✴️ Viêm gân chóp xoay vai

Nội dung

Viêm gân chóp xoay vai là gì?

Viêm gân chóp xoay (tiếng Anh là Rotator Cuff Tendinitis) là tình trạng các gân cơ chóp xoay bị viêm, có thể kèm theo sự lắng đọng canxi ở gân, kích thích gây đau. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên do thoái hóa khớp, chấn thương ở những người trẻ tuổi hoặc các chấn thương nhỏ tác động lên các sợi gân và cơ khớp vai.

Khớp vai là khớp hoạt động nhiều nhất trong các loại khớp nên chóp xoay (chóp quay) rất dễ bị tổn thương. Một số các chấn thương khác thường gặp ở vị trí này là:

  • Viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai: Túi hoạt dịch bị viêm dày gây đau;
  • Chèn ép dưới mỏm cùng vai: Khoang dưới mỏm cùng vai bị hẹp, khi người bệnh đưa tay lên cao, mỏm cùng vai sẽ chèn ép vào gân cơ chóp xoay và túi hoạt dịch, gây ra triệu chứng đau;
  • Rách gân: Gồm nhiều mức độ, do té ngã, tai nạn hoặc việc chèn ép gân, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
  • Chóp xoay khớp vai bao gồm các gân cơ cánh tay và cơ vai bám vào đầu trên xương cánh tay. Các gân cơ bám chắc và giao thoa với nhau thành gân chóp xoay, có chức năng giữ vững khớp vai. Chính điều này giúp cho khớp vai có tầm vận động lớn nhất. Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người, cũng chính vậy làm cho chóp xoay dễ bị tổn thương nhất. Tổn thương chóp xoay thường gặp nhiều nhất ở những người phải vận động khớp vai thường xuyên, nhất là trong trường hợp có các động tác lặp đi lặp lại đưa tay lên quá đầu trong công việc hàng ngày hoặc chơi thể thao (thợ sơn, thợ mộc, vẽ tranh tường, chơi bóng gậy, bóng chày, quần vợt, cầu lông, bóng ném) hoặc có tiền sử mang vác nặng, hoạt động quá mức của khớp vai..., gân khớp vai rất dễ bị tổn thương, kích thích gây phản ứng viêm. Ngoài ra, tổn thương chóp xoay khớp vai có thể gặp phải khi người bệnh nằm nghiêng lên phía đau khi ngủ, chấn thương do té ngã, đụng dập hay khi các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích viêm gân chóp xoay. 

Nguyên nhân gây viêm gân cơ chóp xoay vai:

  • Thoái hoá gân,thiếu máu nuôi hoặc sử dụng khớp vai quá mức
  • Chống tay khi té ngã hoặc ngã đè lên tay gây đụng dập hoặc rách gân cơ chóp xoay
  • Nâng đồ vật nặng hoặc đưa tay quá đầu không đúng tư thế và có tính chất lập đi lập lại.

Ai có nguy cơ mắc viêm gân quay cơ khớp vai?

  • Người lớn tuổi trên 40
  • Những người thường xuyên hoạt động cánh tay, nhất là di chuyển cánh tay quá nhiều lần như thợ mộc, thợ sơn, hoặc chơi các môn thể thao như bóng chày, cầu lông…
  • Tiền sử gia đình có người bị chấn thương từ trước.

Triệu chứng viêm chóp xoay vai thường gặp:

  • Đau ở mức độ nhẹ khi hoạt động lẫn nghỉ ngơi
  • Sưng và đau ở phía trước trên khớp vai;
  • Đau lan từ phía trước khớp vai xuống mặt ngoài cánh tay
  • Đau đột ngột khi chạm vùng vai hoặc nâng cánh tay
  • Xuất hiện âm thanh “lách tách” khi hoạt động khớp vai.

Khi không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn. Lúc này người bệnh gặp các triệu chứng gồm:

  • Cơn đau xuất hiện về đêm khiến người bệnh mất ngủ do đau hoặc khó chịu cần thay đổi tư thế liên tục
  • Yếu cơ, giảm tầm vận động khớp vai
  • Gặp khó khăn, bất tiện khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như chải tóc, mặc quần áo…
  • Thậm chí, một số trường hợp người bệnh cảm thấy rất đau, vai không thể cử động được.

Biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:

  • Gây viêm gân mãn tính
  • Cứng khớp, hạn chế tầm vận động
  • Giảm sức mạnh và sự linh hoạt các cơ vai, cánh tay, ngực và lưng
  • Khó ngủ, mất ngủ… lâu dài dẫn đến các bệnh về thần kinh.

Các phương pháp điều trị viêm gân chóp xoay vai:

  • Nên đến các cơ sở uy tín để bs chuyên khoa thăm khám và chỉ định chụp X-Quang,siêu âm,MRI để xác định mức độ tổn thương có thể chỉ là viêm hoặc đã có tổn thương thực thể như rách chóp xoay…để đưa ra phương án điều trị tốt nhất

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi và kết hợp tập vật lý trị liệu để tăng biên độ vận động khớp vai

  • Tránh các hoạt động gây áp lực lên vai và tập luyện sai tư thế dẫn đến thương tổn khớp vai.

  • Những trường hợp phản ứng viêm dữ dội, vùng da quanh khớp sưng nóng, ửng đỏ, bệnh nhân đau nhiều, thuốc giảm đau đường toàn thân không hiệu quả thì có thể sử dụng đến liệu pháp tiêm corticoid vào khớp, có thể tiêm lặp lại sau 4 – 6  tháng nếu đáp ứng tốt. Đây là 1 thủ thuật rất hữu ích cho việc điều trị nhưng cần phải thực hiện hết sức thận trọng, việc chỉ định cũng cần hết sức chặt chẽ

Điều trị phẫu thuật

Nói chung, hầu hết người bệnh sẽ cải thiện chức năng bằng việc nghỉ ngơi kết hợp với thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Nếu các biện pháp điều trị không phấu thuật không đạt hiệu quả, bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy bỏ gai xương, sửa chữa khôi phục gân, chuyển gân, thay thế gân, làm rộng khoang dưới mỏm cùng (tạo hình mỏm cùng vai), khâu lại gân chóp xoay… Với sự tiến bộ của y học ngày nay, các phẫu thuật này hầu như đều có thể thực hiện hoàn toàn qua ngả nội soi, giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, rút ngắn đáng kể thời gian hồi phục.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top