✴️ Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm

1. Siêu âm có cần nhịn ăn không?

Thông thường, siêu âm ở một số cơ quan, bộ phận có thể được thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị gì như siêu âm tim, mạch máu, vùng mặt cổ, mắt, tuyến giáp, tuyến vú, các phần mềm, cơ xương khớp… Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định người tham gia siêu âm cần chuẩn bị kỹ càng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kỹ thuật này, tránh kéo dài quá trình:

  • Siêu âm gan, túi mật, tuyến tụy và lá lách: Cần ăn một bữa không có chất béo vào buổi tối trước ngày siêu âm, sau đó nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ trước khi thực hiện kỹ thuật
  • Siêu âm thận – tiết niệu: Cần uống 4 – 6 ly nước và nhịn tiểu khoảng 1 giờ trước siêu âm để bàng quang căng. Ngoài ra, người tham gia có thể được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ trước khi siêu âm nhằm không để tích tụ khí trong ruột.
  • Siêu âm động mạch chủ: Cần nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ trước siêu âm

 

2. Ăn rồi có siêu âm bụng được không?

Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng hình ảnh siêu âm thu được như thừa cân béo phì, thức ăn trong dạ dày, không khí ở đường ruột… Thức ăn chưa được tiêu hóa có thể làm cản trở sóng âm, gây khó khăn cho việc thu hình ảnh rõ nét. Do đó, để việc thực hiện siêu âm bụng thu được kết quả rõ nét và chính xác, bác sĩ khuyến cáo người tham gia kiểm tra chỉ cần ăn nhẹ, sử dụng các thức ăn dễ tiêu, tránh những thức ăn dầu mỡ gây đầy bụng, khó tiêu.

Đối với những trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, người tham gia kiểm tra không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn tiểu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có sự chuẩn bị, để mang lại hình ảnh ultrasound chính xác, khuyến cáo người tham gia kiểm tra nên nhịn ăn ít nhất là 6 – 8 giờ trước khi siêu âm.

3. Đi siêu âm nên mặc gì?

Để quá trình siêu âm được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, khuyến cáo người tham gia kiểm tra nên mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát. Tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có trang bị sẵn trang phục phù hợp, quý khách hàng sẽ được hướng dẫn thay trang phục để thuận tiện cho quá trình kiểm tra.

 

4. Siêu âm có giúp phát hiện ung thư không?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm bởi mức độ nguy hiểm của bệnh. Các loại máy siêu âm hiện nay chưa hỗ trợ phát hiện các tế bào ung thư bởi khi các tế bào này chưa hình thành sẽ rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, siêu âm sẽ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu hiệu trong việc tầm soát ung thư, tạo tiền đề cho các bác sĩ có chỉ định các phương pháp tiếp theo như sinh thiết, xét nghiệm máu, nội soi, chụp CT… Do đó, nếu muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe, khách hàng có thể thông báo với các bác sĩ để được chỉ định các kỹ thuật phù hợp.

 

5. Siêu âm 3D có ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi không?

Thực tế chứng minh Siêu âm 3D không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con người. Siêu âm 3 chiều sử dụng sóng âm có tần số cao (sóng siêu âm) vượt ngưỡng có thể nghe được của tai người, và nó không sử dụng bất kỳ một bức xạ ion hoá hay hóa chất nào, vì thế nó được xem là hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe. Nếu thực hiện siêu âm 3 chiều theo hướng dẫn của bác sĩ, các mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm là nó không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé.

6. Cần lưu ý gì khi đi siêu âm 3D?

Tư thế thai nhi quay mặt ra và có đủ nước ối bao quanh khuôn mặt sẽ thuận lợi hơn cho bác sỹ khi siêu âm 3D.

Siêu âm 3 chiều cho thấy được khuôn mặt, tay, chân, mông, vai của thai nhi. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thai nhi không ở tư thế thuận lợi cho siêu âm mà cuộn tròn hay lấy tay che mặt, lúc này thì hình ảnh siêu âm sẽ không được tốt.

Chính vì vậy, trước khi vào siêu âm thì mẹ nên đi lại thoải mái, nhẹ nhàng và trò chuyện với thai nhi. Việc làm này giúp cho thai nhi xoay mình về tư thế thuận lợi cho siêu âm. Nếu như trong quá trình siêu âm không thấy được mặt và các bộ phận do thai nhi cuộn tròn thì bác sĩ sẽ chỉ định mẹ đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng vài vòng.

Khi đi siêu âm, các mẹ cũng nên mặc những bộ đồ rộng rãi để thoải mái cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ cũng có thể rủ bố của em bé đi cùng để cùng xem hình ảnh con yêu.

 

Ưu – Nhược điểm của kỹ thuật siêu âm

Siêu âm được biết đến là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, hỗ trợ bác sĩ trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật siêu âm hiện đại phải kể đến siêu âm 3 chiều (3D) có khả năng tái tạo các dữ liệu thu nhận được từ sóng âm thành hình ảnh 3 chiều, hay siêu âm 4 chiều (4D) là siêu âm 3 chiều có tích hợp thêm ghi nhận sự chuyển động.

Những ưu điểm của phương pháp siêu âm:

  • Hỗ trợ bác sĩ thực hiện công tác thăm khám, chẩn đoán các bệnh lý như u nang, viêm, dị dạng… ở nhiều vị trí trên cơ thể như gan, mật, thận, ổ bụng, vú, tử cung,…
  • Cung cấp hình ảnh rõ nét đánh giá sự phát triển của thai nhi, đặc biệt với siêu âm 3D, 4D có thể phát hiện sớm các dị tật hình thái ở thai nhi (nếu có)
  • Đánh giá chính xác vị trí và kích thước của sỏi như sỏi thận, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang,…
  • Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây hại, gây đau cho người sử dụng, có thể thực hiện kiểm tra nhiều lần nếu cần thiết
  • Kỹ thuật siêu âm sử dụng sóng âm, không sử dụng tia phóng xạ ion hóa như trong X-quang nên không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Đồng thời, còn cho phép nhìn thấy những hình ảnh rõ nét của các mô mềm mà X-quang thường không nhìn rõ.
  • Siêu âm 4D giúp bố mẹ nhìn thấy được hình hài, mặt mũi của trẻ khi còn trong bào thai
  • Siêu âm ít tốn kém hơn những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, nên thường được cân nhắc sử dụng phổ biến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó kỹ thuật siêu âm vẫn có một số nhược điểm nhất định:

  • Không thể chẩn đoán chính xác những bất thường ở ruột và những cơ quan bị ruột che khuất vì sóng âm bị cản trở bởi không khí và hơi. Thay vào đó, các kỹ thuật CT scan hoặc MRI sẽ được cân nhắc trong trường hợp này.
  • Kỹ thuật siêu âm không truyền qua được trong không khí, chính vì thế các cơ quan như tụy, dạ dày, động mạch chủ sẽ cần kết hợp thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
  • Kỹ thuật siêu âm chỉ thể hiện hình ảnh bề mặt ngoài của xương, không thể hiện hình ảnh bên trong xương.
  • Độ xuyên thấu của sóng siêu âm bị giới hạn, nhất là ở những cấu trúc sâu bên trong cơ thể. Do đó, phương pháp này hạn chế sử dụng ở người thừa cân, béo phì.
  • Hiệu quả của kỹ thuật này phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm để cho những hình ảnh chất lượng tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top