✴️ Áp xe hậu môn: Tổng quan và các phương pháp phòng tránh

Nội dung

1. Tìm hiểu về áp xe hậu môn

Áp xe là căn bệnh khá phổ biến và dễ mắc phải. Vậy áp xe là gì? Vi khuẩn xâm nhập làm cho hệ miễn dịch hoạt hóa các tế bào bạch cầu và các chất hóa học để đề kháng, gây nhiễm trùng gọi là áp xe. Vi khuẩn sinh ra các độc tố gây tổn thương cho cơ thể nên có nhiều khả năng tạo mủ. Mủ, vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn tế bào tích tụ lại và được bao bọc bởi lớp da màu đỏ hoặc hồng gọi là ổ áp - xe. 

Vùng dưới da xuất hiện các mô mềm, sưng và đau là biểu hiện cơ bản của áp xe hậu môn. Các mô áp xe chứa dịch mủ sưng to lên theo thời gian và vỡ ra. Những tuyến hậu môn nhỏ bị nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây ra áp xe ở hậu môn.

Phần lớn các ổ áp xe khi bị vỡ có thể lành lại nếu được thăm khám kịp thời. Vết thương do vỡ áp xe nếu không lành lại có thể hình thành các vết rò hậu môn.

Áp xe hậu môn đến rò hậu môn trái qua 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Khu vực xung quanh hậu môn nhiễm trùng, hình thành các mô mềm chứa mủ.
  • Giai đoạn 2: Các khối mủ to dần lên và vỡ ra.
  • Giai đoạn 3: Những vết nứt vỡ áp xe biến chứng thành bệnh rò hậu môn.

2. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Vi khuẩn, phân, dị vật,… có thể gây ra tình trạng bít tắc ở các tuyến bã ở hậu môn, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và tạo thành môi trường mà ổ áp xe có thể xuất hiện, phát triển. Đó là nguyên lý hình thành của ổ áp xe ở hậu môn. 

Một số nguyên nhân và các tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng là:

Nhiễm trùng

Tiền sử mắc các bệnh liên quan như viêm hậu môn, viêm nang lông tại các tuyến mồ hôi xung quanh da hậu môn, trĩ, nứt kẽ hậu môn,… có thể tăng nguy cơ viêm nhiễm tại hậu môn cho người bệnh.

Ảnh hưởng hậu phẫu

Việc thực hiện các tiểu phẫu vùng trực tràng, niệu đạo, vùng đáy chậu,… có các sai sót có khả năng cao gây nhiễm trùng dẫn đến tái phát áp xe.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lý liên quan

Các loại thuốc điều trị bệnh lý hậu môn trực tràng có tính kích ứng cao nếu sử dụng quá liều, hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể gây hoại tử ở hậu môn và gây nhiễm trùng.

Đề kháng kém

Đây là nguyên nhân thường gặp đối với người bệnh là người già hay trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ chưa phát triển hậu môn toàn diện, người già gặp phải tình trạng lão hóa, cùng với miễn dịch cơ thể yếu nên khó chống lại vi khuẩn xâm nhập.

Quan hệ tình dục qua đường hậu môn

Quan hệ tình dục qua đường hậu môn là con đường lây lan nhiều bệnh về đường tình dục và cũng là nguyên nhân gây ra áp xe hậu môn.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý

Những biểu hiện của áp xe vùng hậu môn có thể dễ bị nhầm lẫn với mụn nhọt thông thường. Vì vậy, việc chú ý tới những dấu hiệu và nhạy cảm với những thay đổi vùng da hậu môn rất cần thiết.

  • Đau rát hậu môn: Là triệu chứng phổ biến, nhất là lúc đi lại và ngồi.
  • Xuất hiện khối sưng tấy: Khối sưng và cứng nhỏ xuất hiện xung quanh khu vực hậu môn và gây đau nhức. 
  • Chảy mủ: Các khối sưng lâu dần sẽ to lên và vỡ ra, nếu bị nặng dịch mủ có thể có màu vàng và đặc, vết thương chỗ chảy mủ khó lành lại.
  • Ngứa hậu môn: Dịch mủ chảy ra khiến hậu môn ẩm ướt, có mùi hôi và có cảm giác ngứa.
  • Sốt, mệt mỏi: Đây là biểu hiện chung của bệnh áp xe.
  • Đại tiện ra máu, phân có nhầy.
  • Tình trạng táo bón xuất hiện nhiều hơn.

3. Các tác hại và biến chứng khi bị áp xe hậu môn

Tác hại của áp xe vùng hậu môn gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Gây khó khăn đối với đại tiện

Những mô mủ sưng đau sẽ cản trở bệnh nhân lúc đi đại tiện cả thể chất và tâm lý. Phân không được đào thải lâu dần sẽ khô cứng và xuất hiện các búi trĩ tĩnh mạch.

Viêm nhiễm chéo với cơ quan sinh dục

Hậu môn và cơ quan sinh dục có vị trí nằm gần nhau nên khi hậu môn bị viêm nhiễm, các khối áp xe to hơn và dịch mủ nhiều hơn có thể la rộng và gây viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục.

Biến chứng rò hậu môn

Rò hậu môn là biến chứng của áp xe ở hậu môn khi ổ áp xe vỡ ra và những vết nứt ở mô không thể lành lại, tình trạng viêm nhiễm tiếp tục phát triển.

Viêm nang lông

Hiện tượng chảy mủ khi các khối u áp xe bị vỡ có thể kích thích các mao nang và gây viêm nang lông.

4. Các phương pháp phòng tránh và điều trị

Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều cần lưu ý hàng đầu đối với các bệnh viêm nhiễm. Đối với trẻ em, cần thường xuyên được vệ sinh và giữ sạch sẽ quanh vùng hậu môn, thường xuyên thay bỉm, tã. Đối với người lớn, khi quan hệ qua đường hậu môn cần đeo bao cao su và giữ gìn vệ sinh cẩn thận.

Hiện nay, để điều trị áp xe ở hậu môn có 2 phương pháp cơ bản:

Dùng thuốc để tiêu mủ và diệt khuẩn

Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, vết áp xe chưa to có thể sử dụng thuốc tiêu viêm, tiêu mủ và diệt khuẩn để hạn chế nhiễm trùng. 

Mở áp xe và dẫn lưu

Đây là phương pháp phổ biến để điều trị khi người bệnh bị áp xe, được sử dụng khi vết áp xe đã quá to, chảy nhiều dịch mủ và gây đau đớn. Có thể dùng thuốc kháng sinh đi kèm đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường, hạ bạch cầu trung tính, sốt, viêm mô tế bào và không sử dụng cho bệnh nhân có thể trạng không tốt.

Xem thêm: Mụn ở hậu môn - Những điều cần biết và cách điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top