✴️ Viêm gan E – triệu chứng và cách điều trị

Nội dung

Viêm gan E là gì?

Viêm gan E là do virus Hepatitis E (được gọi tắt là HEV) gây ra và lan truyền. Đây là một trong số những bệnh lý viêm gan do virus, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa (giống viêm gan A) và hầu như không lây nhiễm qua các con đường khác như đường máu, từ mẹ sang con, đường tình dục…

Virus viêm gan E được tìm thấy trong các chất thải, phân, rác, nguồn nước bị ô nhiễm…, do tác động của môi trường là mưa và lũ lụt nên chúng có thể bám vào thực phẩm, nguồn nước khiến chúng xâm nhập vào cơ thể con người, gây nên bệnh viêm gan E. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nước kém phát triển như các vùng Trung Đông, Châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á … thì viêm gan E rất phổ biến.

Viêm gan virus E là một bệnh có xác suất gây bệnh rất thấp, chỉ từ 1-10%,  thường tự giới hạn và khỏi trong vòng từ 4-6 tuần. Tuy nhiên nếu xảy ra vấn đề nhiễm trùng thì viêm gan E lại trở thành một căn bệnh rất nghiêm trọng và đôi khi phát triển thành dạng kịch phát (suy gan cấp) có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Viêm gan E tuy không phổ biến nhưng cũng không được chủ quan

Viêm gan E có lây không?

Như đã nói ở trên, con đường lây nhiễm của viêm gan E chủ yếu qua đường tiêu hóa (đường phân  – miệng), do con người ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị nhiễm virus này. Một số đường lây lan khác của virus như: lây truyền qua đường máu bị nhiễm hoặc lây từ người mẹ sang con trong quá trình mang thai. Tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm và hầu như không gặp phải.

Thông thường viêm gan E liên quan đến các đợt dịch lớn, chúng sẽ xuất hiện theo chu kỳ từ 5 đến 10 năm và có thể liên quan đến tình trạng mưa lũ lụt. Tình trạng này làm nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm từ đó cũng bị ô nhiễm theo. Quá trình chế biến thức ăn, con người lại không đảm bảo vệ sinh nên virus viêm gan E tấn công vào cơ thể gây nên bệnh lý này.

Chính vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều phải chú ý ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, tránh các thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm, cần phải xử lý nếu nguồn nước nghi bị ô nhiễm.

Triệu chứng của viêm gan E

Viêm gan E có đặc thù là thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 đến 60 ngày sau khi tiếp xúc vi khuẩn, tự khỏi trong vòng từ 4-6 tuần, triệu chứng của bệnh cũng rất nhẹ và nhất thời. So với viêm gan A,B,C thì triệu chứng của bệnh lý này nhẹ hơn, hậu quả ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên bệnh có thể tiến triển thành ác tính và rất nghiêm trọng , nhất là đối với phụ nữ đang mang thai. Một số các triệu chứng của bệnh được nhận thấy như:

– Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau nhức toàn thân… Dấu hiệu này giống như bị cảm cúm thông thường nên người bệnh có thể bị nhầm lẫn và bỏ qua.

– Vàng da, vàng mắt: Dấu hiệu chung của các bệnh lý về gan mà rất dễ nhận thấy bằng mắt thường. Ở giai đoạn vàng da, vàng mắt thì virus viêm gan E được tìm thấy trong phân của người bệnh. Đây cũng là thời điểm virus có thể lây lan cho người khác qua môi trường nước.

– Nước tiểu trở nên đậm màu kèm theo phân có màu nhạt như đất sét.

– Đau bụng âm ỉ, kích thước gan to hơn bình thường vì vậy khi ấn vào vùng bụng có cảm giác đau.

– Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện thêm các triệu chứng như: ăn uống không ngon, buồn nôn và nôn…

Tuy nhiên các triệu chứng này thường kéo dài từ 1- 6 tuần, đa số bệnh nhân không cần chữa trị, bệnh sẽ từ từ giảm dần và biến mất. Nhưng có một số trường hợp hiếm gặp, nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

Vì vậy nếu có những biểu hiện trên thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh để tình trạng bệnh kéo dài, sẽ dẫn đến viêm gan E mạn tính.

Vàng mắt, vàng da là triệu chứng điển hình của viêm gan E

Viêm gan E có nguy hiểm không?

Theo số liệu thống kê thì khả năng mắc bệnh khi nhiễm virus viêm gan E chỉ chiếm từ 1-10%, 90% còn lại có thể tự khỏi  và không cần điều trị nếu cơ thể có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên nếu dưới tác động nào đó, một khi đã phát bệnh thì nó lại trở thành căn bệnh ác tính, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Vì vậy để trả lời cho câu hỏi viêm gan E có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Virus viêm gan E có thể khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng, chúng sẽ tạo ra các chất làm hư hại tế bào gan nên dẫn tới các bệnh lý gan khác như xơ gan, suy gan thậm chí là ung thư gan.

  • Viêm gan E cấp tính

Giai đoạn này, người bệnh có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Một số ít có biểu hiện vàng da, tiểu sẫm, phân bạc màu, ngứa ngoài da … nhưng thường tự khỏi. Tuy nhiên một số ít trường hợp có thể diễn biến nặng gây suy gan cấp, tỉ lệ tử vong ở các vụ dịch dao động từ 1-3%. Ngoài ra bệnh sẽ rất nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai, tỉ lệ tử vong lên đến 10-30%

Viêm gan E có khả năng thúc đẩy tình trạng suy gan ở những người có bệnh lý gan mạn tính trước đó hoặc những người bệnh được ghép tạng phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch, gây ra bệnh lý gan mất bù hoặc tử vong.

  • Viêm gan E mạn tính

Cho đến nay, y học vẫn chưa có thông tin chính thức về sự tiến triển của viêm gan E cấp tính thành viêm gan E mạn tính. Tuy nhiên nếu bệnh nhân nhiễm virus viêm gan E type 3 thì có thể tiến triển thành viêm gan E mạn tính. Các trường hợp viêm gan E mạn tính đào thải virus cho đến khi họ vẫn còn nhiễm và chủ yếu được ghi nhận ở những bệnh nhân ghép tạng đặc, những người phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch.

Do đó, nếu phát hiện mắc viêm gan E thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm soát bệnh, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Xét nghiệm viêm gan E

Hiện nay có hai phương pháp để xét nghiệm viên gan E phổ biến như sau:

  • Xét nghiệm máu

Đây được cho là phương pháp tối ưu nhất để phát hiện virus viêm gan E. Dựa vào kháng thể IgM và IgG đặc hiệu với viêm gan E ở trong máu sẽ cho biết người bệnh có bị nhiễm hay không.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán chính xác bệnh viêm gan

  • Xét nghiệm PRC

Một xét nghiệm khác cũng được dùng để chẩn đoán viêm gan E chính là xét nghiệm PRC. Xét nghiệm này dựa vào phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược để có thể phát hiện ra RNA của lại virus này trong máu hoặc phân của người bệnh.

Điều trị viêm gan E

Như đã đề cập ở trên, viêm gan E là bệnh thường tự giới hạn mà không cần điều trị, các triệu chứng sẽ dần biến mất và ổn dịnh sau 2-6 tuần, vì vậy mà người bệnh nhiễm viên gan E có thể không cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên nếu người bệnh bị viêm gan tối cấp và là phụ nữ mang thai thì việc nhập viện để điều trị và theo dõi là cần thiết.

– Đối với viêm gan E cấp tính: Hiện nay chưa có loại thuốc hay vaccine nào có khả năng điều trị viêm gan cấp tính nên các bác sĩ sẽ tư vấn, điều trị các triệu chứng cơ bản. Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, rau xanh, hoa quả, uống đủ nước, tránh sử dụng rượu, bia, các chất kích thích và tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng sẽ có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là thuốc chứa acetaminophen.

– Đối với viêm gan E mạn tính: Thuốc Ribavirin mặc dù không phải là thuốc được quy định để điều trị viêm gan E nhưng việc sử dụng liều lượng thấp của thuốc này trong khoảng 3 tháng có khả năng làm sạch virus trong máu ở đa số trường hợp viêm gan E mạn tính. Ngoài ra còn có phương pháp điều trị khác là gồm peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin.

Viêm gan E mạn tính thường có liên quan đến liệu pháp kìm hãm miễn dịch, nhưng thông tin về ảnh hưởng của các thuốc ức chế miễn dịch khác nhau trên viêm gan E mạn tính còn rất hạn chế. Đối với những bệnh nhân ghép tạng rắn, sự thải sạch virus có thể đạt được bằng cách làm giảm tạm thời ức độ kìm hãm miễn dịch.

Nói chung, người bệnh khi có những triệu chứng nghi ngờ nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị, kiểm soát được tình trạng bệnh, tránh để lâu dài, bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top