✴️ Siêu âm tinh hoàn được thực hiện khi nào?

Nội dung

Siêu âm tinh hoàn là gì?

Siêu âm nói chung là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm, để từ đó mô phỏng lại các hình ảnh bên trong cơ thể. Các hình ảnh này sẽ giúp cho các bác sĩ chẩn đoán được bệnh hay các tổn thương.

Siêu âm tinh hoàn, hay còn được gọi là siêu âm bìu, được thực hiện để khảo sát chỉ riêng ở vùng tinh hoàn.

Tinh hoàn là một phần của hệ sinh dục nam. Chức năng chính của chúng là tạo ra tinh trùng và các hormone. Hai tinh hoàn được chứa ở trong một cấu trúc dạng túi được gòi là bìu.

Siêu âm là một phương tiện an toàn, nguy cơ rủi ro thấp và không xâm lấn. Thủ thuật siêu âm được thực hiện hoàn toàn ở bên ngoài cơ thể.

Siêu âm tinh hoàn được thực hiện khi nào?

Siêu âm tinh hoàn được dùng để thăm khám và tầm soát một số các vấn đề ở vùng bìu, tinh hoàn hay mào tinh. Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện siêu âm tinh hoàn khi bệnh nhân có chấn thương, đau hay sưng xung quanh tinh hoàn.

Các chỉ định dành riêng cho siêu âm tinh hoàn là:

Các u, bướu ở tinh hoàn

Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có ung thư tinh hoàn, siêu âm tinh hoàn là một trong những thủ thuật đầu tiên mà bác sĩ sẽ chỉ định. Siêu âm tinh hoàn được thực hiện để xác định xem khối u, bướu ở trong tinh hoàn có mang tính chất của ung thư hay không.

Hình ảnh siêu âm giúp cho bác sĩ xác định được kích thước và vị trí của khối u. Các hình ảnh này cũng giúp cho bác sĩ xác định xem khối u chứa dịch hay là đặc, nếu là dịch thì thường là lành tính, nhưng nếu đặc thì có thể là tổn thương của ung thư.

Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng nghiêm trọng, cực kỳ đau đớn và cần được cấp cứu sớm. Tình trạng này xảy ra khi thừng tinh, bộ phận cung cấp máu cho tinh hoàn, bị vặn xoắn.

Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn không được giải quyết sớm, nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn sẽ bị mất và các mô tinh hoàn sẽ bị hoại tử.

Thông thường thì phẫu thuật sẽ được thực hiện để ngăn ngừa sự nặng thêm của tổn thương tinh hoàn. Nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện cơn đau nặng ở tinh hoàn mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Viêm mào tinh

Viêm mào tinh là sự viêm xảy ra ở vị trí mào tinh, một bộ phận hình ống cuộn tròn nằm ở phía sau mào tinh có nhiệm vụ dự trữ và vận chuyên tinh trùng. Khi có viêm mào tinh, sẽ có dịch tích tụ xung quanh tinh hoàn, dẫn đến sự xuất hiện của một cục u hay tinh hoàn sưng to. Viêm mào tinh thường do nhiễm trùng.

Vô sinh.

Tinh hoàn có chức năng tạo ra và dự trữ tinh trùng. Các vấn đề ảnh hưởng đến tinh hoàn đôi khi có thể dẫn đến tình trạng vô sinh ở nam. Các vấn đề đó có thể là nhiễm trùng, chấn thương, tiền căn phẫu thuật hay bệnh.

Tinh hoàn ẩn.

Tinh hoàn ẩn là một tình trạng phổ biến và gây ảnh hưởng đến các đối tượng nam trẻ tuổi.

Trong quá trình phát triển của bào thai, tinh hoàn thường sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống đến bìu ở ngoài cơ thể một cách tự nhiên. Quá trình này thường diễn ra trước khi sinh ra nhưng cũng có thể xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi sinh.

