I. Thông tin lãnh đạo khoa Chẩn đoán hình ảnh
1. Trưởng khoa
Ths.Bs: Đỗ Hải Thanh Anh
- Tốt nghiệp Y đa khoa năm: 2002, tại Đại học Y Dược TP.HCM
- Tốt nghiệp Bác sĩ nội trú bệnh viện/Chuyên khoa I năm: 2006; Chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, tại Đại học Y Dược TP.HCM
- Tốt nghiệp Thạc sỹ Y khoa năm 2008; Chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh
- Giảng viên của Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Đại học Y Dược TP.HCM từ năm 2007 đến nay; Phó Trưởng Bộ môn từ 2015 đến nay.
- Công tác chuyên môn tại Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở I, Bệnh viện Chợ Rẫy đến năm 2012. Công tác chuyên môn và kiêm nhiệm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ 11/2012 đến nay.
2. Phó trưởng khoa
BS.CK1: Lý Thanh Trang
- Tốt nghiệp Y đa khoa năm: 1995, tại Đại học Y Dược TP.HCM
- Tốt nghiệp Chuyên khoa I năm: 2011; Chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, tại Đại học Y Dược TP.HCM
- Công tác tại bệnh viện từ năm 1996 đến nay
3. Kỹ thuật viên trưởng khoa
CN.KTHA: Lưu Quốc Trung
- Năm tốt nghiệp Cử nhân: 2013, tại Đại học Y Dược TP.HCM
- Chuyên ngành Kỹ thuật hình ảnh y học
- Công tác tại bệnh viện từ năm 2005 đến nay
II. Thông tin giới thiệu về khoa
Khoa CĐHA thành lập khoảng năm 1999-2000 từ phòng X-quang và Siêu âm. Cho đến nay, Khoa đã phát triển hơn về nhiều mặt, cả về nhân sự, trang thiết bị và phạm vi lĩnh vực chuyên môn, thực hiện các khám nghiệm hình ảnh không xâm lấn thuộc nhiều lĩnh vực lâm sàng, hỗ trợ hướng dẫn can thiệp để chẩn đoán hoặc điều trị…
Khoa hiện có 50 nhân viên với 21 bác sĩ, 17 kỹ thuật viên, 02 điều dưỡng, 07 nhân viên hành chánh, 03 hộ lý; trong đó có 02 Thạc sỹ giảng viên của Đại học Y Dược TP.HCM làm việc thường trực tại khoa, 09 bác sĩ Chuyên khoa cấp I, 01 Thạc sỹ, các bác sĩ khác đã tham gia các lớp bồi dưỡng Sau đại học về Chẩn đoán hình ảnh và đang tiếp tục được đào tạo dài hạn lần lượt, 07 kỹ thuật viên là Cử nhân Kỹ thuật hình ảnh Y học của Đại học Y Dược TP.HCM. Các bác sĩ và kỹ thuật viên được cử tham gia các CME, hội nghị chuyên ngành hằng năm. Bác sĩ được lần lượt cử đi đào tạo các chứng chỉ chuyên đề, kỹ thuật chuyên sâu trong Chẩn đoán hình ảnh.
Về trang thiết bị, Khoa hiện có:
- 02 hệ thống X-quang tổng quát kỹ thuật số phục vụ chung cho các khoa lâm sàng,
- 01 hệ thống X-quang nha khoa kỹ thuật số phục vụ cho phòng khám Nha,
- 03 máy X quang di động phục vụ chụp tại giường cho các bệnh nhân nặng của các khoa lâm sàng,
- 02 máy C-arm phục vụ tại các phòng mổ.
- 07 máy siêu âm màu với các loại đầu dò đa dạng, thực hiện chẩn đoán các nhóm bệnh lý tổng quát và chuyên sâu như siêu âm mạch máu, siêu âm sản khoa, siêu âm phụ khoa, siêu âm 3D/4D thai thi, siêu âm tim thai, tầm soát dị tật thai, siêu âm đàn hồi gan, đàn hồi tuyến vú và tuyến giáp. Khoa phối hợp với các khoa lâm sàng để thực hiện các thủ thuật chọc dò, sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm, đốt u gan dưới hướng dẫn của siêu âm…
- 02 hệ thống chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (CT): 64 lát cắt và 128 lát cắt. Đặc biệt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt của khoa vừa được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020 là hệ thống máy CT phổ, có nhiều tính năng mới, có thể phân tích hình ảnh phổ vật chất, bản đồ iod giúp đánh giá tổn thương tốt hơn, đánh giá tổn thương trên bệnh nhân Gout, phân biệt các loại sỏi hệ niệu, các công cụ mới giúp chụp và khảo sát tốt hơn về mạch máu não, mạch máu tạng, mạch vành, chụp đánh giá tưới máu não. Ngoài ra có thể giảm bớt số lần chụp, giảm liều tia xạ cho bệnh nhân, giảm lượng thuốc cản quang cần sử dụng mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh. Khoa phối hợp với các khoa lâm sàng để thực hiện sinh thiết dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính, đặc biệt là sinh thiết nốt phổi, u phổi.
- Khoa chuẩn bị triển khai hệ thống chụp cộng hưởng từ từ lực cao 1,5 Tesla với cấu hình mạnh, đầy đủ các loại cuộn thu để khảo sát các loại bệnh lý đa dạng, có thể kết hợp với các hệ thống máy móc đốt điều trị bằng sóng cao tần, đặc biệt là ở hệ thần kinh.
Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế PACS, có thể kết nối hội chẩn chuyên môn từ xa với các bệnh viện tuyến hỗ trợ.
Những định hướng phát triển trong thời gian tới:
Cùng với Bệnh viện thực hiện dự án bệnh viện không phim.
Thực hiện thường quy cắt giảm lượt chụp không cản quang trên máy CT phổ để giảm thời gian chụp và giảm liều tia cho bệnh nhân.
Áp dụng giảm liều thuốc cản quang trên bệnh nhân chụp có cản quang ở máy CT phổ để giảm lượng thuốc sử dụng và giảm nguy cơ gây phản ứng phản vệ cho bệnh nhân.
Đẩy mạnh các kỹ thuật mới trên máy CT phổ
Ứng dụng AI nếu có điều kiện.
Triển khai chuyên sâu theo bệnh lý hệ cơ quan trên cộng hưởng từ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp