✴️ Ung thư cổ tử cung có thể sống được bao lâu?

Nội dung

Theo số liệu mới nhất của GLOBOCAN, năm 2020, ung thư cổ tử cung đã cướp đi sinh mạng của khoảng 340.000 phụ nữ trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, số ca mắc mới là khoảng 4.000 trường hợp và gần 2.200 trường hợp tử vong.

 

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

  • Nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 82. Trong đó khoảng 2/3 số ung thư cổ tử cung là do týp HPV 16 và 18.
  • Hút thuốc lá.
  • Suy giảm miễn dịch do thuốc hay các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như HIV, AIDS.
  • Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như herpes sinh dục, HIV, chlamydia…
  • Lạm dụng thuốc tránh thai thời gian dài làm tăng khả năng viêm niêm mạc màng trong tử cung và khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau.
  • Thừa cân có thể làm tăng nồng độ Estrogen (hormone sinh dục nữ chính), dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư tuyến.
  • Sinh đẻ nhiều lần – sinh con sớm: Những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên hoặc sinh con trước 17 tuổi có khả năng bị ung thư cổ tử cung gấp đôi người bình thường.
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư cổ tử cung: Nếu gia đình bạn có người hoặc chính bố, mẹ bạn mắc các bệnh nguy hiểm thì bạn cũng sẽ có tỉ lệ mắc bệnh khá cao.
  • Có mẹ sử dụng Diethylstilbestrol (DES) là loại hormone có tác dụng phòng sẩy thai. Những người phụ nữ có mẹ sử dụng DES trong 16 tuần đầu mang thai có nguy cơ xuất hiện carcinom tuyến tế bào sáng nhiều hơn phụ nữ có mẹ không dùng DES.
  • Hoàn cảnh sống khó khăn, không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ.

 

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

Không có ai có thể trả lời chính xác cho câu hỏi ung thư cổ tử cung sống được bao lâu bởi điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bạn bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nào, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị ra sao,…

Căn cứ vào số liệu của Viện Ung thư Quốc gia (NCI), các nhà nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng tỷ lệ này chỉ là ước tính và được đưa ra dựa trên số liệu được thu thập từ rất nhiều người cùng mắc 1 loại ung thư nên nếu so sánh giữa các cá thể thì có thể sẽ có nhiều sự khác biệt.

Dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư cổ tử cung ở từng giai đoạn bệnh như sau:

  • Giai đoạn khu trú: Tế bào ung thư được tìm thấy trong cổ tử cung và tử cung nhưng chưa lan sang các mô xung quanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 92%
  • Giai đoạn lan rộng: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, đi vào các hạch bạch huyết và các cấu trúc xung quanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 58%.
  • Giai đoạn di căn: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác và các bộ phận khác trên cơ thể. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 17%.

Nhìn chung, ung thư cổ tử cung là bệnh diễn tiến chậm, âm thầm. Từ thời điểm nhiễm virus HPV gây nên các triệu chứng ở vùng cổ tử cung đến các dấu hiệu tiền ung thư, rồi ung thư xâm lấn có thể mất khoảng 10 – 15 năm.

Tóm lại, ung thư cổ tử cung sống được bao lâu sẽ khác nhau ở từng người. Hơn thế nữa, tích cực điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cơ hội sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Ung thư cổ tử cung chữa được không?

Câu trả lời là có, nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là rất cao. Càng phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì rất khó điều trị và cơ hội sống rất thấp.

Tùy thuộc vào bạn bị ung thư giai đoạn nào mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Các cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Áp dụng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, khối u còn nhỏ. Bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung, laser, phẫu đông hoặc dùng vòng cắt đốt bằng điện (LEEP)
  • Cắt bỏ cổ tử cung: Trong phương pháp này, cổ tử cung và phần trên âm đạo sẽ bị cắt bỏ, chỉ giữ lại tử cung. Đôi khi, bệnh nhân cần được nạo hạch bạch huyết vùng chậu kết hợp.
  • Cắt bỏ tử cung toàn phần: Gồm có toàn bộ tử cung, các vùng lân cận xung quanh, hai phần phụ sẽ được cắt toàn bộ và nạo hạch vùng chậu.
  • Đoạn chậu: Loại bỏ các cơ quan trong khung chậu, bao gồm bàng quang, trực tràng, toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, tùy theo mức độ xâm lấn của khối u.

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật thì bác sĩ có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

  • Xạ trị: Tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách chiếu chùm tia năng lượng cao. Mục đích là thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật để phẫu thuật được triệt để hơn, hoặc loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Xạ trị thường được kết hợp cùng với hóa trị. Trong giai đoạn cuối, xạ trị giúp bệnh nhân giảm đau và kiểm soát chảy máu.
  • Hóa trị: Truyền hóa chất trực tiếp vào tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể chỉ định hóa trị đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị.

 

Làm thế nào để nhận biết sớm ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu liên quan mật thiết đến thời điểm phát hiện bệnh. Được điều trị càng sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn và sống lâu hơn.

Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường không rõ nét nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, vẫn sẽ có 1 số triệu chứng điển hình mà bạn cần lưu ý như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau thời gian mãn kinh, sau đại tiện gắng sức
  • Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục
  • Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc khí hư nhiều, lẫn máu, có mùi hôi
  • Đau ở vùng bụng dưới hoặc ngang thắt lưng.

Nếu tế bào ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung và xâm lấn vào các mô, cơ quan xung quanh, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Đau dữ dội ở bụng hoặc lưng
  • Táo bón
  • Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
  • Đi tiểu không kiểm soát hoặc đại tiện không tự chủ
  • Có máu hoặc phân trong nước tiểu
  • Phù nề một hoặc cả hai chân
  • Chảy máu âm đạo dữ dội.
  • Có thể biếng ăn, sụt cân, suy thận, xanh xao, thiếu máu,…

Ngoài ra, để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thì tốt nhất bạn nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP) và xét nghiệm HPV. Trong 30 năm qua, nhờ các chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm này đã giúp giảm khoảng 70% tỉ lệ tử vong do bệnh:

  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: Xét nghiệm PAP 3 năm một lần.
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: Xét nghiệm PAP 3 năm 1 lần và xét nghiệm HPV 5 năm một lần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top