Phá thai là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ hành động chấm dứt thai kỳ. Hiện nay, có khá nhiều phương pháp chấm dứt thai kỳ và lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ tùy thuộc vào tuổi thai tại thời điểm chấm dứt thai kỳ.
Theo các thống kê trên toàn thế giới, một nửa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn kết thúc bằng việc chấm dứt thai kỳ.
Trong bài viết này, chúng tôi nêu ra những sự khác nhau giữa các phương pháp chấm dứt thai kỳ, khi nào nên sử dụng phương pháp nào. Bên cạnh đó, những ưu điểm, nhược điểm, thời gian hồi phục và các nguy cơ thường gặp cũng sẽ được đề cập đến.
Thông thường, thời điểm an toàn để chấm dứt thai kỳ là trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc giai đoạn sớm của 3 tháng giữa (từ tuần 13 đến tuần 20).
Trong một báo cáo của CDC Hoa Kì năm 2015, có đến 65% các trường hợp bỏ thai được ghi nhận ở tuổi thai dưới 8 tuần và hầu hết các trường hợp bỏ thai (lên đến 91%) diễn ra ở tuổi thai dưới 13 tuần.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cụ thể là đến tuần thai thứ 10, phương pháp được ưu tiên lựa chọn để bỏ thai là: Hút thai hoặc Phá thai bằng thuốc.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ, phương pháp được lựa chọn sẽ là: Nong cổ tử cung và nạo hút thai hoặc Khởi phát chuyển dạ.
Việc bỏ thai ở 3 tháng cuối thai kỳ hầu như rất hiếm xảy ra nhưng nếu như tình trạng sức khỏe mẹ bị đe dọa nếu tiếp tục thai kỳ thì lúc đó các bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ. Các lựa chọn chấm dứt thai kỳ lúc này cũng tương tự như thực hiện ở 3 tháng giữa thai kỳ.
Thai phụ lựa chọn phá thai bằng thuốc sẽ được kê đơn và sử dụng 2 loại thuốc vào 2 thời điểm riêng biệt.
2 loại thuốc được sử dụng lần lượt là Mifepristone và Misoprostol. Đầu tiên bệnh nhân được uống Mifepristone và sau đó 48h, bệnh nhân dùng tiếp Misoprostol.
Vai trò của Mifepristone là chấm dứt sự phát triển của thai và Misoprostol giúp tử cung tăng co bóp để tống xuất các sản phẩm thụ thai ra ngoài.
Misoprostol có tác dụng từ 1 – 4 giờ sau khi sử dụng thuốc. Sau khi dùng Misoprostol, bởi vì tác dụng làm trống buồng tử cung nên đôi khi thai phụ cảm thấy đau quặn thắt bụng và ra máu âm đạo. Cảm giác đau quặn bụng đôi khi nặng nề hơn ở một số trường hợp.
Thông thường, sau khi dùng Misoprostol 4 đến 5 giờ, khối thai và mô nhau sẽ được đẩy ra khỏi buồng tử cung.
Do đó bạn nên nhờ người thân hỗ trợ trong quá trình tử cung co bóp để tống khối thai ra ngoài.
Sau khi phá thai bằng thuốc, ra máu âm đạo đôi khi kéo dài từ vài ngày đến vài tuần do đó bạn cần phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi sát tình trạng ra huyết.
Các nguy cơ thường gặp của phá thai bằng thuốc là gặp phải tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:
Hút thai là phương pháp chấm dứt thai kỳ thường được lựa chọn nếu thai nhỏ, dưới 12 tuần. Bác sĩ dùng máy hút chân không với áp lực nhẹ để hút lòng tử cung, lấy sạch khối thai và mô nhau để chấm dứt thai kỳ.
Đầu tiên, bác sĩ đặt một dụng cụ gọi là mỏ vịt để bộc lộ âm đạo, sau đó gây tê tại chỗ vùng âm hộ - âm đạo. Tiếp theo, một dụng cụ gọi là que nong được đặt vào lỗ cổ tử cung để giúp mở cổ tử cung. Sau đó, một que hút sẽ được đưa vào lòng tử cung, kết hợp cùng với máy hút chân không để hút lấy khối thai và mô nhau ra ngoài.
Xem thêm: Các phương pháp phá thai (Phần 2) – Nong, nạo & khởi phát chuyển dạ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh