✴️ Đau chân khi đi lại: Nguyên nhân và hướng điều trị

Nội dung

Nguyên nhân

Dưới đây là những nguyên nhân tiềm có thể gây ra cơn đau ở chân khi đi lại:

Chuột rút

Chuột rút xảy ra đột ngột, gây ra những cơn đau cơ, thường ở bắp chân, gân kheo hoặc cơ tứ đầu đùi (vùng cơ mặt trước đùi). Nguyên nhân chính xác là không rõ ràng, nhưng mỏi cơ là một trong những yếu tố có thể góp phần. Cơn đau do chuột rút ở chân có thể từ nhẹ đến nặng. Nó có thể kéo dài trong vài giây hoặc vài phút, nhưng nó thường tự biến mất mà không cần can thiệp.

Chấn thương

Những tổn thương cơ, gân hoặc dây chằng đều có thể gây đau chân. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi gây áp lực lên chân, chẳng hạn như khi đi bộ. Chấn thương cũng có thể gây ra các biểu hiện sưng đỏ hoặc bầm tím.

Đau chân do nguyên nhân thần kinh

Đau chân do nguyên nhân thần kinh thường do một hoặc một vài dây thần kinh bị chèn ép ở cột sống gây ra một loạt các triệu chứng trên cơ thể. Nó có thể là hậu quả của bệnh lý viêm nhiễm, chấn thương cột sống hay bệnh lý đĩa đệm. Bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng là tổn thương kết hợp của đau dây thần kinh tọa và bệnh cột sống thắt lưng, xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép ở vùng cột sống thắt lưng thấp. Nó có thể gây đau nhói vùng thắt lưng và đau lan xuống chân.

Các triệu chứng khác như là: yếu cơ, dị cảm hay có cảm giác nóng rần vùng lưng và chân.

Xơ vữa mạch máu

Một số vấn đề liên quan đến vấn đề tim mạch có thể gây ra đau chân. Ví dụ, xơ vữa động mạch xảy ra khi các chất béo trong máu lắng đọng trong lòng mạch tạo thành các mảng xơ cứng trong lòng động mạch, khiến diện tích mạch máu bị thu hẹp. Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (gọi tắt là PAD - peripheral artery disease) làm lượng máu đến các chi (đặc biệt là chân) không có đủ để chi hoạt động như bình thường, khiến người bệnh cảm thấy yếu, tê hoặc chuột rút khi vận động. Các triệu chứng khác của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:

  • Giảm sự phát triển của lông hoặc móng chân
  • Bàn chân lạnh hơn bình thường
  • Vết thương ở chân chậm lành
  • Hoại tử đầu chi
  • Rối loạn cương dương

Bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường, Tổn thương dây thần kinh xảy ra do lượng glucose tăng cao trong máu. Glucose trong máu tăng cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, tuy nhiên, ảnh hưởng thường rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới. Các triệu chứng khác của bệnh thần kinh đái tháo đường gồm: Cảm giác nóng rát, dị cảm và yếu cơ.

Chẩn đoán

Để tìm ra nguyên nhân của cơn đau, bác sĩ sẽ hỏi bạn về nhiều đặc điểm của cơn đau cũng như đi tìm sự xuất hiện của những triệu chứng khác. Ví dụ như, mô tả cảm giác đau như thế nào, tần suất xảy ra và liệu có bất kỳ tác nhân nào gợi ý cơn đau như đi bộ chẳng hạn. Ngoài ra, bác sĩ kiểm tra hồ sơ và hỏi về tiền sử bệnh tật cá nhân và gia đình để tìm hiểu xem liệu có tiền sử gia đình về bệnh mạch máu ngoại biên hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, bao gồm cả kiểm tra mạch và kiểm tra chức năng cơ xương và thần kinh ở chân. Có thể cần phải thực hiện một số phương tiện hình ảnh học khác bao gồm siêu âm mạch máu, chụp X quang hoặc MRI… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra toàn diện những cơ quan khác để tìm những dấu hiệu gợi ý nguyên nhân.

 

Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân.

Trong một số trường hợp, cơn đau tự biến mất mà không cần điều trị chuyên nghiệp. Ví dụ, cách tốt nhất để điều trị chứng chuột rút ở chân là kéo căng cơ và giữ chỗ căng cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm viêm và kiểm soát cơn đau. Vật lý trị liệu là một lựa chọn khác để cải thiện vận động và sức mạnh của chân.

Chăm sóc tại nhà

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống, chẳng hạn như:

  • Bỏ hút thuốc

  • Hạn chế uống bia, rượu

  • Chế độ ăn uống lành mạnh

  • Tập thể dục nhiều hơn

Nếu viêm là yếu tố gây đau, bạn có thể chườm túi đá lên vùng đó. Kê cao chân và nghỉ ngơi có thể giúp vấn đề không trở nên tồi tệ hơn và băng ép cũng có thể giúp giảm sưng, giảm viêm.

Trong hầu hết các trường hợp khác, duy trì hoạt động thể chất có thể hữu ích.

Khi nào nên đi khám

Một số nguyên nhân gây đau chân, chẳng hạn như chuột rút và chấn thương cơ nhẹ, không cần chăm sóc y tế. Các triệu chứng thường tự biến mất.

Tuy nhiên, bác sĩ cần điều trị các chấn thương nặng, chẳng hạn như gãy xương. Họ cũng có thể xác định liệu cơn đau dữ dội hay dai dẳng là kết quả của một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh lý mạch máu ngoại biên hay không.

Tổng kết

Có nhiều vấn đề có thể gây ra các cơn đau buốt ở chân khi đi lại, từ chuột rút và chấn thương nhẹ đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên.

Cơn đau có thể đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như yếu cơ hoặc tê.

Mặc dù chuột rút và chấn thương nhẹ có xu hướng tự lành, nhưng bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau dữ dội hoặc kéo dài dai dẳng.

Xem thêm: 7 cách giúp tránh khỏi tình trạng suy giãn tĩnh mạch

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top