✴️ Vi khuẩn Hp từ đâu mà có, gây bệnh gì và cách phòng tránh

Nội dung

Hiện nay, số người test Hp dương tính ngày càng gia tăng. Vi khuẩn Hp một trong những tác nhân chính gây ra các bệnh viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày và làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư dạ dày. Do đó, nắm được kiến thức vi khuẩn Hp từ đâu mà có và sống được bao lâu sẽ giúp bạn cải thiện kết quả điều trị cũng như phòng ngừa chủng vi khuẩn này.

 

1. Vi khuẩn Hp từ đâu mà có?

Vi khuẩn Hp có tên khoa học đầy đủ Helicobacter Pylori, là một loại xoắn khuẩn gram âm có dạng hình que. Năm 1982, chúng được 2 nhà khoa học người Úc tìm thấy trong dạ dày con người.

Hp là chủng vi khuẩn có khả năng lây lan nhanh và mạnh. Ước tính có khoảng trên 50% dân số thế giới đang sống chung với loại xoắn khuẩn nguy hiểm này. Vậy vi khuẩn Hp từ đâu mà có?

Theo các chuyên gia, vi khuẩn Hp có thể sống được trong cơ thể con người như dạ dày, khoang miệng, đường ruột, hốc xoang, phân… và trong môi trường tự nhiên như đất, nước, không khí….

Vi khuẩn Hp từ đâu mà có?

Vi khuẩn Hp từ đâu mà có?

1.1. Vi khuẩn Hp từ đâu mà có – Ngoài môi trường tự nhiên

Ở bên ngoài môi trường tự nhiên, vi khuẩn Hp tồn tại dưới dạng xoắn khuẩn và khuẩn cầu. Chúng được tìm thấy ở các ao hồ, kênh rạch, nguồn nước bị ô nhiễm, các loại đất bẩn và không khí. Nếu tồn tại dưới dạng xoắn khuẩn, vi khuẩn Hp chỉ có thể sống và hoạt động trong nước được một vài giờ. Trong trường hợp tồn tại ở dạng khuẩn cầu, chúng có thể sống và hoạt động trong nước đến một năm.

Vì vậy, nếu sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, dễ bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn Hp dạng khuẩn cầu có thể xâm nhập vào cơ thể và phát triển trở lại thành dạng xoắn, tấn công vào niêm mạc dạ dày của người bệnh và gây ra một số chứng bệnh về đường tiêu hóa nguy hiểm.

1.2. Vi khuẩn Hp từ đâu mà có – Trong cơ thể con người

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn Hp có thể tồn tại và được tìm thấy chủ yếu trong dạ dày, khoang miệng và phân. Trong đó, dạ dày là nơi môi trường sống chính của vi khuẩn Hp. Chúng có khả hoạt động và phát triển một cách mạnh mẽ ngay tại lớp giữa niêm mạc dạ dày và chất nhầy. Hơn thế, chúng còn có khả năng tự tạo ra chất đối kháng với tác dụng tránh miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Có thể nói, vi khuẩn hp được xem là loại vi khuẩn duy nhất có thể tồn tại được trong môi trường acid đậm đặc của dạ dày bằng cách tiết ra Enzyme Urease để trung hòa. Tuy nhiên loại enzyme này lại là độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng dẫn đến các hiện tượng rối loạn tiêu hóa, đau, viêm loét, thậm chí là ung thư.

Ngoài môi trường dạ dày, vi khuẩn Hp còn được tìm thấy ở khoang miệng (đặc biệt là trong các mảng bám ở vùng chân răng, lợi) và một số lượng nhỏ trong phân.

 

2. Vi khuẩn Hp sống được bao lâu?

Vòng đời của vi khuẩn Hp phụ thuộc vào môi trường mà chúng sinh sống. Ở những môi trường khác nhau, thời gian sống của chúng cũng khác nhau.

2.1. Trong môi trường dạ dày

Dạ dày chính là môi trường sống hoàn hảo nhất của vi khuẩn Hp. Trong thực tế, tuổi thọ của vi khuẩn Hp trong dạ dày là do con người quyết định. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vi khuẩn Hp sẽ không bao giờ tự chết đi do chúng có cơ chế miễn dịch riêng đáng nể. Nếu không có bất kỳ yếu tố nào thay đổi môi trường sống của chúng thì loại chủng vi sinh này có thể cư trú dưới lớp niêm mạc dạ dày và tồn tại vĩnh viễn.

Tuy nhiên, khi kiên trì áp dụng phác đồ điều trị đúng cách thi vi khuẩn Hp sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Vi khuẩn Hp có thể tồn tại vĩnh viễn dưới lớp niêm mạc dạ dày con người

Vi khuẩn Hp có thể tồn tại vĩnh viễn dưới lớp niêm mạc dạ dày con người

2.2. Ngoài môi trường tự nhiên

Ngoài môi trường tự nhiên, tuổi thọ của vi khuẩn Hp bị giới hạn trong khoảng thời gian nhất định. Cụ thể:

– Trong môi trường nước: Sau môi trường lý tưởng là dạ dày, thì nước chính là môi trường tồn tại lâu nhất của vi khuẩn Hp. Đối với nhóm vi khuẩn Hp ở dạng cầu, chúng có thể sống tới 1 năm trong môi trường nước tự nhiên như ao, hồ, kênh, rạch…. Mặc vậy, vi khuẩn Hp sẽ bi tiêu diệt khi ở môi trường nước sôi 100 độ C.

– Trong môi trường đất: Thời gian sinh sống của vi khuẩn Hp trong môi trường đất là vài giờ sau khi chúng ra ngoài cơ thể. Khi biến đổi cấu trúc cơ thể, chúng có thể tồn tại được lâu hơn.

– Trong môi trường không khí: Môi trường không khí không cung cấp chất dinh dưỡng để chúng tồn tại. Tuy nhiên, vi khuẩn Hp vẫn có thể sống được nhờ nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể chính nó để giúp chúng có thời gian tìm được vật chủ mới. Nhiệt độ và độ ẩm không khí quyết định đến thời gian tồn tại của vi khuẩn Hp. Sau khi ra khỏi chủ thể, vi khuẩn Hp có thể sống từ 1-4 giờ đồng hồ.

Sau khi bị loại bỏ ra ngoài chủ thể, đa số vi khuẩn Hp vẫn có khoảng thời gian tồn tại nhất định. Trong môi trường đất và nước, nếu vô tình tiếp xúc với nguồn bệnh, vi khuẩn Hp có khả năng lây nhiễm rất cao. Do đó, mỗi người cần chú ý vấn đề vệ sinh nguồn nước và thực phẩm để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.

 

3. Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì và có tái nhiễm không?

Khoảng 80% người nhiễm vi khuẩn Hp không có biểu hiện và triệu chứng bệnh. Nhưng những bệnh lý mà vi khuẩn Hp có thể gây ra như:

– Hội chứng khó tiêu chức năng

– Viêm cấp tính hoặc viêm mạn tính niêm mạc dạ dày.

– Loét dạ dày – tá tràng.

– U lympho B ở tại lớp niêm mạc dạ dày.

– Ung thư dạ dày.

– Một số bệnh lý khác ngoài đường tiêu hóa: đau nửa đầu, giảm tiểu cầu đột ngột, bệnh lý mạch vành…

Vi khuẩn Hp có thời gian tồn tại khá lâu và khả năng lây nhiễm rất mạnh. Do đó, người bệnh có thể dễ dàng bị tái nhiễm lại vi khuẩn Hp khi tiếp xúc trong những môi trường bị nhiễm bẩn. Theo thống kê ở Việt Nam, có khoảng hơn 23% trường hợp kết thúc điều trị vi khuẩn Hp sau 11 tháng có test Hp dương tính.

Ngoài ra hiện nay, tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn Hp ngày càng tăng cao. Điều này khiến việc tiêu diệt Vi khuẩn Hp càng trở nên khó khăn hơn.

 

4. Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp

Vi khuẩn Hp có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng tại dạ dày. Nếu test Hp dương tính là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh sử dụng thuốc đặc trị để tiêu diệt vi khuẩn Hp. Ngoài ra, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị dự phòng kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống để làm giảm nguy cơ tái nhiễm bệnh.