Nếu như tinh hoàn không di chuyển xuống trước khi bé trai được 6 tháng tuổi, cần nên liên lạc với các chuyên gia gấp. Phẫu thuật đôi khi cần được thực hiện. Quá trình phẫu thuật cũng rất rõ ràng, bác sĩ ngoại khoa sẽ di chuyển tinh hoàn bị ẩn xuống vị trí chính xác của chúng ở trong bìu.

Chuẩn bị cho việc thực hiện siêu âm tinh hoàn

Không cần phải nhịn ăn hay uống trước khi thực hiện thủ thuật.

Trước lúc thực hiện, bệnh nhân cần cởi hết quần hay vật dụng từ phần hông trở xuống. Bệnh nhân nên mặc quần áo rộng rãi để có thể dễ dàng cởi ra.

Cần chuẩn bị cho việc phải nằm yên trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật, việc này nhằm giúp cho các dụng cụ siêu âm có thể lấy được hình ảnh rõ nhất của tinh hoàn.

Các việc sẽ diễn ra trong cuộc siêu âm

Thủ thuật sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn về siêu âm tinh hoàn. Đây có thể là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ niệu khoa hay bác sĩ siêu âm. Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân những việc mà họ sắp làm.

Thủ thuật thường kéo dài khoảng 15-30 phút.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên giường. Trong quá trình siêu âm, bệnh nhân cũng có thể sẽ được yêu cầu nghiêng sang một bên.

Siêu âm tinh hoàn được thực hiện bên ngoài cơ thể. Một dụng thiết bị cầm tay nhỏ được gọi là đầu dò sẽ được sử dụng để ghi hình.

Bác sĩ sẽ sử dụng một dung dịch dạng gel bôi lên vùng bìu để tạo được sự liên kết tốt giữa đầu dò và da. Gel này còn có tác dụng giúp cho đầu dò di chuyển trơn tru trên da để có thể lấy được hình ảnh rõ nhất. Gel này thường sẽ hơi lạnh khi đặt lên da nhưng đôi khi cũng có thể được làm ấm trước khi sử dụng.

Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò khắp vùng bìu để có thể lấy được những hình ảnh rõ nhất của tinh hoàn. Lực ấn đầu dò rất nhẹ, nhưng đôi khi vẫn có thể gây khó chịu khi vùng bìu bị thương hoặc đang sưng.

Sau khi thủ thuật kết thúc, gel trên da sẽ được lau sạch. Phần gel còn sót lại sẽ khô nhanh chóng và thường không để lại dấu vết trên quần áo.

Kết quả siêu âm

Các hình ảnh siêu âm thường được xử lý rất nhanh chóng. Đôi khi, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

Nếu bác sĩ không thể bàn luận kết quả chính xác ngay sau khi siêu âm, bệnh nhân nên tái khám để thực hiện lại. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ kiểm tra và đưa ra câu trả lời.

Một số bác sĩ niệu khoa có thể sẽ thực hiện thủ thuật ngay tại văn phòng của họ. Sau đó kết quả sẽ được gửi về cho bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân.

Tùy vào kết quả mà các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm cho bệnh nhân.

Nguy cơ rủi ro

Siêu âm tinh hoàn là thủ thuật có nguy cơ rủi ro thấp. Thủ thuật có thể gây ra một số khó chịu cho vùng bìu bị thương hay đang sưng.

Một số các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác sử dụng phóng xạ, nhưng siêu âm thì không. Do đó siêu âm không mang nhiều nguy cơ rủi ro như các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác.

Tổng kết

Siêu âm là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh an toàn và hiệu quả, cho phép khảo sát được hình ảnh của những việc đang xảy ra bên trong cơ thể.

Siêu âm tinh hoàn cho phép khảo sát rõ ràng hơn các vấn đề của tinh hoàn. Thủ thuật này giúp cho bác sĩ có được thông tin rõ ràng hơn để thực hiện điều trị khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm: Xoắn tinh hoàn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top