✴️ Gai xương gót

Nội dung

Nguyên nhân nào gây gai gót xương?

Do hiện tượng lắng đọng canxi bù đắp tại những nơi thường xuyên chịu các vi chấn thương trên xương gót do áp lực của việc di chuyển, mang vác, đi lại, trọng lượng cơ thể đè lên xương gót chân.

Khi xương gót và các gân cơ bám vào xương gót như gân Achille, cân gan chân phải chịu áp lực quá mức sẽ dẫn đến tình trạng viêm mạn tính quanh gân, viêm cân gan chân. Khi đó, cơ thể sẽ bù trừ bằng cách lắng đọng canxi bao bọc tại các vi trí bị tổn thương, tạo nên hình ảnh gai xương gót trên X-quang.

 

Triệu chứng của gai gót xương là gì?

Người bệnh bị đau thốn ở gót chân 1 bên hoặc 2 bên, nhất là khi thức dậy bước xuống giường, sau đó đi lại một khoảng thời gian thì cơn đau giảm đi. Đau nhiều khi người bệnh phải đi lại nhiều, đứng lâu, mang xách vật nặng hoặc mang giày không phù hợp.  Dùng tay đè ấn quanh gót chân hay đứng bằng gót chân cũng có thể gây ra đau chói.


gai gót chân
 

Điều trị gai gót xương

Điều trị dùng thuốc: Các thuốc giảm đau kháng viêm như: Celecoxib, Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể tư vấn việc tiêm Corticoid vào vùng viêm.

Vật lý trị liệu: Các phương pháp như siêu âm điều trị, sóng ngắn, hồng ngoại, các bài tập cho bệnh lý gai xương gót...

Chế độ sinh hoạt: Mang giày vừa với kích cỡ chân, đế giày không quá mềm hay quá cứng. Nghỉ ngơi, tránh mang xách vật nặng, tránh đứng lâu, đi lại nhiều khi đang đau nhiều. Thư giãn bằng cách gác chân cao, mang băng thun, chườm lạnh… Trước khi chơi thể thao, cần khởi động kĩ, đặc biệt là khởi động cổ chân và bàn chân

Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật khi tình trạng đau kéo dài mà các biện pháp khác thất bại. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt lọc mô viêm xơ chai, có thể kết hợp khâu lại điểm bám gân gót hoặc giải ép cân gan chân.

Y học cổ truyền kết hợp cùng châm cứu, xoa bóp:  Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ sử dụng các vị thuốc để hành khí hoạt huyết, có thể kết hợp thêm các vị thuốc, vị trí châm cứu phù hợp.

Khi xuất hiện triệu chứng đau thốn ở gót chân, quan trọng hơn là phải được bác sĩ thăm khám và làm những xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp để loại trừ những bệnh lý cũng gây đau gót chân như gãy xương gót, viêm xương, u xương, apxe phần mềm quanh gót...

Có thể bạn quan tâm: Chấn thương gân Achilles (Gân gót chân)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top