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh áp dụng các phác đồ điều trị Hp như sau:

4.1 Phác đồ điều trị Hp 3 thuốc

Sử dụng phối hợp 3 thuốc PPI (ức chế bơm Proton), Amoxicillin, Clarithromycin hoặc Metronidazol. Phác đồ này được áp dụng đối với những người bệnh mới điều trị lần đầu hoặc mức độ nhiễm khuẩn nhẹ. Thời gian điều trị liên tục kéo dài từ 7-14 ngày.

4.2 Phác đồ điều trị Hp 4 thuốc

Phác đồ 4 thuốc được chỉ định nếu người bệnh đã áp dụng liệu pháp điều trị 3 thuốc nhưng không có hiệu quả. Phác đồ điều trị này bao gồm 2 loại:

– Phác đồ 4 thuốc không có Bismuth: Amoxicillin, PPI, Clarithromycin và Metronidazole. Thời gian điều trị theo phác đồ này kéo dài 10 ngày.

– Phác đồ điều trị có Bismuth: Metronidazole, Tetracycline, PPI và Bismuth. Thời gian điều trị với phác đồ này kéo dài 14 ngày.

Đây là phác đồ điều trị được đánh giá có hiệu quả diệt trừ vi khuẩn Hp cao nhất (khoảng 95%). Tuy nhiên, khi sử dụng phác đồ này, người bệnh thường gặp tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn vị giác tạm thời.

4.3 Phác đồ điều trị Hp nối tiếp

Phác đồ này được chỉ định khi phác đồ 4 thuốc không hiệu quả. Người bệnh có thể dùng như phác đồ điều trị kế tiếp hoặc phác đồ điều trị đầu tay diệt Hp. Trong 5 ngày đầu tiên, người bệnh được chỉ định dùng PPI kết hợp Amoxicillin và 5 ngày sau đó sử dụng kết hợp 3 loại thuốc PPI, Clarithromycin và Tinidazole.

Khoảng 80-85% người bệnh khi áp dụng phác đồ điều trị này sẽ giảm nhanh triệu chứng, ngăn chặn bệnh phát triển và hạn chế khả năng tái phát bệnh.

4.4 Phác đồ điều trị 3 thuốc có Levofloxacin

Đây là phác đồ dùng phối hợp 3 loại thuốc PPI, Amoxicillin và Levofloxacin. Phác đồ này được chỉ định cho đối tượng người bệnh thất bại sai khi điều trị các phác đồ trên. Thời gian điều trị kéo dài 10 ngày và có thể gây ra một số tác dụng phụ lên hệ xương – gân – khớp.

Cuộc chiến với vi khuẩn Hp là một cuộc chiến cần có sự phối hợp giữa bác sĩ với người bệnh. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã xây dựng để tránh xảy ra hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc. Khi đó, vi khuẩn Hp rất khó có thể tiêu diệt hoàn toàn.

Vi khuẩn Hp có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi kiên trì áp dụng phác đồ điều trị đúng

Vi khuẩn Hp có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi kiên trì áp dụng phác đồ điều trị đúng

 

5. Cách phòng tránh nhiễm vi khuẩn Hp hiệu quả

Một số biện pháp giúp phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn Hp:

– Rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; có thể sử dụng các loại xà phòng có tính diệt khuẩn để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn Hp.

– Không dùng chung đồ dùng ăn uống, các dụng cụ cá nhân với người test Hp dương tính.

– Hạn chế tối đa ăn các món ăn sống, gỏi, tiết canh… bởi chúng dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm Hp.

– Vệ sinh nhà cửa, diệt trừ côn trùng và vệ sinh cho động vật nuôi thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng nguồn nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

– Chủ động thăm khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ từ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện vi khuẩn Hp cũng như các mầm mống gây bệnh khác và có hướng điều trị hiệu quả.

– Duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Trên đây là một số thông tin chia sẻ về vấn đề vi khuẩn Hp từ đâu mà có và sống được trong bao lâu. Hi vọng qua bài viết này, mọi người sẽ hiểu hơn về vi khuẩn Hp cũng như khả năng lây nhiễm và gây bệnh của chúng. Từ đó giúp mọi người chủ động hơn tròn việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top