Giải phẫu khớp háng và chức năng khớp háng

Nội dung

1. Cấu trúc giải phẫu khớp háng

1.1 Diện khớp

Diện khớp háng gồm 3 phần:

  • Chỏm xương đùi: Có dạng 2/3 khối cầu, che phủ bởi sụn. Trung tâm của chỏm xương đùi hơi lùi xuống dưới có 1 chỗ hõm. Đây là điểm bám của dây chằng tròn nối giữa chỏm xương với đáy ổ cối. Đi kèm dây chằng tròn là dây thần kinh chi phối mô xương dưới sụn của chỏm xương đùi và động mạch dây chằng tròn;
  • Ổ cối của xương chậu: Có hình vòm, đỉnh ổ cối hướng vào phía trong và chếch lên trên, được một lớp sụn bao bọc. Ổ cối ôm gần toàn bộ diện lồi cầu. Khi khớp háng vận động, lồi cầu sẽ xoay bên trong ổ cối;
  • Sụn viền: Có 1 vòng sụn sợi bám vào viền ổ cối, ôm lấy chỏm xương đùi;
  • Mạch máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi: Vùng cổ và vùng chỏm xương đùi được cung cấp máu bởi 3 nguồn mạch chính là cuống trên (nhánh tận cùng của động mạch mũ sau), cuống dưới (nhánh động mạch mũ sau) và cuống trong (động mạch dây chằng tròn).

1.2 Các phương tiện nối khớp

Các phương tiện nối khớp háng gồm:

  • Bao khớp: Là một bao sợi dày, chắc, bao bọc quanh khớp, bao ở đầu phía xương chậu và đầu phía xương đùi;
  • Dây chằng: Có 2 loại là loại nằm trong ổ khớp (dây chằng tròn hoặc còn gọi là dây chằng chỏm đùi) và loại nằm ngoài ổ khớp (gồm 3 dây chằng chính: Dây chằng ngồi đùi, dây chằng chậu đùi và dây chằng mu đùi). Ngoài ra, còn có dây chằng vòng bao quanh mặt sau cổ khớp háng.

1.3 Bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch của khớp háng gồm có 2 phần:

  • Phần chính: Lót ở mặt trong bao khớp. Ở phía xương chậu thì bao hoạt dịch bao quanh sụn viền, đi xuống tới các mấu chuyển thì nó sẽ quặt lên tới vùng chỏm xương đùi, dính vào quanh sụn bọc chỏm xương;
  • Phần phụ: Bọc quanh dây chằng tròn để dây chằng tròn có thể nằm bên trong ổ khớp nhưng vẫn nằm ngoài bao hoạt dịch.

1.4 Các cấu trúc liên quan khớp háng

  • Phía trước: Tam giác đùi và bó mạch thần kinh đùi;
  • Phía sau: Mạch máu, thần kinh khu mông (đặc biệt là dây thần kinh ngồi).

1.5 Các động tác của khớp háng

Khớp háng là một khớp chỏm có thể thực hiện nhiều động tác gồm gấp, duỗi, dạng, xoay ngoài, xoay trong và xoay theo 3 chiều không gian. Cụ thể:

  • Gấp: Gấp đùi 90° nếu gối duỗi, 120° nếu gối gấp;
  • Duỗi: Duỗi đùi 15°;
  • Dạng: Dạng đùi 45°;
  • Khép: Khép đùi 30°;
  • Xoay ngoài: Xoay ngoài đùi 45°;
  • Xoay trong: Xoay trong đùi 30°.

 

2. Chức năng khớp háng

Khớp háng nằm ở vị trí tiếp giáp giữa phần chỏm hình cầu của xương đùi và phần ổ cối của xương chậu. Do đó, phạm vi vận động của khớp háng rộng trên cả 3 mặt phẳng, đảm bảo cử động phần dưới cơ thể được linh hoạt. Với cấu tạo phức tạp, khớp háng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí là quyết định tới khả năng vận động và di chuyển. Cụ thể:

  • Các hoạt động vận động, thể dục, thể thao liên quan tới chi dưới đều phụ thuộc vào mức độ linh hoạt của khớp háng;
  • Xương khớp háng chịu được tác động của cơ thể, đặc biệt là trọng lực, có thể hấp thu lực từ bên ngoài;
  • Khớp háng kết hợp với khớp đùi và khớp gối đóng vai trò như một trụ đỡ cho cả cơ thể;
  • Khớp háng là điểm trụ trung tâm cho các hoạt động phức tạp như gập, duỗi, đứng thẳng người,...

 

return to top