Bức xạ được sử dụng trong y học hạt nhân và phóng xạ. Trong y học hạt nhân, các chất phóng xạ được gọi là đồng vị phóng xạ, hoặc dược phẩm phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể. Trong X quang, tia X đi vào cơ thể từ bên ngoài.
Theo Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Hoa Kỳ, khoảng 1/3 tất cả các kỹ thuật chẩn đoán được sử dụng trong các bệnh viện hiện đại có liên quan đến phóng xạ. Các kỹ thuật chẩn đoán này mang tính hiệu quả, an toàn và không gây đau đớn và bệnh nhân không cần phải gây mê.
Y học hạt nhân được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Bệnh nhân sẽ hít, nuốt hoặc tiêm thuốc phóng xạ. Sau khi uống, bệnh nhân nằm xuống bàn có các thiết bị ghi đo tín hiệu. Các thiết bị này sẽ tập trung vào khu vực có nhiều chất phóng xạ giúp bác sĩ đánh giá được các tình trạng bệnh lý. Các loại kỹ thuật hình ảnh có sử dụng chất phóng xạ bao gồm chụp cắt lớp phát xạ positon (PET) và chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT).
Chụp cắt lớp PET và SPECT có thể cho biết tình trạng hoạt động hay một số bất thường của các cơ quan bên trong cơ thể.
Kết quả hình ảnh này đặc biệt hữu ích để chẩn đoán bệnh tuyến giáp, bệnh túi mật, bệnh tim và ung thư. Ngoài ra cũng có thể giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer, các loại bệnh mất trí nhớ và bệnh não khác.
Trước đây, việc chẩn đoán các tình trạng này thường cần phải phẫu thuật, tuy nhiên hiện nay, y học hạt nhân đã giúp hạn chế những cuộc phẫu thuật không cần thiết.
Sau khi chẩn đoán và khi bắt đầu điều trị, PET và SPECT có thể cho biết mức độ đáp ứng điều trị bệnh. Ngoài ra, PET và SPECT cũng đang cung cấp những phát hiện mới về các tình trạng tâm thần, rối loạn thần kinh và nghiện.
Các loại hình ảnh khác liên quan đến y học hạt nhân bao gồm siêu âm phân tử nhắm mục tiêu, rất hữu ích trong việc phát hiện các loại ung thư khác nhau và làm nổi bật lưu lượng máu, và siêu âm cộng hưởng từ - có vai trò chẩn đoán ung thư và rối loạn chuyển hóa.
Các chất liệu tương tự được sử dụng trong chẩn đoán có thể được sử dụng để điều trị. Dược phẩm phóng xạ có thể được nuốt, tiêm hoặc hít.
Ví dụ như iốt phóng xạ (I-131) đã được sử dụng trong hơn 50 năm để điều trị ung thư tuyến giáp và cường giáp. Hiện nay, I-131 cũng được sử dụng để điều trị ung thư hạch không Hodgkin và đau nhức xương từ một số loại ung thư.
Liệu pháp phóng xạ nhắm mục tiêu Iodine-131 (TRT) đưa iốt phóng xạ vào cơ thể. Do các tế bào tuyến giáp hoặc tế bào ung thư hấp thụ mạnh chất này và phóng xạ có thể tiêu diệt chúng. I-131 có thể được dùng dưới dạng viên nang hoặc ở dạng lỏng.
Trong tương lai, có thể chế tạo và đưa vào sử dụng các loại thuốc chuyên biệt chỉ gắn vào các tế bào ung thư. Bằng cách này, hóa trị sẽ chỉ giết chết các tế bào đích mà không tác động nhiều đến các mô khỏe mạnh gần đó.
Liệu pháp phóng xạ (RIT) kết hợp y học hạt nhân (xạ trị) với liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị mô phỏng hoạt động của tế bào trong cơ thể. Kết hợp nhiều phương pháp giúp y học hạt nhân có thể nhắm trúng đích các tế bào cần được điều trị hơn.
