✴️ Giảm bớt triệu chứng bệnh trĩ bằng bài thuốc thập khôi tán

Nội dung

1. Quan niệm về bệnh trĩ theo Đông y

Bệnh danh

Với những biểu hiện là đại tiện ra máu, đau vùng hậu môn và sa búi trĩ ra ngoài thì bệnh trĩ trong Đông y có thể nằm trong phạm vi các chứng Tiện huyết hoặc Hạ trĩ.

Nguyên nhân bệnh trĩ theo Đông y

Nguyên nhân gây bệnh trĩ trong Đông y về cơ bản giống với Tây y. Từ 2000 năm nay trong Hoàng đế nội kinh đã ghi rằng nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ là do cân mạch bị giãn rộng. Phát sinh ra bệnh trĩ không chỉ do bệnh lý tại chỗ mà còn do âm dương, khí huyết không điều hòa. Cụ thể như sau:

  • Ngoại tà: Thấp nhiệt sinh kiết lị, kiết lị lâu ngày rặn nhiều sinh trĩ.
  • Đại trường tích nhiệt gây táo bón lâu ngày sinh trĩ
  • Tỳ vị mất điều hòa, thấp nhiệt dồn xuống giang môn, khí huyết hư hao, đại tiện mót rặn thành trĩ.
  • Ăn uống không điều hòa, khi no khi đói, uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng gây táo bón
  • Lao động nặng nhọc, ngồi xổm, phụ nữ có thai, thói quen nhịn đại tiện lâu ngày.

Cách chữa bệnh trĩ theo Đông y

Thời điểm hiện tại việc điều trị nội khoa bảo tồn bằng Đông y với búi trĩ cho nhiều kết quả khả quan do đặc điểm dễ tái phát nên khó điều trị triệt để đồng thời trĩ cũng được coi là trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể. Các phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm dạng thuốc uống trong để nâng cao chức năng tỳ vị, thanh nhiệt ở trường vị, chống táo bón; và thuốc dùng ngoài dạng xông, ngâm, đắp. Các phương pháp này được cho là hiệu quả, an toàn, dễ áp dụng và tiết kiệm chi phí.

Điều trị bảo tồn bệnh trĩ bằng Đông y áp dụng đối với các trường hợp trĩ nội độ 1 và 2 có thể kèm xuất huyết, trĩ ngoại có viêm nhiễm, tắc mạch gây đau, đặc biệt là trĩ ở người già và phụ nữ có thai hoặc sinh đẻ nhiều lần.

2. Cách chữa bệnh trĩ bằng bài thuốc thập khôi tán

Bài thuốc thập khôi tán chữa bệnh trĩ

Xuất xứ: Thập dược thần thư

Thành phần: Đại kế, Tiểu kế, Hà diệp, Trắc bách diệp, Bạch mao căn, Tây thảo căn, Đại hoàng, Sơn chi, Tông lư bì, Mẫu đơn bì liều lượng bằng nhau.

Cách dùng: Các vị đốt tồn tính, nghiền thật mịn dùng vải bọc lại để dưới đất úp chặt lại để qua đêm. Khi dùng, lấy 2g bột thuốc hòa cùng nửa chén nước ngó sen hoặc nước củ cải mài, uống sau bữa ăn. Hoặc có thể dùng ngoài đắp các vết thương chảy máu

Công dụng: Lương huyết, thu liễm chỉ huyết

Chủ trị: Các chứng chảy máu như nôn ra máu, khạc ra máu, ho ra máu, đại tiện ra máu, tiểu máu

Phân tích: Thập khôi tán là bài thuốc thường dùng để thanh nhiệt chỉ huyết. Trong bài Đại kế, Tiểu kế, Tây thảo, Bách diệp, Mao căn, Chi tử đều là các vị lương huyết chỉ huyết, đồng thời phối ngũ với vị thuốc có tác dụng hóa ứ khiến cho máu cầm mà không đọng lại.

Cách chữa bệnh trĩ bằng bài thuốc thập khôi tán

Bài thuốc Thập khôi tán tập hợp các vị thuốc lương huyết chỉ huyết, vừa thanh vừa giáng nên có tác dụng điều trị tốt tình trạng chảy máu do huyết nhiệt, huyết ứ. Vì thế rất thích hợp điều trị các trường hợp trĩ chảy máu (trĩ nội độ 1, 2 có chảy máu).

Tuy nhiên, xét ra thì cách chữa bệnh trĩ bằng bài thuốc này vẫn là phép chữa ngọn không nên uống lâu dài và đợi khi đã cầm máu rồi thì nên xét đến nguyên nhân để điều trị về căn bản.

Vì thế nên kết hợp Thập khôi tán với một số bài thuốc khác tùy thể bệnh:

  • Thể huyết ứ: Lương huyết địa hoàng thang (Đương quy, Hòe hoa, Thục địa, Thanh bì mỗi vị 4g; Tri mẫu, Hoàng bá mỗi vị 6g; sắc uống ngày 1 thang)
  • Thể thấp nhiệt: Tần cửu bạch truật hoàn (Bạch truật, Đào nhân, Tần cửu, Quy vĩ mỗi vị 40g; Chỉ thực, Tạo giác, Trạch tả mỗi vị 20g; Địa du 12g; tán bột làm hoàn uống ngày 10g)
  • Thể khí huyết đều hư: Bổ trung ích khí thang (Đảng sâm 16g; Hoàng kì, Sài hồ, Bạch truật mỗi vị 16g; Đương quy, Thăng ma mỗi vị 8g; Trần bì 6g; Cam thảo 6g; Sắc uống ngày 1 thang)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top