✴️ Điều trị vữa xơ động mạch theo y học cổ truyền

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Y học hiện đại

Khái niệm

Vữa xơ động mạch là một chứng bệnh có tính chất không có biểu hiện viêm nhiễm khuẩn, tiến triển và tăng sinh làm cho thành động mạch dày lên, cứng, mất tính đàn hồi và chít hẹp lòng mạch. Đặc điểm gây bệnh của vữa xơ động mạch là ảnh hưởng đến nhiều loại bệnh tật ở nội mạc động mạch; trong đó bao gồm hình thành tích tụ tại chỗ chất béo và phức hợp đường, xuất huyết và huyết khối, tăng sinh tổ chức fibrin và lắng đọng calci; đồng thời trung mạc động mạch dần dần thoái hóa và calci hóa. Khi quan sát chất béo tích tụ ở nội mạc động mạch thấy có màu vàng, hình thể như cháo nên gọi là vữa xơ động mạch.

Bệnh vữa xơ động mạch chủ yếu gặp ở vữa xơ động mạch chủ, động mạch vành, động mạch não, động mạch thận, hệ thống động mạch ở ruột và động mạch ở tứ chi.

Bệnh vữa xơ động mạch là một chứng bệnh hay gặp. Trên lâm sàng hay gặp tắc mạch, giảm tính đàn hồi thành mạch ở động mạch vành và động mạch não. Có thể gây nên tăng huyết áp. Bệnh tiến triển chậm nhưng hậu quả thì lại nghiêm trọng và là nguyên nhân trọng yếu gây nên bệnh lý tim mạch. Theo thống kê trên thế giới thì nó là một trong những nguyên nhân hàng đầu trong bệnh lý tim và mạch gây tử vong. Nó là một quá trình bệnh lý đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân loại.

Nói chung, biểu hiện lâm sàng của vữa xơ động mạch thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, chủ yếu ảnh hưởng đến các tổ chức cơ quan và các mức độ thiếu máu.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Biểu hiện thông thường: giai đoạn đầu thường không thấy triệu chứng, đôi khi thấy giảm trí nhớ, mệt mỏi; sờ động mạch cảnh, động mạch đùi... có thể thấy động mạch to hơn, căng hơn và cứng hơn.

Vữa xơ động mạch vành: diễn biến bệnh nhẹ thì không thấy biểu hiện thiếu máu cơ tim. Khi thiếu máu điển hình mới thấy một loạt các biểu hiện như đau thắt ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim. Khi tắc hoàn toàn động mạch vành làm tổn thương cơ tim và hoại tử, trên lâm sàng sẽ thấy biểu hiện của nhồi máu cơ tim.

Vữa xơ động mạch não: thiếu máu não gây huyễn vựng, đau đầu, hôn mê. Trên cơ sở vữa xơ động mạch não mà gây nhồi máu não hoặc xuất huyết não thì sẽ thấy các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, nôn, rối loạn ý thức, liệt chi thể, rối loạn ngôn ngữ. Giai đoạn sau của teo não có thể thấy các biểu hiện bệnh lý tâm thần như rối loạn hành vi, rối loạn trí nhớ, rối loạn tính cách...

Cận lâm sàng

Sinh hóa máu: rối loạn chuyển hóa lipid máu (cholesterol tăng, triglycerid tăng, LDL tăng, HDL giảm).

Lưu biến học: độ quánh máu tăng.

Chụp mạch thấy vị trí hẹp ở động mạch tương ứng.

Siêu âm Doppler phán đoán lưu lượng tuần hoàn.

Chụp MRI (magnetic resonance imaging) phán đoán chức năng mạch não và tổn thương tổ chức não.

Siêu âm tim, điện tim thường, điện tim gắng sức giúp cho phán đoán mức độ tổn thương của vữa xơ động mạch.

Chẩn đoán phân biệt

Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim

Đau thần kinh liên sườn: đau tại 1 - 2 gian sườn và đau không giới hạn ở vùng trước tim, đau có tính chất buốt nhói nhưng không liên quan đến cáu giận. Khi bệnh nhân hít sâu, ho, cử động thân mình đều có thể làm đau tăng, ấn dọc đường đi của thần kinh gian sườn thì đau.

Rối loạn chức năng thần kinh tim: đau tức ngực, đau không cố định, thời gian đau chỉ vài giây hoặc vài tiếng mới hết. Bệnh nhân thường thích thở dài, đau tức xuất hiện khi mệt mỏi nhưng không liên quan đến gắng sức; đôi khi lao động nhẹ nhàng lại hết đau, có thể lao động nặng cũng không làm đau tăng lên. Khi xuất hiện đau tức ngực, dùng thuốc giãn mạch vành không có hiệu quả. Khi đau tức ngực thường kèm theo các chứng suy nhược thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi…

Các nguyên nhân khác gây đau thắt ngực: hẹp hoặc hở động mạch chủ, thấp tim, viêm động mạch chủ sau giang mai gây chít hẹp hoặc tắc động mạch vành… đều gây nên đau thắt ngực. Lúc này, phải căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng để phân biệt.

Vữa xơ động mạch não

Đau đầu do căn nguyên mạch: bệnh xuất hiện có tính chu kỳ, thường gặp ở tuổi thanh xuân, nữ gặp nhiều hơn nam, sau tuổi trung niên bệnh giảm dần; đau có tính chất như châm, chích; kèm theo sợ ánh sáng và nhắm mắt, thời gian đau vài giờ hoặc vài ngày.

Suy nhược thần kinh: giảm sức làm việc trí óc và chân tay, rất dễ gây mệt, hiệu quả làm việc giảm sút, rối loạn giấc ngủ, xét nghiệm không thấy rối loạn đặc hiệu.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả bệnh vữa xơ động mạch thuộc phạm trù chứng tâm thống, tâm quý, kiện vong, huyễn vựng...

Biện chứng lâm sàng căn cứ vào biểu hiện cụ thể của bệnh trong các phạm trù tâm thống, tâm quý, huyễn vựng, trúng phong, kiện vong… Nhân tố quan trọng nhất gây vữa xơ động mạch là chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Các mảng vữa xơ làm giảm tính đàn hồi thành mạch, chít hẹp lòng mạch làm giảm và ngưng trệ lưu thông máu. Cho nên, cơ chế bệnh sinh của nó có liên quan chặt chẽ đến nhân tố đàm trọc và huyết ứ.

Nguyên nhân bệnh sinh

Cơ thể già yếu:

Bệnh thường gặp ở người già, khi qua tuổi 50 thì thận khí dần suy.

Thận dương hư suy nên không thúc đẩy được dương khí của ngũ tạng. Thận âm hao tổn nên không nuôi dưỡng được phần âm của ngũ tạng. Thận tinh bất túc làm não tủy hư nhược cũng gây nên hoa mắt, chóng mặt, hay quên.

Tâm dương không hưng phấn làm khí huyết vận hành không thông gây nên tắc mạch não và đau tức ngực. Tâm âm bất túc làm tâm không được nuôi dưỡng gây nên tâm quý.

Tỳ dương hư nhược làm đàm trọc nội sinh gây nên hồi hộp, trống ngực, đau tức ngực, hoa mắt, chóng mặt.

Can âm bất túc làm can dương thương cang, can phong nội động gây nên hoa mắt, chóng mặt, có thể gây chứng trúng phong.

Ăn uống không điều độ:

Thích ăn đồ béo ngọt, nghiện rượu lâu ngày làm tổn thương tỳ vị. Chức năng vận hóa của tỳ vị bị rối loạn làm tụ thấp thành đàm gây trở trệ trong mạch, rối loạn vận chuyển dương khí ở phần ngực gây nên đau tức ngực (hung tê). Nếu đàm trọc ứ trệ làm thanh dương không thăng, trọc âm không giáng thì có thể gây nên hoa mắt, chóng mặt. Nếu đàm trệ tâm mạch làm tâm không được nuôi dưỡng gây nên hồi hộp, trống ngực. Tỳ là hậu thiên chi bản nên khi tỳ vị bị tổn thương sẽ làm rối loạn nguồn hóa sinh khí huyết làm tâm không được nuôi dưỡng đầy đủ gây nên hồi hộp, trống ngực; não không được nuôi dưỡng đầy đủ gây nên hoa mắt, chóng mặt.

Rối loạn tình chí:

Lao động trí óc nhiều dễ gây tổn thương tâm, lo lắng nhiều dễ gây tổn thương thận. Khí huyết hao hư làm tâm thần không được nuôi dưỡng gây nên hồi hộp, trống ngực (tâm quý), đau đầu và chóng mặt (huyễn vựng), hay quên (kiện vong). Tỳ hư khí kết, tụ tân thành đàm; cáu giận thương can làm can khí uất kết, khí uất hóa hỏa hun đốt tân dịch thành đàm; khí trệ huyết ứ, đàm trệ huyết mạch gây nên đau tức ngực (hung tê), hồi hộp, trống ngực, đau đầu và chóng mặt.

 

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng về hư thực

Vữa xơ động mạch là bệnh thuộc bản hư và tiêu thực.

Bản hư chủ yếu là can, thận, tâm, tỳ hư; tiêu thực chủ yếu là đàm trọc, huyết ứ.

