✴️ Đầy bụng khó tiêu giải quyết bằng cách nào?

Hầu hết những trường hợp bị sình hơi, đầy bụng đều tự chẩn đoán là mình bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc chứng co cứng ruột kết. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng tới hiện tượng này và điều trị ra sao?

Cơ chế sản xuất khí

Hệ thống tiêu hóa của con người luôn sẵn có khoảng 100-200ml khí, mà chủ yếu được sản xuất bởi các vi khuẩn làm nhiệm vụ phân hủy thức ăn tại ruột. Các thực phẩm giàu chất xơ có thể làm tăng sản xuất khí vì chất xơ hoạt động như một chất nền quan trong quá trình lên men vi sinh.

Các khí sản sinh trong hệ tiêu hóa chủ yếu là hydro, khí mê-tan và khí cacbonic, cộng với một lượng nhỏ của cái gọi là “khí nặng mùi” như sulfua hydro, amoniac và các axit béo dễ bay hơi.

Đầy hơi khó tiêu có thể là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích

Đầy hơi

Đầy hơi là “một triệu chứng quan trọng của hội chứng IBS” và xảy ra ở “30% người trưởng thành”. Thông thường bệnh nhân thức dậy với cái bụng căng mà dường như tiếp tục sưng phồng lên. Đó là lý do vì sao một số bệnh nhân thường kêu ca rằng mình trông như đang mang thai khi vừa ngủ dậy.

Ở phụ nữ, tình trạng đầy hơi có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian kinh nguyệt. Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng mặc dù cơ thể người bị đầy hơi không thực sự tạo ra khí nhiều hơn so với người bình thường nhưng kích thước bụng của họ vẫn có thể tăng thêm 3-4cm trong cả ngày.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loại thuốc trị đầy bụng không có tác dụng.

 

Chẩn đoán

Khi bị đầy hơi, đầy bụng thì việc đầu tiên là phải đi khám bác sĩ vì có thể là do một số bệnh sau gây ra:

– Không dung nạp Lactose: Lactose tìm thấy chủ yếu trong sữa. Nếu không dung nạp chất đường này, bạn sẽ trải qua các trận đầy hơi bất cứ khi nào bạn uống sữa hoặc sử dụng sản phẩm sữa và các sản phẩm có chứa sữa bò. Cách điều trị duy nhất là không ăn các loại thực phẩm có chứa sữa bò.

– Phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non: Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích. Với nguyên nhân này, bạn có thể dùng các loại men vi sinh để bình thường hóa các hệ thực vật đường ruột.

– Không dung nạp fructose: Fructose là một loại đường được tìm thấy trong trái cây, mật và một số thực phẩm. Có tới 30% bệnh nhân hội chứng IBS không dung nạp fructose.

Doanh số nước ép trái cây uống liền tăng rõ rệt trong những năm gần đây có thể phải chịu một phần trách nhiệm cho sự gia tăng số trường hợp bất dung nạp fructose ở người mắc hội chứng IBS.

Tiêu thụ sản phẩm hoặc chế phẩm từ sữa có thể gây đầy bụng

 

Các loại thực phẩm nguy cơ

Một số thực phẩm có thể gây đầy hơi, chướng bụng do chứa hợp chất thúc đẩy sự hình thành khí trong ruột:

Đậu: Đỗ, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành và các sản phẩm đậu nành thường gây sinh khí và các thực phẩm chế biến sẵn có chứa protein thực vật.

Sữa và các sản phẩm sữa: Sữa, kem, pho mát, và các loại thực phẩm có chứa sữa hoặc pho mát có thể gây ra vấn đề, đặc biệt nếu bệnh nhân không dung nạp lactose.

Rau củ: Rau họ cải (bắp cải, bông cải xanh, mầm, súp lơ), dưa chuột, hành tây và tỏi sống, măng tây, khoai tây và củ cải thường thúc đẩy sản xuất khí trong cơ thể. Tuy nhiên, hành tây, tỏi được nấu chin thì có thể sẽ không bị triệu chứng này.

Hoa quả: Trái cây sấy khô thường giúp nhuận tràng nhưng có thể hơi “thô lỗ” với hệ thống tiêu hóa. Nếu không dung nạp fructose, bạn sẽ phải từ bỏ tất cả các loại hoa quả, nước trái cây và sản phẩm chế biến có chứa trái cây hay đường fructose.
Thực phẩm có lúa mỳ: Tất cả bánh mỳ, bánh quy giòn, bánh quy, ngũ cốc và bánh ngọt có chứa lúa mỳ có thể góp phần hình thành khí trong hệ tiêu hóa ở những người nhạy cảm với thực phẩm này.

Chất béo: Các loại thực phẩm chiên kỹ, thực phẩm béo ngậy có thể gây khó tiêu.

Nước giải khát: Các khí trong đồ uống có ga và một số loại rượu…cần phải tránh.

Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để biết chính xác thủ phạm và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top