✴️ Chức năng dây thần kinh sọ

Nội dung

12 dây thần kinh sọ não phân ra làm 3 loại:

  • Các dây thần kinh số V, VII, IX, X là các dây thần kinh hỗn hợp.
  • Dây I, II, VIII là các dây thần kinh cảm giác.
  • Các dây III, IV, VI, XI, XII là các dây thần kinh vận động.

 

Các dây thần kinh sọ não có chức năng như sau:

  • Dây thần kinh khứu giác (I): nhận nhiệm vụ về các mùi khi ngửi.

  • Thần kinh thị giác (II) có nhiệm vụ truyền hình ảnh, cảm giác đồ vật, ánh sáng về não.

  • Dây thần kinh vận nhãn (III) vận động một số cơ mặt đưa nhãn cầu vào trong và lên xuống tạo cử động mắt, mở mí mắt.

  • Dây thần kinh ròng rọc (IV) chi phối cử động mắt xuống dưới, ra ngoài.

  • Thần kinh sinh ba (V) dẫn truyền cảm giác sờ, đau ở vùng mặt, răng, quanh miệng đến não. Điều khiển cơ nhai, chi phối việc tạo nước bọt, nước mắt.

  • Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI) đưa nhãn cầu liếc ra ngoài.

  • Dây thần kinh mặt (VII) chi phối vận động khép mi mắt, biểu hiện trên khuôn mặt. Ngoài ra còn cảm giác mùi vị, nhận cảm giác cho tuyến nước mắt, nước bọt.

  • Thần kinh tiền đình – ốc tai (VIII): phần tiền đình giúp giữ thăng bằng, giữ vững tư thế. Phần ốc tai phụ trách khả năng nghe.

  • Thần kinh thiệt hầu (IX) có nhiệm vụ vận động cơ vùng hầu, vận động cảm giác 1/3 sau lưỡi.

  • Dây thần kinh lang thang (X) chi phối cảm giác, vận động phủ tạng ở ổ bụng và ngực (tim, phổi, cơ quan hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục).

  • Dây thần kinh phụ (XI) giúp vận động thanh quản, cơ than, cơ ức đòn chũm.

  • Thần kinh hạ thiệt (XII) chi phối vận động cơ lưỡi.

 

 

CÁC DẤU HIỆU THƯỜNG GẶP KHI DÂY THẦN KINH SỌ BỊ TỔN THƯƠNG

Khi các dây thần kinh sọ bị tổn thương do viêm, chèn ép do khối u, đứt do chấn thương sẽ gây nên nhiều tác động đến cơ thể. Dây thần kinh chịu trách nhiệm chi phối về vận động, cảm giác các cơ quan nào thì khi tổn thương sẽ gây ra bệnh ở cơ quan tương ứng. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Dây thần kinh khứu giác (I) tổn thương gây rối loạn mùi vị và viêm niêm mạc mũi.

  • Dây thần thị giác (II) tổn thương thường gây rối loạn thị giác, viêm dây thần kinh thị giác, teo dây thần kinh thị giác, bệnh bán manh…

  • Tổn thương dây thần kinh vận nhãn (III) thường gây lác mắt ra ngoài.

  • Tổn thương dây thần kinh ròng rọc (IV) thường gây triệu chứng mắt sẽ không đưa được xuống thấp được.

  • Dây thần kinh sinh ba (V) bị tổn thương thường gây đau dây thần kinh sinh ba. Tức là đau theo vùng chi phối cảm giác của dây thần kinh này.

  • Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI) bị tổn thương gây lác mắt vào trong.

  • Tổn thương dây thần kinh mặt (VII) thường gây liệt mặt (liệt dây thần kinh 7 ngoại biên).

  • Tổn thương dây thần kinh tiền đình – ốc tai (VIII) thường gây viêm dây thần kinh tiền đình và rối loạn tiền đình

  • Dây thần kinh lang thang (X) bị tổn thương gây triệu chứng dễ bị nghẹn, sặc thức ăn lỏng.

  • Dây thần kinh hạ thiệt (XII) tổn thương gây triệu chứng lưỡi bị đẩy sang một bên khi thè lưỡi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top