Do vị trí vữa xơ khác nhau nên ảnh hưởng đến các cơ quan cũng khác nhau cho nên biện chứng tạng phủ hư cũng có sự khác biệt. Ví dụ: vữa xơ động mạch não sẽ thấy biểu hiện của can, thận hư; vữa xơ động mạch vành thì chủ yếu là tâm hư, ngoài ra có quan hệ mật thiết đến tỳ và thận. Trong tiêu thực thì bất kể là thể nào cũng đều liên quan đến đàm trọc và huyết ứ.

Nguyên tắc điều trị

Căn cứ vào đặc điểm bệnh vữa xơ động mạch thì nguyên tắc điều trị là tư bổ can thận, dưỡng tâm kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ.

 

PHÂN THỂ LÂM SÀNG

Tâm tỳ lưỡng hư

Lâm sàng: hồi hộp, trống ngực, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, vận động làm bệnh nặng lên, hay quên, sắc mặt không tươi, mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, thở yếu, ăn kém, bụng đầy, chất lưỡi nhợt, có ấn răng, mạch tế nhược.

Pháp trị: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ ích khí huyết.

Bài thuốc: Quy tỳ thang.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này, nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách” để bổ khí sinh huyết, dưỡng tâm ích tỳ. Long nhãn có tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần. Hoàng kỳ, bạch truật giúp nhân sâm ích khí kiện tỳ. Đương quy giúp long nhãn dưỡng huyết bổ tâm. Phục thần, viễn chí, táo nhân để ninh tâm an thần. Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị. Cam thảo có tác dụng ích khí bổ trung và điều hòa các vị thuốc. Khi sắc thuốc cho thêm sinh khương, đại táo để điều hòa tỳ vị và giúp cho tăng cường sinh hóa.

Nếu huyết hư nặng thì gia thục địa 12g, a giao 12g, tử hà xa 12g và tăng liều hoàng kỳ 30g, nhân sâm 06g.

Nếu ăn kém, đại tiện phân lỏng thì gia phục linh 12g, ý dĩ 12g, sa nhân 10g, thần khúc 12g.

Tỳ thận dương hư

Lâm sàng: đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, hụt hơi, mệt, ngại nói, sắc mặt trắng bệch, đau lưng, sợ lạnh, chân và tay lạnh, ăn kém, đại tiện phân lỏng, chất lưỡi nhợt, mạch trầm trì tế hoặc kết đại.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận, thông lạc ninh tâm.

Bài thuốc: Lý trung thang phối hợp với Hữu quy ẩm.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này, can khương, nhục quế, phụ tử có tính vị cay nóng, quy kinh tỳ vị; có tác dụng ôn trung tán hàn, phù dương ức âm. Bệnh thuộc hư chứng nên dùng nhân sâm có tính vị ngọt, ấm và nhập vào kinh tỳ để bổ hậu thiên, khí vượng thì dương hồi phục. Tỳ thuộc thấp thổ, do trung hư bất vận nên sinh hàn thấp cho nên dùng bạch truật có tính vị ngọt, đắng, ôn táo; có tác dụng táo thấp kiện tỳ, kiện vận trung tiêu. Thục địa, hoài sơn, kỷ tử, sơn thù đều là các vị thuốc có tính vị ngọt nhuận; có tác dụng tư bổ thận âm, dưỡng can kiện tỳ, trấn tinh bổ tủy nên khi phối hợp với các vị cay nóng thì đạt được hiệu quả “âm trung cầu dương”. Cam thảo chích có tính ôn; có tác dụng bổ tỳ ích khí, điều hòa các vị thuốc.

Nếu ứ trệ thủy dịch ở trung tiêu gây đầy tức bụng, buồn nôn và nôn thì gia bán hạ 08g, trần bì 12g.

Nếu tâm dương bạo thoát thì tăng liều nhân sâm, phụ tử, đồng thời gia long cốt 15g, mẫu lệ 15g.

Nếu thủy khí lăng tâm gây hồi hộp, ho, khó thở không thể nằm được, phù thũng thì nên dùng bài Chân vũ thang gia vị để tăng cường lợi thủy thấm thấp.

Can thận âm hư

Lâm sàng: chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hồi hộp, hay quên, tức ngực hoặc đau nhói, dễ cáu gắt, lòng bàn chân và tay nóng, đau lưng, mỏi gối, di tinh, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi hồng khô, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư bổ can thận, dưỡng âm an thần.

Bài thuốc: Nhất quán tiễn phối hợp với Tả quy hoàn.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này, thục địa để ích thận dưỡng can, tư thủy hàm mộc. Kỷ tử có tác dụng bổ can thận, ích tinh huyết. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết bổ can. Quy bản có tính vị ngọt mặn lạnh để bổ can thận âm và tiềm dương. Lộc giác giao có tính vị ngọt mặn ấm để tăng cường bổ huyết và ôn bổ thận dương. Như vậy, trong dưỡng huyết lại có cả điều huyết, bổ can lại có cả sơ đạt. Sa sâm, mạch môn để dưỡng âm sinh tân, nhuận táo chỉ khát, thanh kim ích vị. Xuyên luyện tử có tính vị đắng lạnh, sơ can tiết nhiệt, hành khí chỉ thống và khi được phối hợp với một tập hợp các vị ngọt lạnh tư âm dưỡng huyết sẽ tránh được khổ táo thương âm và tiết can hỏa mà bình hoành nghịch. Phục linh để kiện tỳ thấm thấp. Cam thảo chích để kiện tỳ hòa vị, điều hòa các vị thuốc.

