Hướng dẫn thủ tục về cấp, nhận giấy chứng sinh

Nội dung

I. Thủ tục cấp, nhận giấy chứng sinh:

1. Thủ tục cấp giấy chứng sinh: Trẻ được sinh ra tại bệnh viện sản phụ hoặc người thân thích phải cung cấp giấy tờ sau để bệnh viện đối chiếu làm cơ sở cấp giấy chứng sinh:

  •   Căn cước công dân (CCCD): Bản chính.
    • Trường hợp sản phụ mất CCCD có thể thay thế bằng hộ chiếu hoặc đơn trình báo mất giấy CCCD có hình và dấu giáp lai của cơ quan công an nơi cư trú.
    •  Trường hợp không có giấy tờ tùy thân, sản phụ liên hệ công an nơi đang cư trú xin giấy xác nhận thông tin về cư trú CT07 và giấy xác nhận của công an (có hình và dấu giáp lai trên hình). 

Trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

  • Người thân thích của trẻ có trách nhiệm điền vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02( đính kèm) ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 17/2012 TT- BYT và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh, trạm y tế xã phải xác minh việc sinh và làm thủ tục cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.
  • Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 05 ngày làm việc. 

2. Thủ tục nhận giấy chứng sinh: 

Khi nhận giấy chứng sinh, sản phụ hoặc người thân thích phải cung cấp giấy tờ sau:

a. Đối với sản phụ:

  • Căn cước công dân (CCCD)/Chứng minh nhân dân (CMND)/Hộ chiếu;
  • Giấy ra viện;
  • Hóa đơn thanh toán viện phí.

b. Đối với người có quan hệ hôn nhân (chồng)

  • CCCD/CMND/Hộ chiếu (của sản phụ và chồng);
  • Giấy ra viện;
  • Hóa đơn thanh toán viện phí;
  • Giấy đăng ký kết hôn hoặc kiểm tra thông tin trên App định danh điện tử VNeID của người thân thích (Dữ liệu quốc gia về dân cư thể hiện mối quan hệ người thân thích).

c. Đối với người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời:

  • CCCD/CMND/Hộ chiếu (của sản phụ và người thân thích);
  • Giấy ra viện;
  • Hóa đơn thanh toán viện phí;
  • Giấy Thông báo “Số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” do Công An phường cung cấp hoặc giấy khai sinh của sản phụ và người thân thích hoặc kiểm tra thông tin trên App định danh điện tử VNeID của người thân thích (Dữ liệu quốc gia về dân cư thể hiện mối quan hệ người thân thích).

d. Đối với người có quan hệ nuôi dưỡng:

  • CCCD/CMND/Hộ chiếu (của sản phụ và người nuôi dưỡng);
  • Giấy ra viện;
  • Hóa đơn thanh toán viện phí;
  • Giấy khai sinh;
  • Giấy xác nhận nuôi dưỡng, giấy xác nhận đơn vị bảo trợ xã hội.

e. Trường hợp khác:

  • Người có Giấy ủy quyền của sản phụ; 
  • Giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền và của sản phụ.
  • Giấy ủy quyền phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người thân thích của sản phụ cư trú, trong giấy ủy quyền ghi rõ nội dung: 

“Ủy quyền cho Ông (Bà) …………… là ………… (mối quan hệ với sản phụ) được nhận giấy chứng sinh của sản phụ tên là……..…… tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương”.

Lưu ý:  Sản phụ hoặc người thân thích có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký nhận.

 

II. Thủ tục cấp lại giấy chứng sinh:

1. Trường hợp đã cấp Giấy chứng sinh mà bố, mẹ, người thân thích phát hiện có nhầm lẫn khi khai thông tin:

  • Bố, Mẹ hoặc Người thân thích của trẻ làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BYT, kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. 
  • Giấy giờ chứng minh nội dung nhầm lẫn:
    • Đối với trường hợp nhầm lẫn về Họ tên mẹ hoặc người nuôi dưỡng; Năm sinh; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Số chứng minh nhân dân; Dân tộc thì gửi kèm bản photo Căn cước công dân (CCCD)/ Chứng minh nhân dân (CMND) (mang theo bản chính để đối chiếu);
    • Đối với trường hợp nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú thì kèm theo xác nhận của Công an khu vực về nơi đăng ký tạm trú.

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh có nhầm lẫn để hủy.
  • Đơn và giấy tờ chứng minh được lưu cùng với bản lưu cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  • Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ Số, Quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “CẤP LẠI”.
  • Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc.

2. Trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh:

  • Bố, Mẹ hoặc Người thân thích của trẻ làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BYT có xác nhận Ủy ban nơi thường trú (xác nhận chưa làm Giấy khai sinh cho trẻ từ ngày sản phụ sinh cho đến nay ngày/tháng/năm) gửi Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

  • Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh rách, nát. Lưu lại đơn, giấy tờ chứng minh và cấp Giấy chứng sinh mới cho thân nhân của trẻ trong vòng 02 ngày làm việc.
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn.
  • Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc (trường hợp mất).

 

III. Mẩu xin cấp lại chứng sinh:

Tải mẫu đơn TẠI ĐÂY

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top