Men gan tăng cao thường gặp ở những người sử dụng rượu, bia, thuốc kháng sinh kéo dài, người mắc các bệnh lý về gan. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân cũng làm tăng chỉ số men gan nhưng lại bị nhiều người bỏ qua. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp giúp bạn thông tin hữu ích về chỉ số men gan, nguyên nhân tăng men gan, biện pháp bảo vệ và phòng ngừa “lá” gan khỏe mạnh.
Gan là một bộ phận trong cơ thể đảm nhiệm chức năng quan trọng là giải độc và bài tiết các chất có hại ra khỏi cơ thể . Trong gan có hệ thống các chất enzyme hoàn chỉnh hay còn được gọi là men gan bao gồm: Alanine aminotransferase (ALT) , aspartate aminotransferase (AST), Alkaline phosphatase ( ALP) và Gamma glutamine transpeptidase (GGT) có chức năng hỗ trợ gan lọc bỏ độc tố, giúp hoàn thiện, tổng hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
Các chỉ số men gan được coi là bình thường nếu không vượt quá mức độ cho phép. Các chỉ số này được đánh giá, phân chia theo giới tính và độ tuổi để đảm bảo tính chính xác. Qua đó, chỉ số men gan được cho là bình thường cụ thể như:
– Chỉ số ALT giới hạn từ 5 – 37 UI/I
– Chỉ số AST giới hạn từ 5 – 40 UI/I
– Chỉ số GGT giới hạn từ 5 – 60 UI/I
– Chỉ số ALP giới hạn từ 35 – 115 UI/I
Men gan tăng cao là khi các enzyme nêu ở trên có nồng độ xuất hiện trong máu cao vượt ngưỡng so với mức bình thường. Men gan cao được phát hiện bằng xét nghiệm máu. Khi men gan tăng cao trong máu đồng nghĩa với việc gan đang bị tổn thương.
Xác định được nguyên nhân tăng men gan là rất quan trọng, giúp phòng ngừa các mối nguy hại cho gan, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho gan. Một số nguyên nhân khiến tăng men gan nhưng nhiều người lại bỏ qua như:
Thực phẩm bẩn là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất độc hại cho sức khỏe, điển hình như các loại thực phẩm chứa chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản để giữ độ tươi lâu như đồ ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp… Khi dung nạp vào cơ thể, gan sẽ phải tiếp nhận và xử lý những chất độc từ thực phẩm bẩn này. Dần dần, theo thời gian diễn ra lâu dài, gan sẽ bị tổn thương, làm tăng men gan và gây ra các bệnh nguy hiểm về gan khác.
Rượu bia được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều loại bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đặc biệt, những người sử dụng rượu bia có nguy cơ mắc các bệnh lý về gan rất cao. Hàm lượng cồn trong rượu bia khiến gan phải hoạt động nhiều hơn bình thường để khử độc. Cồn cũng là tác nhân khiến gan đẩy nhanh quá trình tự tiêu hủy, khiến các tế bào gan chết đi với số lượng lớn, đồng thời giải phóng nhiều men gan vào máu.
Thừa cân, béo phì với lượng mỡ thừa nhiều là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về gan. Khi chỉ số tế bào mỡ trong gan nhiều hơn 5% đồng nghĩa với việc gan nhiễm mỡ. Gan bị nhiễm mỡ cũng khiến gan bị tổn thương, làm tăng men gan cao và thậm chí có thể tiến triển xấu thành viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan đe dọa đến tính mạng.
Sử dụng thuốc để điều trị bệnh là rất cần thiết nhưng lạm dụng hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng là nguyên nhân khiến men gan tăng cao bất thường. Ví dụ như: các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tim mạch, thuốc giảm đau hoặc giảm đau chống viêm… Cũng làm tăng men gan nếu sử dụng liều lượng không đúng, liên tục trong ngày.
Người mắc các loại bệnh lý về gan mật như viêm gan, xơ gan, bệnh lý túi mật (sỏi mật, teo túi mật, viêm đường mật), một số loại bệnh truyền nhiễm,… làm tăng men gan. Khi các tế bào gan và thận bị tổn thương, chức năng bị suy giảm, sẽ giải phóng men gan nhiều hơn bình thường làm tăng chỉ số men gan trong máu.
Tăng men gan là biểu hiện điển hình cảnh báo gan của bạn đang bị tổn thương cần chăm sóc và phụ hồi. Thế nhưng, các dấu hiệu nhận biết tình trạng men gan tăng cao lại không hề rõ ràng, người bệnh rất khó để phát hiện được từ sớm. Chính vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, đặc biệt là thăm khám sức khỏe gan mật để kịp thời phát hiện, xử trí sớm để phục hồi lại chức năng gan khi còn có thể.
Men gan cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, do vậy bạn nên phòng ngừa từ sớm. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân tăng men gan, bạn cần áp dụng một số các biện pháp sau đây:
– Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, nếu có thể, bạn nên loại bỏ việc hút thuốc lá.
– Tránh xa các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều chất béo và đường, hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính cay nóng.
– Tăng cường ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị tránh gây hại cho gan.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tạo chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và thức khuya quá nhiều.
– Sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên có tác dụng giải độc gan, khôi phục tế bào gan.
– Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với người có tiền sử mắc bệnh về men gan cao thì cần thăm khám ít nhất 3 – 6 tháng một lần.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân tăng men gan, hơn nữa các dấu hiệu lại không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh đã chuyển biến nặng gây nguy hiểm. Chủ động chăm sóc sức khỏe gan mật là biện pháp an toàn và cần thiết giúp bạn bảo vệ tố lá gan của mình.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh