✴️ Thay khớp háng nhân tạo và những vấn đề xoay quanh

1. Khi nào cần thay khớp háng nhân tạo?

Khớp háng là phần khớp lớn nhất của cơ thể, chúng bao gồm chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu. Bề mặt của ổ cối và chỏm xương đùi đều được bao phủ bởi sụn khớp. Đây là mô đệm trơn láng để giúp cho 2 đầu xương có thể cử động trơn tru theo nhiều hướng. Khớp háng sẽ được bao phủ bởi các dây chằng giúp cho khớp háng ổn định.

Bất kỳ một tổn thương nào đó của ổ cối hoặc của chỏm xương đều có thể gây tổn thương lên khớp háng. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây tổn thương trực tiếp lên khớp háng bao gồm: Viêm xương khớp, rối loạn khớp háng bẩm sinh và hoại tử xương hoặc chấn thương,…

Thay khớp háng là một phương pháp mà bác sĩ sử dụng khớp háng nhân tạo thay cho phần khớp háng bị hỏng. Phẫu thuật này là một trong những phương pháp cao cấp và ngày càng trở nên phổ biến. Thông thường khớp háng nhân tạo sẽ được thay trong những trường hợp dưới đây:

– Bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng nặng và ảnh hưởng tới cử động.

– Người bệnh bị tiêu chỏm xương đùi nặng và cử động khớp háng một cách khó khăn.

– Người bị chấn thương dẫn tới gãy xương đùi hay vỡ chỏm xương đùi.

– Thoái hóa khớp háng độ IV.

– Bệnh nhân đã từng thay khớp háng nhưng để lại biến chứng.

Thay khớp háng nhân tạo

Khớp háng là phần khớp lớn nhất của cơ thể, chúng bao gồm chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu

2. Một số khớp háng nhân tạo hiện nay

2.1. Khớp háng nhân tạo toàn phần và bán phần

Thay khớp háng toàn phần nhân tạo là phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng gồm phần chuôi xương đùi, phần ổ cối xương chậu và phần chỏm nhân tạo. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lấy bỏ phần chỏm xương đùi và thay bằng chỏm kim loại (hoặc bằng sứ) cùng một chuôi cắm vào trong lòng tủy xương đùi. Phẫu thuật này cũng có thể nạo bỏ phần ổ cối bị hư và đặt vào đó một chén kim loại mà trong đó chứa polyethylene hoặc sứ.

Thay khớp háng bán phần là chỉ có phần chỏm kim loại bao gồm chỏm Moore là loại có chỏm gắn chặt với chuôi bằng kim loại và cắm vào trong lòng tủy của xương đùi. Với loại này, chỏm kim loại sẽ xoay và tiếp xúc với ổ cối của khung chậu, giúp hạn chế đau khi bệnh nhân cử động.

Khớp háng nhân tạo bán phần lưỡng cực là loại có chỏm bằng kim loại ở bên ngoài và bao lấy một chỏm nhỏ phía trong. Chỏm nhỏ này được gắn với chuôi để cắm vào phần trong lòng tủy xương đùi. Như vậy chỏm con sẽ quay xung quanh chỏm lớn để hạn chế sự cọ sát giữa chỏm lớn với ổ cối xương chậu.

Các loại khớp háng nhân tạo hiện nay

Thay khớp háng toàn phần là kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong y khoa hiện nay

2.2. Khớp háng nhân tạo có xi măng và không có xi măng

Khớp háng nhân tạo có xi măng là phương pháp sử dụng xi măng để cố định phần khớp vào xương. Vì khớp nhân tạo nên tuổi thọ của chúng trung bình đạt từ 10 – 15 năm. Một số nguyên nhân có thể gây hư khớp nhân tạo như sự bào mòn của khớp, do lỏng khớp bởi các khối xi măng gắn không chặt, do các mảnh vụn bị rơi ra ngoài,…

Khớp háng không có xi măng sẽ được phát triển thành nhiều loại nhỏ tùy thuộc vào bề mặt tiếp xúc chịu lực của nó bao gồm: Kim loại – nhựa cao su phân tử, kim loại – kim loại hoặc sứ – sứ,… Loại khớp sứ hay kim loại có độ bào mòn khá thấp nên thường được áp dụng cho người trẻ tuổi có nhu cầu đi lại nhiều.

3. Ưu điểm và chi phí thay khớp háng nhân tạo hiện nay

3.1. Ưu điểm của thay khớp háng nhân tạo

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có rất rất nhiều ưu điểm:

– Ít gây tổn hại tới phần mềm phía xung quanh khớp.

– Thời gian mổ ngắn, không kéo dài lâu.

– Bộc lộ được chính xác khớp cần thay thế.

– Giảm thiểu các nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.

– Giảm thiểu số ngày nằm viện cho bệnh nhân.

– Giảm đau trong và sau quá trình mổ.

– Khớp sau khi thay vững chắc tạo điều kiện tốt cho người bệnh sớm trở lại sinh hoạt như bình thường.

Thay khớp háng nhân tạo có ưu điểm gì?

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo ít gây tổn hại tới phần mềm phía xung quanh khớp

3.2. Thay khớp háng nhân tạo khoảng bao nhiêu?

Thông thường số tiền mà người bệnh phải trả cho thay khớp háng sẽ bao gồm chi phí phẫu thuật và chi phí mua khớp háng nhân tạo. Số tiền này sẽ thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như cơ sở y tế hay chất lượng loại khớp háng nhân tạo.

Các chuyên gia về xương khớp đưa ra tổng chi phí cho những ca phẫu thuật thay khớp háng sẽ dao động trong khoảng 80 – 90 triệu đồng, trong đó chi phí để mua khớp háng nhân tạo sẽ nằm trong khoảng từ 30 – 40 triệu đồng tùy thuộc vào chất liệu của từng loại khớp. Trong trường hợp bệnh nhân được áp dụng bảo hiểm y tế thì chi phí sẽ giảm đáng kể.

Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp đòi hỏi trang thiết bị tốt kết hợp với đội ngũ bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao. Do đó, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện phẫu thuật này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top