✴️ Hội chứng xương thuyền phụ

Xương thuyền phụ (accessory navicular) là một xương hoặc mảnh sụn phụ nằm ở phía bên trong của bàn chân ngay phía trên vòm gan chân. Nó có thể nằm trong hoặc liên tiếp với gân chày sau - gân bám vào xương thuyền.

Hội chứng xương thuyền phụ là gì?

Đa số các trường hợp có xương thuyền phụ đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, một vài người xuất hiện đau – được gọi là hội chứng xương thuyền phụ khi mảnh xương hoặc gân chày sau bị kích thích. Điều này có thể do 1 trong các nguyên nhân:

Chấn thương, như trong giãn dây chằng cổ bàn chân

Kích thích mạn tính như đi giày, dép không phù hợp tì vào vùng xương thuyền.

Hoạt động thể thao quá mức.

Nhiều trường hợp có kèm theo bàn chân bẹt. Ở những người có bàn chân bẹt thì gân chày sau phải căng dãn nhiều hơn, vì vậy có thể làm tăng kích thích, viêm lên xương thuyền phụ.

Dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng xương thuyền phụ

Thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên thường ở tuổi thanh thiếu niên, đây là thời điểm xương, sụn phát triển và trưởng thành. Đôi khi, có những trường hợp xảy ra khi trưởng thành.

Dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

Xuất hiện 1 khối gồ xương bất thường ở phía bên trong của bàn chân, ngay trên vòm gan chân.

Sưng nề, tấy đỏ trên khối xương đó.

Đau mơ hồ hoặc cảm giác nhói ở vùng bàn chân giữa và vòm gan chân, thường xảy ra trong hoặc sau khi hoạt động.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh lý này, các bác sỹ sẽ tiến hành hỏi và thăm khám các triệu chứng, tìm các dấu hiệu kích thích da và phù nề. Các bác sỹ có thể ấn lên vùng mảnh xương để tìm dấu hiệu đau. Ngoài ra, cũng đánh giá cấu trúc bàn chân, sức cơ, sự vận động của khớp và cách bệnh nhân đi lại.

Chụp xquang để xác định chẩn đoán. Nếu vẫn còn đau và viêm, có thể chụp thêm phim cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá sâu hơn.

Điều trị

- Điều trị không phẫu thuật:

Mục tiêu điều trị không phẫu thuật là giảm triệu chứng, có thể áp dụng các phương pháp sau:

Bất động: sử dụng bột hoặc giày chuyên dùng giúp vùng tổn thương được nghỉ ngơi để giảm viêm.

Chườm đá: để giảm sưng. Sử dụng khăn vải bọc đá chườm lên vùng tổn thương. Lưu ý không đắp đá trực tiếp lên da.

Thuốc: chống viêm non-steroid, như ibuprofen,...

Điều trị lý liệu, phục hồi chức năng: các bài tập tăng cường sức mạch các cơ, dùng các dạng năng lượng lý liệu giúp giảm viêm.

Sử dụng các thiết bị chỉnh hình: các thiết bị chỉnh hình được thiết kế có thể vừa vặn đối với từng trường hợp để hỗ trợ cho vòm gan chân, và đóng vai trò trong dự phòng các triệu chứng.

Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp trên.

Lưu ý: Mặc dù sau khi điều trị thành công ban đầu, triệu chứng vẫn có thể tái phát lại. Lúc này có thể tiếp tục điều trị nội khoa hoặc cân nhắc điều trị phẫu thuật.

- Điều trị phẫu thuật

Được chỉ định khi điều trị nội khoa sau 4-6 tháng thất bại. Phẫu thuật bao gồm các phương pháp tùy thuộc vào tổn thương cụ thể như: lấy bỏ mảnh xương thuyền phụ, tạo hình lại điểm bám gân chày sau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top