✴️ Màu sắc của đờm cho biết điều gì?

Đờm là một loại chất nhầy được tạo ra trong phổi và các đường hô hấp dưới gần đó. Loại chất nhầy này có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn vi trùng và vật chất có khả năng gây nhiễm trùng xâm nhập vào đường thở và phổi.

Các khu vực khác của cơ thể, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, miệng và hầu họng) và đường tiêu hóa (ruột) cũng tiết ra chất nhầy.

Thông thường, chất nhầy có màu trong, loãng và không có gì đáng chú ý. Khi một người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng, chất nhầy có thể trở nên đặc và đổi màu.

Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét các màu sắc cũng như kết cấu khác nhau mà chất nhầy hay đờm có thể có và ý nghĩa của chúng đối với sức khỏe, những điều nên làm nếu đờm thay đổi.

 

Màu sắc của đờm

Màu sắc của đờm có thể cung cấp nhiều thông tin về những điều đang xảy ra với phổi và các cơ quan khác của hệ hô hấp.

Trong suốt

Đờm trong suốt là bình thường. Nó bao gồm nước, muối, kháng thể và các tế bào khác của hệ thống miễn dịch. Sau khi được sản xuất trong đường hô hấp, phần lớn đờm sẽ đi xuống phía sau cổ họng và được nuốt.

Màu nâu

Đờm màu nâu có thể là dấu hiệu chảy máu trước đó một thời gian. Đờm màu đỏ tươi hoặc màu hồng có nghĩa là máu chảy ra nhiều hơn gần đây.

Chất nhầy màu đen có thể cho thấy dấu hiệu nhiễm nấm. Một người có đờm đen thì nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt là nếu họ đang bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

Màu trắng

Đờm màu trắng báo hiệu tình trạng nghẹt mũi. Khi khoang mũi bị tắc nghẽn, các mô bị sưng và viêm sẽ làm chậm quá trình lưu thông chất nhầy qua đường hô hấp. Khi điều này xảy ra, chất nhầy sẽ trở nên đặc hơn và có màu đục hoặc trắng.

Màu vàng

Đờm màu vàng cho thấy rằng các tế bào miễn dịch đang bắt đầu hoạt động tại vị trí bị nhiễm trùng. Tế bào bạch cầu là tế bào của hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn. Khi chiến đấu với sự lây nhiễm, chúng sẽ bị chất nhầy bám vào, khiến nó có màu hơi vàng.

Màu xanh lá

Đờm xanh cho thấy phản ứng miễn dịch đang lan rộng và mạnh mẽ. Các tế bào bạch cầu, vi trùng cùng các tế bào và protein khác được tạo ra trong quá trình phản ứng miễn dịch là những thứ làm cho đờm có màu xanh lục.

Mặc dù đờm có màu này có thể chỉ ra nhiễm trùng nhưng không phải lúc nào cũng cần dùng kháng sinh. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng dẫn đến đờm xanh là do virus và thường tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng vài tuần.

Sử dụng kháng sinh không cần thiết có thể có hại vì vi khuẩn có thể đề kháng với kháng sinh. Nếu đờm xanh kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ho ra máu, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Màu đỏ

Đờm màu đỏ báo hiệu sự hiện diện của máu. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng có máu trong đờm. Ngay cả khi chỉ ho nhiều trong nhiễm trùng đường hô hấp, đôi khi có thể khiến các mạch máu nhỏ trong phổi hoặc đường thở bị vỡ và chảy máu.

Trong các tình huống khác, máu trong chất nhầy có thể cho thấy một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Màu sắc của đờm

 

Kết cấu đờm

Đờm cũng có thể có nhiều kết cấu khác nhau, từ dạng nước đến dày và đặc. Đờm loãng và nhiều nước thường là bình thường và cho thấy đường hô hấp khỏe mạnh.

Trong quá trình nhiễm trùng, các tế bào miễn dịch, vi trùng và mảnh vụn tích tụ trong đờm, làm cho đờm đặc hơn, dính hơn và đặc hơn.

Ho và hắt hơi giúp cơ thể đào thải chất nhầy dư thừa, đờm và những thứ khác không thuộc đường hô hấp.

Bệnh tật hoặc nhiễm trùng không phải là những thứ duy nhất có thể khiến đờm trở nên đặc hơn. Mất nước hoặc thậm chí khi ngủ có thể khiến chất nhầy di chuyển chậm hơn và trở nên đặc hơn bình thường.

Đờm màu xám trắng và sủi bọt có thể là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và cần báo với bác sĩ, đặc biệt nếu đây là một triệu chứng mới.

Đờm màu hồng và có bọt có thể có nghĩa là người bệnh đang bị suy tim trái nghiêm trọng, đặc biệt là khi kết hợp với bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Tức ngực

Bất kỳ ai có các triệu chứng này nên đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu ngay lập tức.

 

Khi nào đến gặp bác sĩ

Các bác sĩ không thể chẩn đoán một bệnh hoặc tình trạng cụ thể dựa trên màu sắc đờm của một người.

Đờm màu xanh lá cây, vàng hoặc đặc không phải lúc nào cũng cho thấy sự hiện diện của nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu bị nhiễm trùng, màu sắc của đờm không xác định được có phải do virus, vi khuẩn hay mầm bệnh khác gây ra hay không. Dị ứng đơn giản cũng có thể gây ra thay đổi màu sắc đờm.

Thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng cần dùng khi đờm có màu xanh lá cây.

Nếu bạn có đờm màu trắng, vàng hoặc xanh lá cây trong nhiều ngày hoặc kèm các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, ho hoặc đau xoang thì hãy đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên đợi một vài ngày để thử điều trị các triệu chứng tại nhà trước khi đặt lịch hẹn khám.

Trường hợp có đờm màu đỏ, nâu, đen, hoặc sủi bọt mới xuất hiện hoặc tăng nặng thêm thì người bệnh đi khám ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top