✴️ Đau lưng thấp (Đau lưng vùng thấp)

Nội dung


Đau lưng là một cảm giác phiền toái phổ biến. Hầu hết mọi người lớn đều có những lúc nào đó bị đau lưng thấp (ĐLT) ở các mức độ khác nhau khiến họ phải đi khám thầy thuốc, đó là nguyên nhân thường gặp nhất của mất khả năng làm việc và mất ngày công.

Đa số ĐLT là cấp tính hoặc ngắn hạn, và chỉ kéo dài từ vài ba ngày đến vài ba tuần. Đa số trường hợp do nguyên nhân cơ học, thường tự khỏi và không để lại dư chứng gì về chức năng. ĐLT bán cấp được định nghĩa là đau kéo dài 1 đến 3 tháng.

ĐLT mạn tính được định nghĩa là đau từ 3 tháng trở lên, do chấn thương hay do một căn nguyên nào khác đã được điều trị. Khoảng 20% ĐLT cấp tính chuyển thành mạn tính với các triệu chứng kéo dài khoảng 1 năm. ĐLT mạn tính có thể điều trị khỏi nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng.

Nguyên nhân

Đại đa số ĐLT là do nguyên nhân cơ học. Một số ví dụ về các nguyên nhân cơ học của ĐLT:

  • Căng dây chằng và căng gân hay căng cơ trong đa số đau lưng thấp. Khi bị kéo căng quá mức, các thành phần này có thể bị rách hay đứt. Xảy ra do xoắn vặn hay khi nâng một vật không đúng qui cách hoặc vật quá nặng, hay căng duỗi quá mức.
  • Thoái hóa hoặc thương tổn các đĩa đệm là các nguyên nhân cơ học hay gặp nhất của ĐLT.
  •  Bệnh lý rễ là tình trạng gây ra bởi chèn ép, viêm và/hay tổn thương của rễ thần kinh tủy sống gặp trong hẹp cột sống, thoát vị đĩa đệm.
  • Đau thần kinh tọa là một dạng bệnh lý rễ do chèn ép vào thần kinh tọa, là một dây thần kinh lớn đi qua mông xuống đến phía sau cẳng chân. Sự chèn ép này gây ĐLT như bỏng rát kết hợp với đau xuyên qua mông và xuống một cẳng chân, có khi xuống đến bàn chân.
  • Trượt đốt sống là tình trạng một đốt sống đoạn thắt lưng-cùng bị trượt ra trước, có thể chèn ép vào tủy sống và các rễ dây thần kinh gây đau, tê bì một hay hai chân, đôi khi làm cho mất tự chủ bàng quang và ruột.
  • Tổn thương do chấn thương ví dụ do chơi thể thao, tai nạn xe cộ hay té ngã gây tổn thương cho các gân, dây chằng hay cơ gây ra ĐLT
  • Hẹp cột sống chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh gây đau hoặc tê bì khi đi lại và lâu dần cẳng chân bị yếu và mất cảm giác.
  • Các bất thường của bộ xương như vẹo hay cong gù cột sống thường không gây đau cho đến tuổi trung niên; tật ưỡn lưng, nặng hơn ở lưng thấp; và các bất thường bẩm sinh khác của cột sống.
  • Các bệnh cơ bản khác có thể đưa đến ĐLT bao gồm: viêm xương-khớp các loại, bệnh loãng xương, viêm nội mạc tử cung phát triển ra ngoài tử cung, hội chứng đau xơ-cơ.

     đau lưng dưới ở phụ nữ

Các yếu tố nguy cơ

Sau các bệnh cơ bản, một số các nguy cơ khác có thể gây ĐLT bao gồm:

