1. Vi khuẩn H.pylori là gì?
Theo phân loại khoa học, Helicobacter pylori thuộc giới vi khuẩn, ngành Proteobacteria, chi Helicobacter, loài H.Pylori.
- Hecolibacter pylori là trực khuẩn Gram âm, hình xoắn. Kích thước dài 2 – 4 µm, đường kính dài 0.5 – 1 µm, có 2 – 6 tiêm mao mở mỗi đầu ( quan sát dưới kính hiển vi điện tử). Hình dạng xoắn và các tiêm mao giúp vi khuẩn di chuyển trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày.
- H.Pylori tăng trưởng ở nhiệt độ 34 – 40 độ C, tốt nhất là 37 độ C. Môi trường pH thuận lợi từ 5.5 – 8.0, tốt nhất là trong môi trường trung tính (pH =7).
- Đây là một vi khuẩn ái khí, mọc chậm nên phải ủ 3 – 7 ngày mới cho khuẩn lạc nhỏ có kích thước 0.5 – 1 mm. màu xám trong.
- H.Pylori có hệ thống enym rất hoạt động: catalase, oxidase, phosphatase kiềm và nhất là urease dương tính mạnh. Chúng sống lâu ở môi trường có độ acid cao ở dạ dày chính nhờ vào khả năng bài tiết urease mạnh.
- Vi khuẩn này không khử được nitrat và không phân giải được hydrare carbon.
Các chủng HP khác nhau thì có sự khác biệt về khả năng gây bệnh. Người ta ghi nhận nhiễm HP xảy ra trên 90% loét tá tràng và 70% loét dạ dày. Trong khi đó, 90% viêm dạ dày và 50% chứng khó tiêu không do loét cũng có sự hiện diện của HP.
Viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H.pylori gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh như đau bụng, ợ hơi, táo bón, buồn nôn…
2. Vi khuẩn H.Pylori gây bệnh lý dạ dày – tá tràng như thế nào?
Nhiễm H.Pylori là một trong những nhiễm khuẩn thường gặp ở người. Tần suất nhiễm thay đổi theo độ tuổi, tình trạng kinh tế – xã hội và chủng tộc. Theo thống kê, có khoảng hơn nửa dân số thế giới bị nhiễm HP, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, khoảng 70% dân số nhiễm HP. Vậy, cơ chế gây bệnh và lây nhiễm của vi khuẩn này như thế nào?
Vi khuẩn H.Pylori gây tổn thương niêm mạc tại chỗ
- H.Pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày tại chỗ bằng cách: thoái hóa lớp nhầy bảo vệ niêm mạc, sản xuất ra các men làm tổn thương các tế bào nêm mạc.
Bình thường, luôn có sự cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cụ thể các yếu tố tấn công bao gồm: acid, pepsin, H.Pylori. Các yếu tố bảo vệ bao gồm: sự nguyên vẹn của biểu mô phủ, sự tiết nhầy và lớp chất nhầy, vai trò của tuần hoàn, thần kinh, …
Loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi:
- Một quá trình làm cho yếu tố tấn công tăng lên mà không có sự đáp ứng tương xứng của yếu tố bảo vệ.
- Hoặc yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày bị giảm sút.
- Hoặc phối hợp cả 2 yếu tố này.
Vi khuẩn H.Pylori gây độc tế bào
- Vi khuẩn H.Pylori tiết ra men urease để thủy phân ure thành amoniac gây độc với tế bào niêm mạc. Đồng thời ngăn cản tổng hợp chất nhầy. Qua đó làm thay đổi chất lượng và phân bố chất nhầy trên bề mặt niêm mạc. Như vậy, sự toàn vẹn của lớp chất nhầy không còn, kèm theo tổn thương các tế bào biểm mô và dẫn tới loét.
- Bên cạnh đó, vi khuẩn thủy phân biến nitrat của thực phẩm thành nitrit. Nitrite kết hợp với những chất có trong thực phẩm tạo thành nitrosamine. Chất này gây nghịch sản, phát triển thành ung thư.
- Nhiễm vi khuẩn HP có thể làm teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột. Từ đó có thể gây loạn sản, nguy cơ dẫn đến ung thư biểu mô tuyến ở dạ dày. WHO khuyến cáo diệt trừ vi khuẩn HP là một phương pháp quan trọng phòng ngừa ung thư dạ dày.
Ngoài ra sự lây nhiễm của vi khuẩn này thuận lợi hơn trong môi trường bị ô nhiễm. Do đó, những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn bị nhiễm là nguồn lây lan ban đầu quan trọng.
Các phương thức lây lan của vi khuẩn H.Pylori
Vi khuẩn H.Pylori có thể lây lan qua đường miệng – miệng khi tiếp xúc với nước bọt của người bệnh do dùng chung bát, đĩa… khi ăn uống.
- Đường miệng – miệng.
Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan do tiếp xúc với nước bọt trong cao răng, khoang miệng của người bệnh.
Ví dụ: khi dùng chung bát đĩa, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con…
- Đường dạ dày – miệng.
Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản đưa vi khuẩn HP từ dạ dày lên miệng. Vi khuẩn sẽ bám vào mảng cao răng gây lây nhiễm qua đường miệng. Khi ăn uống chung hoặc khám nha khoa không đảm bảo tiệt trùng dụng cụ, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm cho người khỏe mạnh.
- Đường phân – miệng.
Vi khuẩn HP khi đào thải qua phân có thể lây nhiễm qua tay của người bệnh nếu không rửa tay sạch sẽ. Vi khuẩn HP cũng có thể lây qua các con vật trung gian như ruồi, gián…
- Đường dạ dày – dạ dày.
Có thể xảy ra lây nhiễm khi thực hiện nội soi dạ dày. Ở các cơ sở kém uy tín, đầu dò không được tiệt trùng đúng chuẩn dẫn tới lây nhiễm vi khuẩn HP từ người bệnh trước đó.
Các xét nghiệm phát hiện H.Pylori
Hiện nay, có nhiều phương pháp để xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP trong cơ thể. Các xét nghiệm phát hiện HP bao gồm:
- Nội soi dạ dày có sinh thiết. Mảnh sinh thiết quanh vị trí tổn thương sẽ được sử dụng để đánh giá sự hiện diện của vi khuẩn HP.
- Test thở Urea dựa trên phản ứng hóa học giữa NH3 (do vi khuẩn HP tiết urease thủy phân) và đồng vị carbon tạo ra khí thải qua phổi.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm phân.
Điều trị bệnh lý viêm/loét dạ dày – tá tràng do H.Pylori
Điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP cần kết hợp các loại kháng sinh khác nhau. Hiện nay đã có các phác đồ chuẩn trong điều trị bệnh lý này. Các bác sĩ sẽ căn cứ trên tình trạng của từng người bệnh để lựa chọn phác đồ phù hợp. Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP là sự tuân thủ tuyệt đối của người bệnh khi thực hiện phác đồ điều trị. Bởi vi khuẩn HP là loại vi khuẩn có tính kháng thuốc rất mạnh, nếu người bệnh uống thuốc không đúng liều, quên uống thuốc, không đúng thời gian sẽ khiến vi khuẩn kháng thuốc và gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp