bụng,… Nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Do hoạt động tiêu hóa bị ảnh hưởng lớn nên người bệnh sẽ bị sụt cân nhanh.

2.4. Xuất huyết dạ dày – triệu chứng viêm dạ dày HP cực kỳ nguy hiểm

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng có máu chảy ra trong đường tiêu hóa. Đây là biến chứng gây ra bởi viêm loét dạ dày nặng khi không được xử lý đúng cách kịp thời.

Các biểu hiện xuất huyết dạ dày thường gặp như nôn ra máu có màu đỏ tươi, đau bụng thượng vị rất dữ dội hoặc đi ngoài ra phân đen. Khi người bệnh gặp phải triệu chứng này cũng đồng nghĩa cảnh báo về mức độ vô cùng nguy hiểm của ổ viêm loét và người bệnh cần tiến hành thăm khám ngay  để được xử lý kịp thời.

 

3. Chẩn đoán viêm dạ dày HP

Hiện nay, có nhiều phương pháp được thực hiện giúp xác định viêm dạ dày HP. Ở mỗi phương pháp đều có những yêu cầu bắt buộc nhằm mang lại kết quả chính xác nhất. Cụ thể, trước khi làm xét nghiệm, người bệnh cần tránh sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần, các thuốc ức chế tiết acid trong vòng 2 tuần.

Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày bằng một trong 4 phương pháp điển hình sau đây:

3.1. Test hơi thở

Test hơi thở chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Hp được tiến hành bằng cách cho người bệnh uống một lượng chất lỏng vô hại hoặc 1 loại thuốc chuyên dụng. Sau đó khoảng 1 giờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu hơi thở để xét nghiệm phát hiện có hay không vi khuẩn HP.

3.2. Xét nghiệm mẫu phân

Xét nghiệm mẫu phân tìm vi khuẩn HP được thực hiện ở nhiều đối tượng. Người bệnh có thể lựa chọn cách tự thu thập mẫu phân tại nhà theo hướng dẫn từ bác sĩ hoặc tới các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ trực tiếp lấy phân từ trực tràng mang đi xét nghiệm.

Với trường hợp tự thu thập mẫu phân người bệnh cần lưu ý những điều sau:

– Sử dụng túi nilon chuyên dụng đựng mẫu phẩm xét nghiệm, tránh để nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh.

– Không để lẫn nước tiểu vào mẫu phân mang đi xét nghiệm.

– Mẫu xét nghiệm nên được mang tới ngay cơ sở xét nghiệm sau khi được thu thập, nếu không mẫu phân sẽ cần được bảo quản trong điều kiện lạnh.

Mẫu phân khi được mang đi xét nghiệm sẽ được cho một số chất chuyên dụng và chất tạo màu vào, nếu phân chuyển qua màu xanh dương thì chứng tỏ có vi khuẩn HP dương tính. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP thường cho kết quả sau 1 – 4 ngày.

3.4. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nhằm đo kháng thể kháng H.pylori đặc hiệu trong huyết thanh nhằm xác định một người có dương tính với vi khuẩn HP không. Tuy nhiên, không nên sử dụng loại xét nghiệm này để kiểm tra ngược lại hiệu quả điều trị HP vì kể cả sau khi tiêu diệt thành công HP thì kháng thể này vẫn sẽ còn tồn tại sau nhiều năm.

3.3. Phương pháp nội soi

Nội soi dạ dày được coi là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa, bao gồm cả viêm dạ dày HP.

Phương pháp này được tiến hành bằng cách đưa trực tiếp ống nội soi có gắn camera từ thực quản tới dạ dày để quan sát toàn bộ lớp niêm mạc, phát hiện tất tần tật mọi tổn thương. Từ đó xác định chính xác vị trí, tính chất các vết loét. Không chỉ vậy, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một số mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm xác định vi khuẩn HP. Chính vì thế, đây là phương pháp cho kết quả chẩn đoán toàn diện và chính xác hơn cả.

Nhận biết đúng triệu chứng viêm dạ dày HP và tiến hành điều trị đúng phác đồ bác sĩ đưa ra là cách tốt nhất đối phó với bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, tiến hành thăm khám, xét nghiệm, nội soi tiêu hóa để được chẩn đoán và xử lý bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top