  • Tuổi: Các cơn ĐLT đầu tiên thường gặp ở tuổi từ 30 đến 50, và trở nên thường gặp hơn ở tuổi lớn. Khi người ta già, dễ bị: loãng xương, gãy xương, giảm trương lực cơ, các đĩa đệm mất dịch và mất độ mềm dẻo, tăng nguy cơ hẹp cột sống.
  • Độ thích hợp: Đau lưng hay gặp hơn ở những người thể lực kém, lưng yếu và các cơ bụng yếu không thể nâng đỡ tốt cho cột sống.
  • Người tập thể dục không thường xuyên cũng dễ bị đau lưng hơn người tập đều. Thể dục nhịp điệu ít va chạm cũng có ích cho duy trì sự toàn vẹn các đĩa đệm.
  • Mang thai thường bị ĐLT, do những thay đổi ở tiểu khung và những biến đổi do tăng trọng. Hầu hết các triệu chứng sẽ hết sau sinh.
  • Tăng trọng: có thể gây căng thẳng cho lưng và đưa đến ĐLT.
  • Di truyền: Vài nguyên nhân của đau lưng như viêm đốt sống cứng khớp, có yếu tố của di truyền, làm hạn chế vận động cột sống.
  • Các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp: Công việc phải nâng, kéo, đẩy các vật nặng, nhất là khi phải xoay vặn hay chuyển động cột sống, có thể gây ra các tổn thương và đau lưng. Các nghề ít hoạt động hoặc ngồi suốt ngày trên ghế, nhất là khi ngồi sai tư thế hay không được chống đỡ lưng phù hợp cũng có thể bị đau lưng.
  • Tình trạng tinh thần: Các yếu tố tinh thần như lo lắng, trầm uất hay căng thẳng cũng có thể gây ra căng cơ và đau lưng.
  • Túi đeo lưng quá nặng ở trẻ em: Ở Hoa Kỳ người ta khuyến cáo túi đeo lưng cho trẻ nhỏ không được quá 15-20% cân nặng của đứa bé.

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau lưng có thể tóm tắt như sau: đau cơ, đau lan xuống chân, hạn chế độ linh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, không có khả năng đứng thẳng lưng.

Hầu hết đau lưng từng bước cải thiện với điều trị tại nhà và tự chăm sóc. Đau lưng như thế nào thì cần phải đi khám thầy thuốc:

  • Đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại;
  • Đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, nhất là khi cơn đau kéo xuống dưới đầu gối;
  • Yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai;
  • Rối loạn tiêu tiểu;
  • Đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được.

Điều trị

Phẫu thuật chỉ có hiệu quả cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh nặng không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lý trị liệu, hoặc các u tủy sống... Có những phương pháp trị liệu có hiệu quả nhất định như: bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp, thư giãn và Yoga.

Các điều trị qui ước bao gồm:

  • Chườm nóng hay chườm lạnh chưa bao giờ được chứng tỏ là giải quyết nhanh tổn thương của lưng thấp; tuy vậy có thể làm cho đau dễ chịu hơn và giảm viêm cho người bị đau cấp, bán cấp hay mạn, giúp vận động tốt hơn.
  • Hoạt động: Cần hạn chế nghỉ tại giường. Cần bắt đầu các bài tập giãn gân cốt, trở lại các vận động hàng ngày càng sớm càng tốt, nhưng cần tránh các động tác làm cho đau tăng hơn. Nằm nghỉ tại giường liên tục có thể làm cho đau lưng nặng hơn và có thể đưa đến các biến chứng thứ phát như trầm cảm, giảm trương lực cơ, và đông máu cẳng chân.
  • Các bài tập giúp duy trì sức mạnh và thăng bằng cơ, cải thiện sự phối hợp động tác và giữ dáng người thích hợp. Các bài tập yoga ngắn hoặc dài cũng làm cho ĐLT mạn tính dễ chịu hơn.
  • Điều trị vật lý đề ra chương trình tăng cường các nhóm cơ chính nâng đỡ lưng thấp, cải thiện tính di động và tính mềm dẻo, xúc tiến tư thế và dáng bộ thích hợp.

Phòng chống đau lưng

  • Có thể đề phòng đau lưng tái phát bằng cách tránh các động tác làm xóc nảy hay kéo căng vùng lưng.
  • Giữ tư thế đúng, và nâng cao các đồ vật đúng cách.
  • Nhiều thương tổn do nghề nghiệp như nâng vật nặng, một cử động lặp đi lặp lại, và tư thế vụng về
  • Vận động thích hợp: tập thể dục, đi bộ, bơi lội, đi xe đạp 30 phút mỗi ngày là những lựa chọn tốt, giúp tăng sức mạnh và độ mềm dẻo của cơ.
  • Bỏ hút thuốc lá, giảm cân, giữ tư thế đúng khi đứng và ngồi.
  • Sử dụng các thứ giúp chống đỡ lưng để trợ giúp vùng lưng thấp và các cơ bụng, nhất là ở người lớn tuổi và nữ giới.

Xem thêm: Giảm đau lưng với các biện pháp đơn giản

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top