Nếu hồi hộp và mất ngủ nhiều thì gia toan táo nhân 12g, ngũ vị tử 10g, bá tử nhân 12g.

Nếu đau tức ngực nhiều thì gia đan sâm 20g, uất kim 08g, diên hồ sách 10g.

Nếu âm hư dương cang gây đau đầu, chóng mặt thì gia hà thủ ô 12g, nữ trinh tử 12g, câu đằng 15g, mẫu lệ 15g, miết giáp 15g.

Nếu âm hư gây triều nhiệt thì gia địa cốt bì 12g, bạch vi 12g, tri mẫu 12g.

Đàm trọc trở trệ

Lâm sàng: hồi hộp, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực, hay quên, người bệu trệ, chân tay cảm giác nặng nề, ăn kém, đầy bụng, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: lý khí khứ đàm, kiện tỳ hòa vị.

Bài thuốc: Đạo xích tán.

Sinh địa 10g.

Mộc thông 10g.

Sinh cam thảo 10g.

Các vị thuốc trên tán bột, mỗi lần uống 10g với nước sắc trúc diệp, uống khi thuốc còn ấm và sau khi ăn.

Nếu hồi hộp nhiều thì gia toan táo nhân 10g, viễn chí 06g.

Nếu chóng mặt kèm buồn nôn và nôn thì gia thiên ma 12g, bạch truật 15g, đại giả thạch 15g, trúc nhự 12g, sinh khương 06g.

Nếu đau tức ngực thì gia qua lâu 12g, giới bạch 12g, uất kim 10g.

Nếu tức ngực, không muốn ăn thì gia sa nhân 10g, thảo đậu khấu 10g.

Nếu đàm uất hóa hỏa gây đắng miệng, bứt rứt, rêu lưỡi vàng nhớp thì nên dùng bài Hoàng liên ôn đởm thang và gia chi tử 12g.

Khí trệ huyết ứ

Lâm sàng: đau tức ngực, đau đầu, chóng mặt, hồi hộp trống ngực, hay quên, mất ngủ, mệt mỏi, hụt hơi, chất lưỡi tím hoặc có ban ứ huyết, mạch huyền súc hoặc kết đại.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, lý khí thông lạc.

Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang

Bài thuốc này được cấu tạo từ bài Đào hồng tứ vật thang kết hợp với bài Tứ nghịch tán và gia cát cánh, ngưu tất. Trong bài thuốc này, đương quy, xuyên khung, xích thược, đào nhân, hồng hoa đều có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Ngưu tất có tác dụng khứ huyết ứ, thông huyết mạch, dẫn ứ huyết hạ hành. Sài hồ có tác dụng sơ can giải uất, thăng đạt thanh dương. Cát cánh có tác dụng khai tuyên phế khí, đưa thuốc lên trên kết hợp với chỉ xác (một thăng một giáng) để hành khí ở vùng ngực làm cho khí hành thì huyết hành. Sinh địa có tác dụng lương huyết thanh nhiệt được phối hợp với đương quy để dưỡng âm nhuận táo làm cho khứ ứ mà không thương âm huyết. Cam thảo điều hòa các vị thuốc. Đặc điểm của bài thuốc này là hành huyết để phân ứ trệ, giải khí để phân uất kết, hoạt huyết mà không hao huyết, khứ ứ mà lại sinh tân.

Nếu đau tức ngực nhiều thì gia giáng hương 12g, uất kim 08g, diên hồ sách 12g, nhũ hương 06g, một dược 06g, tam thất 06g.

Nếu khí hư thì nên gia hoàng kỳ liều cao 20 - 40g.

 

KẾT LUẬN

Bệnh vữa xơ động mạch theo quan điểm y học cổ truyền được mô tả trong các chứng tâm thống, tâm quý, huyễn vựng, kiện vong…

Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh liên quan mật thiết đến khí trệ huyết ứ và đàm trọc.

Nguyên tắc điều trị chủ yếu dùng pháp tư bổ can thận, dưỡng tâm kiện tỳ, tiêu đàm, hoạt huyết hóa ứ.

Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, người thầy thuốc phải chú ý kết hợp với y học hiện đại để xác định chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị. Khi phối hợp với các vị thuốc thì lưu ý gia giảm theo chứng bệnh cho phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top