Vi khuẩn HP được xem là một loại nhiễm khuẩn phổ biến ở đường tiêu hóa, gây ra các bệnh như viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày. Vậy để tìm hiểu rõ hơn vi khuẩn HP là gì? và làm thế nào để phát hiện sớm vi khuẩn HP? Mời bạn đọc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến vi khuẩn HP qua bài viết này.
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống và phát triển trong dạ dày người gây ra bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày,… (ảnh minh họa)
Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter Pylori. Đây là một loại vi khuẩn sống và phát triển trong dạ dày người. Chúng được xem là loại nhiễm khuẩn phổ biến trên thế giới chỉ sau vi khuẩn sâu răng và thường cư trú tại môi trường hiếm bên trong cơ quan tiêu hóa như dạ dày người.
Ở môi trường acid trong dạ dày, vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease giúp chúng trung hòa độ acid bên trong dạ dày.
Loại vi khuẩn này có thể sinh sống và phát triển trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày và gây ra tình trạng viêm hay còn gọi còn là viêm dạ dày mạn tính. Bệnh thường phát triển “lặng lẽ” và không có bất kỳ biểu hiện nào cho đến khi người bệnh thấy xuất hiện các cơn đau dạ dày liên tục và dữ dội, sau đó đi thăm khám thì mới phát hiện ra mình bị nhiễm vi khuẩn HP. Đặc biệt loại vi khuẩn này có thể tồn tại suốt đời nếu như người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị triệt để.
Biểu hiện nhiễm vi khuẩn HP?
Vi khuẩn HP thường diễn ra âm thầm và có các biểu hiện nặng dễ thấy như xuất hiện các cơ đau từ âm ỉ đến nặng, ợ hơi, đầy bụng, một số trường hợp có thể gây các cơn đau cấp tính, thậm chí gây thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, … (ảnh minh họa)
Vi khuẩn HP diễn biến âm thầm không rõ ràng, nếu chỉ mới nhiễm người bệnh thường không có biểu hiện gì cho đến khi nhiễm vi khuẩn HP nặng sẽ thấy có các biểu hiện như xuất hiện các cơ đau từ âm ỉ đến nặng, ợ hơi, đầy bụng, một số trường hợp có thể gây các cơn đau cấp tính, thậm chí gây thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, triệu chứng hẹp môn vị và có thể gây biến chứng nặng hơn là ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP lây qua đường nào?
Vi khuẩn này lây qua đường miệng
Đây là con đường chủ yếu dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn HP, thói quen ăn uống mớm thức ăn cho trẻ, hút mũi bằng miệng, dùng chung đồ dùng ăn uống, sinh hoạt với người nhiễm HP, hay các hoạt động tiếp xúc nước bọt như hôn,…sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Thông thường nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những thành viên khác cũng có nguy cơ bị nhiễm rất cao.
Bên cạnh đó vi khuẩn dễ dàng lây lan theo đường môi trường do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn.
Vi khuẩn HP lây nhiễm qua các vật dụng y tế
Vi khuẩn HP có thể bị lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,… với người bị nhiễm vi khuẩn HP nếu các thiết bị nội soi trên không được khử trùng hiệu quả. Vì vậy việc vệ sinh, tiệt trùng các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng cho các đối tượng khác nhau là điều vô cùng cần thiết để tránh lây nhiễm HP từ người này cho người khác.
Ai có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP?
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn đến trẻ em đều có thể nhiễm loại vi khuẩn này. Tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt và chất lượng sống.
Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do bố mẹ hay người thân nhiễm vi khuẩn có thói quen hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho trẻ… và việc sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với những người bị mắc bệnh khiến tỷ lệ mắc loại vi khuẩn này cũng cao hơn.
Làm thế nào để phát hiện sớm vi khuẩn HP?
Các triệu chứng ở người nhiễm vi khuẩn HP thường thầm lặng, không rõ ràng. Để phát hiện vi khuẩn HP người bệnh nên đi thăm khám sức khỏe định hàng năm để phát hiện sớm các bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày đại tràng. Nếu trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe đặc biệt là làm các xét nghiệm test vi khuẩn HP thông qua hơi thở hoặc nội soi dạ dày – đại tràng để phát hiện sớm vi khuẩn HP nếu có.
Nếu người bệnh từng nhiễm HP hoặc đang nhiễm HP, khi đó bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày, sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm cho kết quả xác định xem có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không. Ngoài ra có thể test vi khuẩn HP thông qua khí thở hoặc test tìm kháng nguyên trong phân. Tất cả người lớn và trẻ em nếu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP hoặc trong gia đình có người dương tính với vi khuẩn HP cũng nên thực hiên các biện pháp trên để kiểm tra, phát hiện sớm và có biện pháp thích hợp tiêu diệt loại vi khuẩn này.
Biện pháp phòng tránh vi khuẩn HP?
Không nên dùng chung đồ ăn khi gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP
Ăn các đồ ăn đảm bảo vệ sinh, hạn chế ăn ở các hàng quán ven đường
Bỏ thói quen mớm thức ăn cho trẻ
Vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên đặc biệt là tầm soát các bệnh lý về đường tiêu hóa.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP nên đi thăm khám và kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị triệt để.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh