✴️ Bệnh động mạch ngoại biên

Nội dung

Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng hẹp của các động mạch ngoại biên của chân, tay, một số nội tạng hay của đầu mà thường gặp nhất là hẹp các động mạch của cẳng chân. Bệnh này không bao gồm các động mạch chi phối cho tim hay não (hai trường hợp này được gọi là bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não).

Tỷ lệ bệnh động mạch ngoại biên trong dân số chung là 12- 14%. Có tới 1/3 số người đái tháo đường ở tuổi trên 50 mắc bệnh động mạch ngoại biên . Ở người mắc bệnh động mạch ngoại biên , các cơn đau tim hay đột quỵ gặp nhiều hơn 4-5 lần so với những người không mắc.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN BAO GỒM:

Đau khập khiễng: Trong khi nhiều người mắc bệnh động mạch ngoại biên  có các triệu chứng nhẹ hoặc không có thì một số bị đau cẳng chân khi đi lại (đau khập khiễng).

Các triệu chứng đau khập khiễng bao gồm đau cơ hay chuột rút (vọp bẻ) ở các cẳng chân hay cánh tay xảy ra sau hoạt động, ví dụ sau đi lại, nhưng sẽ hết sau khi nghỉ mấy phút. Vị trí đau tùy thuộc vào vị trí của động mạch bị tắc hay hẹp. Hay gặp nhất là ở bắp chân. Độ nặng của đau khập khiễng rất thay đổi.

Đau kiểu chuột rút các cơ ở háng, đùi hay bắp chân sau các vận động, ví dụ đi lại hay leo bậc thang (đau khập khiễng)

  • Tê bì hay yếu cẳng chân
  • Lạnh phía dưới cẳng chân hay bàn chân, đặc biệt khi so sánh với bên kia
  • Nhức nhối các ngón chân, bàn chân hay cẳng chân liên miên
  • Cẳng chân đổi màu
  • Rụng hay mọc chậm lông bàn chân và cẳng chân
  • Mọc chậm hơn các móng chân
  • Da cẳng chân bóng
  • Không có mạch hay mạch yếu ở cẳng chân hay bàn chân
  • Chức năng cương rối loạn ở đàn ông
  • Khi bệnh động mạch ngoại biên  tăng lên, đau có thể gặp cả khi nghỉ hay khi nằm (đau khi nghỉ do thiếu máu). Có thể đau nhiều làm mất ngủ. Thõng chân ra ngoài giường hay đi lại quanh phòng có thể tạm thời hết đau.

     

KHI NÀO CẦN KHÁM BÁC SĨ

Khi bạn bị đau cẳng chân, tê bì hay các triệu chứng khác, đừng cho đó là chuyện bình thường do tuổi tác.

Ngay cả khi bạn không có triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên , bạn có thể cần được tầm soát khi bạn:

  • Tuổi trên 70.
  • Tuổi trên 50 và có bệnh sử đái tháo đường hay hút thuốc.
  • Tuổi dưới 50, nhưng bị đái tháo đường hay có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh động mạch ngoại biên , ví dụ béo phì hay cao huyết áp.

​NGUYÊN NHÂN PHÁT TRIỂN CỦA XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH

Bệnh động mạch ngoại biên  thường gây ra bởi xơ vữa. Trong xơ vữa, các lắng đọng mỡ (các mảng) bên trong thành các động mạch làm giảm dòng máu. Mặc dù tim thường là trung tâm thảo luận của xơ vữa, bệnh này cũng thường ảnh hưởng đến các động mạch ở khắp cơ thể bạn. Khi nó xảy ra cho các động mạch cung cấp máu cho các chi, nó sẽ gây ra bệnh động mạch ngoại biên .

Ít gặp hơn, nguyên nhân của bệnh động mạch ngoại biên  có thể do viêm mạch máu, tổn thương các chi, giải phẫu không bình thường của các dây chằng hay các cơ, hay phơi nhiễm phóng xạ.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

  • Hút thuốc
  • Đái tháo đường
  • Béo phì (chỉ số khối cơ thể trên 30)
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Tuổi cao dần, nhất là sau tuổi 50
  • Gia đình có người bị bệnh động mạch ngoại biên , bệnh tim hay đột quỵ
  • Nồng độ cao homocysteine, một thành phần protein giúp tạo ra và duy trì mô.

     

CÁC BIẾN CHỨNG

Khi bạn bị bệnh động mạch ngoại biên  do các mảng ở thành mạch (xơ vữa), bạn cũng có nguy cơ bị:

  • Thiếu máu chi đáng kể. Bệnh khởi đầu bằng các cơn đau không khỏi, tổn thương hay nhiễm trùng bàn chân hay cẳng chân. Nhiễm trùng có thể đưa đến hoại thư, đôi khi phải đoạn chi.
  • Đột quỵ và cơn đau tim do mỡ lắng đọng tại các động mạch nuôi tim và não, thường gặp hơn ở những người bị bệnh động mạch ngoại biên .

PHÒNG NGỪA: THAY ĐỔI NẾP SỐNG

  • Ngừng hút thuốc (thuốc lá làm bệnh động mạch ngoại biên  nặng lên và là yếu tố nguy cơ cho bệnh tim-mạch). Nếu bạn hút thuốc, bỏ hút là điều duy nhất và quan trọng hơn cả có thể giúp bạn giảm bớt nguy cơ của biến chứng.
  • Điều trị đái tháo đường.
  • Điều trị cao huyết áp.
  • Điều trị cholesterol cao, dùng các thuốc kháng tiểu cầu: aspirin, clopidogrel và statins.
  • Tập đều đặn cho người bị khập khiễng: giúp mở tuần hoàn bên, cải thiện đi lại.

Nếu thay đổi nếp sống vẫn không đủ, bạn cần điều trị thêm bằng thuốc để đề phòng huyết khối, giảm huyết áp và cholesterol, và kiểm soát đau cùng các triệu chứng khác.

Xem thêm: Can thiệp động mạch đùi nông

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top