✴️ Bệnh gút và những điều cần biết

Nội dung

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút thường ảnh hưởng đến các khớp ở phần dưới của cơ thể như đầu gối, mắt cá chân, hoặc ngón chân.

Gút xảy ra khi rối loạn chuyển hóa chất đạm dẫn đến tăng acid uric trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao, kết hợp với một số điều kiện thuận lợi như nhiệt độ, lượng đạm hấp thu vào cơ thể… sẽ kết tủa thành dạng tinh thể rắn hình kim, rất sắc nhọn, đồng thời lúc này các khớp có kết tủa sẽ xảy ra cơn đau dữ dội kèm theo sưng, nóng, đỏ. Gút thường ảnh hưởng đến các khớp ở phần dưới của cơ thể như đầu gối, mắt cá chân, hoặc ngón chân.

Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh gút?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh gút, người ta phân chia thành 3 loại như sau:

  • Gút nguyên phát: Đây là nguyên nhân chủ yếu. Loại này thường có yếu tố gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu.

  • Gút thứ phát: Là hậu quả của tăng acid uric máu do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng…) hoặc do suy thận.

  • Gút do bất thường về enzym: Do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, là enzym tham gia vào quá trình chuyển hóa acid uric, gây ra bệnh gút khởi phát sớm ở trẻ em (rất nặng và hiếm gặp).

Các yếu tố nguy cơ của bệnh gút là gì?

  • Gen di truyền: nhiều người bị bệnh gút có tiền sử gia đình mắc bệnh này.

  • Giới tính và tuổi tác. Gút là phổ biến hơn ở nam giới nhiều hơn nữ và thường gặp ở người lớn hơn ở trẻ em.

  • Cân nặng: Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

  • Rượu: Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến sự tích tụ của acid uric vì rượu gây trở ngại cho việc loại bỏ các acid uric ra khỏi cơ thể.

  • Chế độ ăn uống: Ăn quá nhiều thức ăn giàu purin như gan, đậu khô và đậu Hà Lan, cá cơm và nước thịt, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh gút ở một số người.

  • Tiếp xúc với chì. Trong một số trường hợp, tiếp xúc với chì trong môi trường có thể gây ra bệnh gút.

Những bệnh lý nào có thể làm tăng nguy  cơ mắc bệnh gút?

Suy thận hoặc thận mất khả năng để loại bỏ các chất thải, là một nguyên nhân phổ biến của bệnh gút ở người lớn tuổi. Dưới đây là một vấn đề y tế khác góp phần làm tăng nồng độ trong máu cao của acid uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở một số người:

  • Huyết áp cao

  • Suy giáp

  • Một số bệnh lý khiến tế bào sinh trưởng quá nhanh, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, bệnh thiếu máu huyết tán hay ung thư.

  • Hội chứng Kelley-Seegmiller hay hội chứng Lesch-Nyhan: bị thiểu năng 1 phần hay toàn phần trong 1 phân hóa tố giúp kiểm soát mức acid uric.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút là gì?

Khi tinh thể acid uric tích tụ trong khớp và các mô bao quanh tới một giới hạn nào đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nóng, đau, sưng và rất mềm ở một số khớp nào đó, thường là ngón chân cái.

Khi tinh thể acid uric tích tụ trong khớp và các mô bao quanh tới một giới hạn nào đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nóng, đau, sưng và rất mềm ở một số khớp nào đó, thường là ngón chân cái. Triệu chứng này còn được gọi là podagra. Cơn đau thường xảy ra vào ban đêm và nhiều đến mức chỉ cần tấm ga trải giường chạm nhẹ vào cũng đau đến mức độ không chịu nổi. Sự khó chịu này tăng nhanh chóng, kéo dài tới mấy giờ trong đêm rồi giảm trong vòng 2-7 ngày sau đó. Khi cơn gút giảm, lớp da quanh khớp bị đau và có thể tróc ra hay ngứa.
Ngoài ra vùng da ở khớp bị ảnh hưởng rất đỏ hoặc hơi tím, người bệnh có thể bị sốt và khó cử động. Một số người có thể không xuất hiện đầy đủ các triệu chứng gút thông thường. Đến khi các triệu chứng xuất hiện, lượng acid uric tích tụ trong máu đã tăng cao và kết tủa acid uric đã có ở nhiều khớp.  Ngón chân cái là ngón hay bị nhất, tuy nhiên khớp bàn chân mắt cá, đầu gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay cũng có thể bị sưng.

Cơn gút cấp tính thường được điều trị như thế nào?

Cơn gút cấp tính là những cơn đau dữ dội do bệnh gút gây ra. Mỗi lần người bệnh bị đau dữ dội như vậy thì được gọi là một cơn gút cấp tính.
Các bác sĩ thường kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc corticoidđể điều trị các cơn gút cấp tính. Trong đó NSAID thường được dùng qua đường uống, corticoid dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp ảnh hưởng. Tình trạng của bệnh nhân thường được cải thiện trong vòng một vài giờ sau điều trị, các cơn gút cấp sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn.
Khi NSAID hoặc corticosteroid không kiểm soát cơn đau và sưng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một loại thuốc khác là colchicine. Loại này có hiệu quả nhất khi sử dụng trong vòng 12 giờ đầu tiên khi cơn gút cấp tính xảy ra.
Đối với những bệnh nhân có các cơn gút cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể sẽ được điều trị bằng thuốc allopurinol, febuxostat, hoặc probenecid để làm giảm nồng độ acid uric.
Trong trường hợp cơn gút cấp tính nghiêm trọng, không đáp ứng với tất cả các phương pháp nêu trên, người bệnh có thể được điều trị bằng pegloticase, một loại thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, giúp làm giảm nồng độ acid uric.

Người bị gút nên tránh những loại thực phẩm nào?

Người bệnh gút nên hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều purin, chẳng hạn như măng tây.

Người bị bệnh gút nên tránh các loại thực phẩm có nhiều chất purin. Purin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, nhất là những thực phẩm giàu protein.  Thức ăn giàu purine có thể làm tăng nồng độ acid uric và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh gút. Do đó người bệnh gút nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm sau:

  • Cá cơm

  • Măng tây

  • Đậu khô và đậu Hà Lan

  • Cá trích

  • Gan

  • Cá thu

  • Nấm

  • Cá mòi

Loại đồ uống nào là tốt nhất cho bệnh nhân gút?

Người bệnh gút nên uống nhiều thức uống không cồn, đặc biệt là nước. Thức uống không cồn giúp loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể. (Mức độ cao của acid uric trong máu có thể dẫn đến bệnh gút.) Rượu, mặt khác, có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top