Hội chứng cổ - vai - cánh tay là gì?

1. Nguyên nhân gây hội chứng cổ-vai-cánh tay

Có 2 nguyên nhân chính là thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít gặp hơn đó là: loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống, chấn thương, khối u…

  • Nguyên nhân hay gặp nhất đó là thoái hóa cột sống cổ: Bệnh nhân gặp các thoái hóa khớp liên đốt và liên mỏm bên, gây hẹp lỗ tiếp hợp, hậu quả là chèn ép rễ/dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp.

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chỉ chiếm 20-25%: khối nhân nhày thoát vị sẽ chèn ép các rễ thần kinh, chèn đẩy dây chằng dọc sau gây đau.

 

2. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng cổ-vai-cánh tay

Tùy vào mức độ và biểu hiện của bệnh sẽ xuất hiện những hội chứng, triệu chứng sau:

- Hội chứng cột sống cổ:

  • Đau vai gáy: bệnh có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau khi ngủ dậy, sau động tác vận động cổ quá mức. Cũng có thể bệnh xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính.

  • Hạn chế vận động cột sống cổ. Có thể kèm theo dấu hiệu vẹo cổ, hay gặp trong đau cột sống cổ cấp tính.

  • Điểm đau cột sống cổ khi ấn vào các gai sau, cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh.

- Hội chứng rễ thần kinh:

Bệnh nhân bị đau vùng gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay. Đau thường tăng lên khi xoay đầu hoặc gập cổ về phía bên đau.

Rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ: Yếu cơ và rối loạn cảm giác như rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai, cánh tay, hoặc ở bàn tay và các ngón tay.

Một số nghiệm pháp đánh giá tổn thương rễ thần kinh cổ:

  • Dấu hiệu chuông bấm: Ấn điểm cạnh sống tương ứng với lỗ tiếp hợp thấy đau xuất hiện từ cổ lan xuống vai và cánh tay.

  • Nghiệm pháp Spurling: Bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghiêng đầu về bên đau, thầy thuốc dùng tay ép lên đỉnh đầu bệnh nhân, làm cho đau tăng lên.

  • Nghiệm pháp dạng vai: Bệnh nhân ngồi, cánh tay bên đau đưa lên trên đầu và ra sau, các triệu chứng rễ giảm hoặc mất.

  • Nghiệm pháp kéo giãn cổ: Bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng tay giữ chẩm và cằm và kéo từ từ theo trục dọc, làm giảm triệu chứng.

Ngoài hai hội chứng thường gặp trên, một số bệnh lý cột sống cổ còn có thể thấy: Hội chứng tuỷ cổ, hội chứng giao cảm cổ, hội chứng cổ - tim, hội chứng động mạch sống nền, các rối loạn thần kinh thực vật….

 

3. Điều trị hội chứng cổ-vai-cánh tay

Bác sĩ sẽ tùy theo mức độ của bệnh để tìm ra các phương pháp điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị sớm, đến khi bệnh nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động liên quan đến vùng cổ, vai, gáy dù nhẹ cũng đều gây đau đớn và làm hạn chế mọi sinh hoạt của bệnh nhân.

- Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng bệnh.

- Bên cạnh đó kết hợp thuốc điều trị, không dùng thuốc và các biện pháp phục hồi chức năng.

- Vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt vùng cổ cánh tay tác dụng để giảm đau và chống phù nề, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng. Kết hợp bấm nắn đốt sống bằng cách day và ấn trực tiếp lên gai sau đốt sống theo hướng ra trước, sang phải và sang trái.

- Tập vận động cổ, bả vai, khớp vai, cánh tay.

- Đeo nẹp cổ để có tác dụng nâng đỡ và hỗ trợ cho cột sống cổ trong trường hợp đau cấp, đau vừa và nặng, sau kéo giãn cột sống cổ.

- Kéo giãn cột sống cổ làm giãn cơ tích cực cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau; làm mở rộng các khe khớp và lỗ ghép từ đó giảm chèn ép các rễ thần kinh; giảm sự di lệch khớp.

- Chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Phải giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, khi đi xe máy, khi ngủ. Không nên để quạt, điều hoà xối trực tiếp vào vùng gáy. Tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.

 

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh và hạn chế đau khi xuất hiện hội chứng, bạn hãy thực hiện:

  • Duy trì tư thế thích hợp ở vùng đầu, cổ, vai, gáy. Khi ngồi làm việc, ngồi máy tính tránh ngồi lâu. Không gập cổ, lắc đầu, xoay cổ quá mức.

  • Thực hiện những bài tập nhẹ khi ngồi làm việc, giữ cổ luôn ngay ngắn.

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung canxi, cali, các loại vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước trong ngày ngay cả khi không khát.

  • Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top