✴️ Đặt dây truyền dịch ngoại vi điều trị bệnh nhân bỏng

KHÁI NIỆM

Ở người bệnh bỏng, đặc biệt những người bệnh bỏng nặng, khối lượng máu lưu hành thường bị giảm (có thể giảm tới 30 – 40%), do thoát dịch, huyết tương từ lòng mạch ra khoảng gian bào; mất dịch qua vết bỏng do bốc hơi; mất dịch qua đường hô hấp, qua chất nôn, do sốt cao, … 

Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều trị người bệnh bỏng là bồi phụ lượng dịch đã mất qua đường tiêu hoá hoặc đường tĩnh mạch, ưu tiên hàng đầu là thiết lập đường truyền dịch qua các tĩnh mạch ngoại vi.

 

CHỈ ĐỊNH

Người bệnh bỏng người lớn có diện bỏng chung ≥ 20% diện tích cơ thể (DTCT), trẻ em bỏng ≥ 10%.

Theo chỉ định điều trị.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Thận trọng khi người bệnh bỏng có phù phổi cấp, bệnh tim nặng.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện: điều dưỡng, kỹ thuật viên

Địa điểm: buồng bệnh.

Phương tiện

Dịch truyền theo y lệnh, phiếu truyền dịch

Khay vô khuẩn, khay quả đậu.

Kìm Kocher, ống cắm kìm, bông, gạc, hộp đựng bông cồn vô khuẩn.

Găng tay, dây garo, gối kê tay, cọc truyền, bộ dây truyền, kéo, băng dính, băng cuộn.

Hộp thuốc chống sốc, huyết áp kế, nhiệt kế, hộp đựng vật sắc nhọn, hộp đựng rác thải, …

Người bệnh

Giải thích để người bệnh yên tâm và phối hợp với chuyên môn.

Cho người bệnh đi đại tiện, tiểu tiện trước khi truyền dịch.

Hồ sơ bệnh án

Chuẩn bị hồ sơ bệnh án theo quy định

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Nhân viên y tế đội mũ, rửa tay, mang khẩu trang.

Giải thích, động viên người bệnh.

Kiểm tra dịch truyền, đặt quang treo vào chai dịch, sát khuẩn nút chai, pha thuốc (nếu có).

Cắm dây truyền vào chai dịch, khoá lại.

Chọn tĩnh mạch, thường chọn tĩnh mạch nông ở chi, tốt nhất là ở xa vùng bị bỏng, đặt gối kê dưới vùng truyền.

Treo chai dịch, đuổi khí qua dây, khoá lại.

Đi găng, buộc dây garo trên vùng truyền 3 – 5 cm.

Sát khuẩn vùng truyền từ trong ra ngoài 2 lần, sát khuẩn tay điều dưỡng.

Căng da, cầm kim ngửa mũi vát chếch 300 đưa kim vào tĩnh mạch thấy máu trào ra, tháo dây garo.

Mở khoá cho dịch chảy, cố định kim và dây truyền, che kim bằng gạc vô khuẩn, cố định bằng nẹp (nếu cần).

Điều chỉnh tốc độ theo y lệnh, ghi phiếu theo dõi truyền dịch. 

Theo dõi và phát hiện tai biến.

Thu dọn dụng cụ, tháo găng, rửa tay.

Thực hiện truyền dịch theo y lệnh.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Toàn thân

Hướng dẫn người bệnh và gia đình không được tự ý thay đổi tốc độ truyền dịch.

Theo dõi tình trạng ý thức, mạch, nhiệt độ, huyết áp, hô hấp của người bệnh, phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, rét run, khó thở, …

Nếu có sốc phản vệ: Xử trí theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ (thở oxy, kháng histamin, corticoid, adrenalin…).

Tại chỗ 

Nhiễm khuẩn: thay vị trí truyền, kháng sinh, trích rạch ổ nhiễm khuẩn...

Huyết khối tĩnh mạch, tắc mạch phổi: hiếm gặp. Điều trị bằng Heparin.

Viêm hoặc tắc tĩnh mạch: chườm ấm, thay vị trí truyền.

Chệch ven: truyền dịch ra ngoài ven. Cần dừng truyền, chuyển vị trí khác

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top