Phát hiện và xử trí bệnh đột quỵ

Cho đến năm 2014, điều trị đột quỵ thiếu máu não bằng chất tiêu sợi huyết Plasminogen tiêm qua đường tĩnh mạch (t-PA), vẫn được coi là phương pháp duy nhất có hiệu quả. Nhưng t-PA chỉ có tác dụng với những bệnh nhân đến sớm, trong vòng 4 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Với những bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn để điều trị t-PA thì sẽ phải làm gì? Câu hỏi ấy đã làm đau đầu các bác sĩ trong suốt 20 năm đi tìm câu trả lời.

Phương pháp điều trị lấy huyết khối qua đường nội mạch

Bước ngoặt chỉ diễn ra vào năm 2015, với việc công bố 5 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đa trung tâm về phương pháp điều trị lấy huyết khối qua đường nội mạch. Các nghiên cứu đều cung cấp bằng chứng loại 1 mức độ A.

Những dữ liệu bệnh nhân đột quỵ được cứu sống, thậm chí là chữa khỏi hoàn toàn, đã tác động mạnh đến quan điểm điều trị đang tồn tại suốt 20 năm qua.

Thành công của phương pháp lấy huyết khối qua đường nội mạch đã làm thay đổi cả thế giới!

Thật ngạc nhiên, khi năm 2016, đồng loạt các quốc gia và các hiệp hội đột quỵ hàng đầu thế giới, đã đưa ra khuyến cáo điều trị đột quỵ thiếu máu não. Theo đó, với những bệnh nhân đến muộn sau 4 giờ, hoặc tổn thương tắc các mạch máu lớn trong não, thì chỉ định lấy huyết khối qua đường nội mạch là sự lựa chọn cần thiết.

Hôm nay, khó khăn nhất đối với các bác sĩ điều trị bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, là vấn đề thời gian. Khi mạch máu não bị tắc bởi cục máu đông, nhu mô não sẽ bị chết. Cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có hàng tỉ Neuron thần kinh bị phá hủy.

Thời gian đối với người bệnh đột quỵ là vàng nhưng rất ít bệnh nhân được đưa đến với các bác sỹ sớm, trong vòng 6 giờ đầu. Phương pháp điều trị lấy huyết khối qua đường nội mạch đã giúp các bác sỹ cứu sống bệnh nhân, chỉ để lại di chứng liệt nhẹ, thậm chí có bệnh nhân khỏi hoàn toàn sau 1 ngày điều trị.

Có thể nói, trong nỗ lực chẩn đoán và điều trị đột quỵ, thì bác sĩ điện quang là người đi tiên phong. Kể từ khi tiến sĩ Juan Parodi thực hiện ca can thiệp nội mạch đầu tiên vào năm 1990, cho đến nhiều năm sau chẳng ai hình dung nổi có ngày bác sĩ điện quang lại gắp được cục máu đông nằm trong động mạch não!

Hôm nay, các bác sỹ điện quang sử dụng dụng cụ lấy huyết khối là Stent Solitaire (cấu tạo giống như dụng cụ hái trái cây), được luồn từ động mạch đùi phải lên trên não, vào động mạch não giữa đang bị tắc ở cuối đoạn M1. Cục máu đông nằm trong động mạch não đã được gắp ra bằng dụng cụ này.

 

 

 

 

 

Nên làm gì khi có người thân bị đột quỵ?

Việc phát hiện và đưa bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm trong 6 giờ đầu là cực kỳ cần thiết để mang lại hy vọng giữ được tính mạng cho bệnh nhân cũng như giảm thiểu tối đa các di chứng do đột quỵ. Dưới đây là những việc mà bạn có thể làm được cho người thân của mình:

3 nghiệm pháp đơn giản phát hiện đột quỵ

-  Yêu cầu bệnh nhân MỈM CƯỜI.

-  Yêu cầu bệnh nhân NÓI một câu đơn giản: ví dụ như nói tên của người thân, đếm ngón tay…

Yêu cầu bệnh nhân GIƠ TAY: yêu cầu giơ tay trái, giơ tay phải, giơ cả 2 tay.

3 bước xử trí đột quỵ

Bước 1: Để bệnh nhân nằm ngửa.

Bước 2: Gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn và bố trí ê kíp cấp cứu.

Bước 3: Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khi bác sĩ cho phép (vận chuyển bằng ô tô nhưng phải để bệnh nhân nằm ngửa).

3 điều KHÔNG làm với bệnh nhân đột quỵ

Không để bệnh nhân nằm nghiêng, co quắp, ngồi hay đi lại.

Không tự ý vận chuyển bệnh nhân khi chưa có tư vấn của bác sĩ.

-  Không chích máu ngón tay hay dái tai.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top