✴️ Gãy xương ở người cao tuổi

Tại sao người cao tuổi dễ bị gãy xương?

Chức năng sinh lý của người cao tuổi cũng như các vi chất tồn tại, tích lũy trong cơ thể ngày một suy giảm do các hormone ngày một giảm dần theo năm tháng, trong khi đó sự bù đắp lại rất hạn chế. Do vậy hệ thống xương, khớp, gân, vỏ xương, bao khớp và dịch khớp cũng dần dần suy giảm gây nên hiện tượng mà người ta gọi là “thoái hoá”.

Thoái hoá xương do thiếu hoặc giảm dần các chất như collagen, protein (đạm), canxi, lượng máu đi đến hệ thống xương khớp cũng suy giảm, vì vậy chỉ cần có một tác động đủ mạnh vào hệ thống xương là có thể gây gãy xương.

người cao tuổi gãy xương

Thoái hóa xương dẫn đến tình trạng người cao tuổi bị gãy xương

Trong sinh hoạt hằng ngày do môi trường xung quanh họ không được an toàn như nhà chật chội, các đồ đạc sắp xếp không gọn gàng làm cho người cao tuổi, nhất là những người có sức khỏe yếu, đi lại khó khăn dễ bị vấp phải các dụng cụ, đồ đạc. Một số trường hợp thì có điều kiện hơn nhưng do tuổi tác, sức yếu, mắt kém nên dễ bị trơn trượt bởi sàn nhà với các loại gạch men hoặc trượt ngã trong nhà tắm vừa do tính trơn bóng của gạch lát nền, vừa do sự trơn của nước tắm hay xà phòng. Trong những trường hợp này, đôi khi người cao tuổi chỉ ngã ngồi, đập mông xuống sàn nhà tắm cũng gây nên gãy xương đùi hoặc gãy, vỡ xương chậu. 

Một số trường hợp người cao tuổi do sức khỏe còn tốt nên có thể dùng thang, ghế đẩu để làm các công việc ưa thích như cắt tỉa cây cảnh, treo giỏ hoa rồi chẳng may trượt thang, trượt ghế gây ngã hoặc đi xe đạp bị ngã cũng gây nên gãy xương. Ngoài ra, người cao tuổi cũng có thể bị gãy xương trong những trường hợp hết sức đơn giản như khi ngủ trở mình rồi trượt xuống sàn nhà gây gãy tay, chân thậm chí gãy xương chậu.

Cũng nên lưu ý rằng, gãy xương ở người cao tuổi gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, lý do là ở phụ nữ đến thời kỳ mãn kinh thì estrogen là loại hormon giúp cho xương vững chắc suy giảm một cách trầm trọng vì vậy rất dễ loãng xương và gãy xương.

Gãy xương nào là nguy hiểm nhất?

Gãy xương tức là do xương bị tác động bởi một lực đủ mạnh và bất kỳ loại xương nào cũng có thể bị nứt, rạn hoặc gãy. Do đặc điểm xương của người cao tuổi giòn nên dễ gãy hơn. Mỗi lần bị ngã, người cao tuổi có thể gãy tay, gãy xương bàn tay, ngón tay và có thể gãy cùng một lúc 2 xương cẳng tay do phản xạ dùng tay để chống đỡ.

Nếu bị trượt ngã có thể làm gãy xương bánh chè hoặc xương cẳng chân hoặc xương bàn chân, ngón chân, xương đùi, khung xương chậu, hay gặp nhất và cũng là nguy hiểm nhất ở người cao tuổi là gãy cổ xương đùi. Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi là một loại bệnh rất phức tạp cho việc điều trị và không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Chỗ yếu của cổ xương đùi là nơi tiếp nối giữa thân xương đùi và chỏm xương đùi. Nơi này rất dễ bị gãy nếu có lực tác động mạnh, nhưng với người cao tuổi đôi khi chỉ ngã ngồi cũng đủ làm cho gãy cổ xương đùi bởi vì xương đã bị loãng. Ngoài ra nếu người cao tuổi bị ngã ở độ cao cũng có thể gây gãy cột sống cổ, cột sống thắt lưng.

người cao tuổi gãy xương

Người cao tuổi gãy xương đùi rất nguy hiểm

Đề phòng gãy xương ở người cao tuổi

Với người cao tuổi

Cần đi lại thật cẩn thận, trong nhà nên sử dụng loại dép có độ ma sát lớn, có thể sử dụng gậy để hỗ trợ. Các hoạt động sinh hoạt nên thực hiện nhẹ nhàng, chậm chạp, không nên vội vã để tránh những lực tác động mạnh, bất ngờ gây hậu quả lên xương.

Người cao tuổi thường bị gãy xương khi ngã nên ngoài việc đi lại cẩn thận, người cao tuổi cũng không nên nằm giường cao, không nên nằm võng vì dễ bị trẹo người, ngã khi ngồi dậy, nên nằm màn và có gối tấm bảo vệ. Trong nhà tắm nên làm thêm tay vịn dọc theo tường vì đây là nơi các cụ dễ bị trượt chân trên nền gạch ướt.

Về ăn uống, nên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều canxi giúp xương khỏe hơn như sữa, các loại cua, ốc, tôm, tép, vừng, cà rốt, rau xanh… Tập thể thao cũng là một cách tốt để sản xuất và duy trì chất xương.

Đối với người thân

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi trong sinh hoạt khi thiết kế nhà cửa như làm bậc thang thấp, tránh bố trí phòng ngủ ở lầu cao, nên có nhà vệ sinh gần phòng ngủ, đèn đủ sáng và sàn nhà không trơn trượt…

Khi người cao tuổi bị chấn thương, dù nhẹ cũng nên kiểm tra ngay bằng chụp X-quang và đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa định rõ bệnh. Không nên tự ý uống thuốc, sửa trật, bó thuốc vì có thể làm bệnh nặng hơn. Chú ý nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng.

Nếu có gãy xương thì nên tuân thủ đúng chế độ điều trị của bác sĩ, tư vấn để nhờ bác sĩ giải thích cặn kẽ. Có như vậy việc chăm sóc bệnh nhân cao tuổi gãy xương sẽ được thực hiện tốt hơn. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top