Loại phổ biến nhất là I-131, hoặc liệu pháp iốt phóng xạ (RAI). Các lựa chọn khác bao gồm 90Y-ibritumomab tiuxetan, hoặc Zevalin được sử dụng để điều trị các loại ung thư hạch khác nhau. Bexxar được sử dụng để điều trị ung thư hạch và đa u tủy.
Các chuyên gia về công nghệ nano, hóa học polymer tiên tiến, sinh học phân tử và kỹ thuật y sinh đang nghiên cứu các cách để đưa thuốc đến đúng vị trí mà không ảnh hưởng đến các mô xung quanh.
Chẩn đoán trị liệu (Theranostics) là một cách tiếp cận tích hợp các kỹ thuật y học hạt nhân để chẩn đoán hình ảnh và điều trị.
Bệnh nhân đang được chẩn đoán hoặc điều trị bằng y học hạt nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu đang nghi ngờ mang thai, có thai hoặc cho con bú.
Bệnh nhân có thể phải mặc áo choàng hoặc vẫn mặc quần áo bình thường nhưng sẽ phải tháo các vật dụng trang sức và các phụ kiện kim loại khác.
Đối với bệnh nhân được điều trị tuyến giáp bằng I-131 thường sẽ không có thêm các thiết bị đặc biệt nào được sử dụng. Đây là liệu pháp một liều duy nhất bằng đường uống.
Bệnh nhân không nên ăn hoặc uống sau nửa đêm vào trước ngày điều trị. Nếu mục đích của việc điều trị là giải quyết các vấn đề về tuyến giáp, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ngừng dùng thuốc tuyến giáp trong khoảng từ 3 đến 7 ngày trước khi điều trị. Bệnh nhân có thể nội trú tại bệnh viện hoặc về nhà ngay sau đó, tuy nhiên, vì cơ thể sẽ không hấp thụ hết lượng iốt phóng xạ, nên thuốc vẫn sẽ tiếp tục được đào thải khỏi cơ thể trong vòng 2 đến 5 ngày tới.
Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với người khác, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai đồng thời có những thay đổi tạm thời về thói quen cũng như thời gian sinh hoạt như tự chuẩn bị thức ăn, tránh ngủ với người khác, tẩy rửa nhà vệ sinh hai lần sau khi sử dụng, giặt quần áo riêng.
Hầu hết iốt sẽ được bài tiết qua nước tiểu, một lượng nhỏ được bài tiết qua nước mắt, mồ hôi, nước bọt, dịch tiết âm đạo và phân. Phụ nữ nên tránh mang thai trong 6 đến 12 tháng sau khi điều trị.
Nhiễm quá nhiều phóng xạ có khả năng làm tổn thương các cơ quan hoặc mô trong cơ thể thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, khi được sử dụng để chẩn đoán, mức độ phơi nhiễm phóng xạ chỉ tương đương với 01 lần chụp X-quang ngực thông thường hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT Scan). Y học hạt nhân và các kỹ thuật hình ảnh được coi là không xâm lấn và tương đối an toàn và có hiệu quả trong chẩn đoán bệnh.
Điều trị bằng y học hạt nhân thường sử dụng liều lượng lớn hơn chất phóng xạ. Ví dụ, một người chụp cắt lớp phổi y học hạt nhân sẽ phơi nhiễm khoảng 2 millisievert (mSv) phóng xạ, trong khi điều trị ung thư sẽ cần tới 50.000 mSv. Liều phóng xạ này có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân, và tác dụng phụ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vì việc điều trị thường nhắm đến các bệnh có thể gây tử vong nên lợi ích có xu hướng lớn hơn các rủi ro.
Khi công nghệ tiến bộ, các nhà khoa học hy vọng rằng các phương pháp điều trị sẽ tác động nhiều hơn đến khối u hoặc bệnh và ít ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Ủy ban Điều tiết Hạt nhân (NRC) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định chặt chẽ việc sử dụng vật liệu phóng xạ cho y học hạt nhân để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh