✴️ Viêm loét dạ dày HP dương tính – Tuyệt đối không thể chủ quan

1. Viêm loét dạ dày HP dương tính

1.1. Vi khuẩn HP – Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP (tên đầy đủ Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn có thể trú ngụ và phát triển tại lớp nhầy trên thành niêm mạc dạ dày. Chất urease được tiết ra từ khuẩn HP là nguyên nhân khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị phá hủy và gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam rất cao, chiếm tới 70%. Cũng vì sự phổ biến này mà không ít người bệnh mang tâm lý chủ quan với bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khuẩn HP khi không được phát hiện và điều trị tốt có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe dạ dày và tăng cao nguy cơ biến chứng như viêm teo niêm mạc dạ dày, xuất huyết dạ dày và nguy hiểm hơn cả là ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

 

1.2. Dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày HP dương tính

Như đã nói ở trên, có tới 90% số ca viêm loét dạ dày là do vi khuẩn HP gây ra. Do đó, các triệu chứng chung của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng phần lớn cũng là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP, bao gồm:

– Đau vùng thượng vị. Cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội tùy theo tình trạng bệnh;

– Thường đau sau ăn hoặc lúc đêm muộn, gần sáng;

– Buồn nôn, nôn ói, hôi miệng;

– Đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng;

– Không thèm ăn, ăn không ngon, bị chán ăn;

– Sụt cân không chủ ý.

Khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên, nhiều người sẽ chủ quan bỏ qua hoặc có thể lầm tưởng với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường. Trên hết, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh và không bỏ lỡ thời điểm “vàng” điều trị.

 

1.3. Chẩn đoán xác định viêm loét dạ dày HP dương tính

Hiện nay, có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày nói chung và thường gặp nhất phải kể tới 2 phương pháp sau đây:

– Nội soi dạ dày tá tràng: Nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán loét dạ dày tá tràng vì đây là phương pháp trực tiếp và cho kết quả chính xác nhất. Nội soi giúp phát hiện ổ loét, cho biết vị trí, kích thước ổ loét và cả những sang chấn khó thấy ở lớp niêm mạc. Không dừng lại ở đó, nội soi còn có thể thực hiện sinh thiết tổn thương phục vụ khảo sát mô học và hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.

– Xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính: Vi khuẩn này được phát hiện thông các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, test hơi thở, phân tích mẫu phân hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy từ nội soi.

Chẩn đoán viêm loét dạ dày HP

Thực hiện test hơi thở giúp xác định chính xác vi khuẩn HP dương tính.

 

2. Viêm loét dạ dày HP có nguy hiểm không?

Viêm loét dạ dày nói chung và viêm loét dạ dày HP nói riêng có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe đường tiêu hóa, gây ra những triệu chứng khó chịu, trường hợp nặng có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Cụ thể, người bệnh bị viêm loét dạ dày HP có thể gặp phải những vấn đề như sau:

– Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên: ợ chua, ợ hơi, khó tiêu, chướng bụng, ăn không ngon, chán ăn,…;

– Buồn nôn và nôn;

– Khó thở;

– Đau bụng dữ dội và thường xuyên đau tại vùng thượng vị;

– Đổ nhiều mồ hôi và có khi là lạnh tứ chi;

– Căng cứng vùng cơ bụng;

– Da dẻ tái xanh;

– Tụt huyết áp;

– Biến chứng hẹp môn vị gây cản trở việc tiêu hóa và lưu thông thức ăn ở dạ dày.

– Biến chứng xuất huyết tiêu hóa gây ra các tổn thương nặng chảy máu ở dạ dày. Người bệnh sẽ bị đau bụng dữ dội, suy nhược, toàn thân mệt mỏi, nặng hơn thì bị nôn ra máu và đi ngoài ra phân đen.

– Biến chứng thủng dạ dày là một dạng cấp cứu nguy hiểm cần được phẫu thuật ngay nếu không có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

– Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp phải. Bệnh thường khó nhận biết sớm nên khi phát hiện đều đã ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ di căn cao và việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

 

3. Cần làm gì khi phát hiện viêm loét dạ dày HP

Điều đầu tiên người bệnh cần hiểu rõ là việc điều trị không nên trì hoãn, điều trị càng sớm sẽ cho hiệu quả tốt. Ngược lại nếu để bệnh trở nặng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn khiến việc điều trị thêm khó khăn.

Khi được xác định loét dạ dày HP, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Vì trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có tình trạng bệnh khác nhau và yêu cầu điều trị sẽ không giống nhau.

Nguyên tắc điều trị tập trung chủ yếu vào việc tiêu diệt vi khuẩn HP. Các trường hợp bệnh nhẹ, tình trạng viêm chưa nghiêm trọng có thể được điều trị tốt bằng thuốc (cho hiệu quả điều trị tới 90%). Với các ca bệnh phát hiện muộn, bệnh phát sinh biến chứng thì cần giải quyết biến chứng trước, có khi còn phải làm phẫu thuật điều trị.

Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng và thói quen sống cũng là điều người bệnh cần lưu ý. Xây dựng thực đơn cân đối, bổ sung đủ chất xơ, vitamin, tránh rượu bia và đồ ăn chua, cay, nóng. Thực hiện thói quen ăn uống đúng cách: ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, ăn đồ mềm, ăn đủ bữa đúng giờ, không nhịn đói hoặc ăn quá nó,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top