✴️ Thuyên tắc phổi sau phẫu thuật là gì?

Thuyên tắc phổi xảy ra khi một cục máu đông làm tắc nghẽn một trong các động mạch ở phổi. Thuyên tắc phổi có thể xảy ra sau phẫu thuật nếu cục máu đông hình thành bên trong một trong các tĩnh mạch trong cơ thể và di chuyển đến phổi.

Mặc dù hầu hết mọi người đều phục hồi sau điều trị nhưng đôi khi thuyên tắc phổi có thể gây tử vong.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập tới tần suất xảy ra thuyên tắc phổi sau phẫu thuật và thời điểm thường xuất hiện. Chúng tôi cũng thảo luận về các triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng ngừa.

Có những nguy cơ nào?

Sau phẫu thuật, có nguy cơ hình thành cục máu đông ở các tĩnh mạch. Nguy cơ này là do thời gian không hoạt động thể chất trong và sau khi làm phẫu thuật.

Khoảng thời gian dài không hoạt động thể chất có nghĩa là máu không lưu thông tốt như bình thường. Khi máu đọng lại, cục máu đông có thể hình thành. Nguy cơ đặc biệt cao sau các phẫu thuật lớn ở bụng, xương chậu hoặc chân.

Nguy cơ thuyên tắc phổi khác nhau giữa mỗi người, một phần phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ riêng của từng trường hợp.

Nói chung, thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây tử vong do tim mạch phổ biến thứ ba trên thế giới, sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, thuyên tắc phổi ảnh hưởng đến khoảng 1 trên 1000 người ở Hoa Kỳ mỗi năm.

Tuy nhiên, với việc điều trị sớm thì hầu hết đều hồi phục.

Sau phẫu thuật, thuyên tắc phổi xảy ra khi nào?

Các chuyên gia thường cho rẳng nguy cơ xảy ra thuyên tắc phổi sau phẫu thuật là cao nhất trong 5 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy nguy cơ cao nhất trong khoảng từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 6 sau phẫu thuật.

Nghiên cứu bao gồm hơn 60000 người trung niên từ cơ sở dữ liệu bệnh nhân của Pháp. Đối với một số loại phẫu thuật, nguy cơ thuyên tắc phổi vẫn tăng trong vòng 12 tuần. Sau 18 tuần, các nhà nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ đáng kể nào.

Sau phẫu thuật, thuyên tắc phổi xảy ra khi nào

Triệu chứng

Các triệu chứng của thuyên tắc phổi có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông. Chúng có thể gồm:

  • Khó thở;
  • Thở nhanh;
  • Đau ngực nhiều hơn khi gắng sức hoặc cảm giác như một cơn đau tim;
  • Đau ở cánh tay, vai, cổ hoặc ở hàm;
  • Đau, sưng nề, đổi màu hay bị yếu tay hoặc chân;
  • Ho có đờm lẫn máu;
  • Chóng mặt hoặc choáng váng;
  • Da nhợt nhạt, lạnh;
  • Đổ nhiều mồ hôi.

Hầu hết mọi người sẽ có vài triệu chứng trên đây, nhưng không phải ai cũng biểu hiện ra ngay từ đầu.

Thuyên tắc phổi có thể de dọa tính mạng. Nếu ai đó gặp bất kỳ triệu chứng nào của thuyên tắc phổi, họ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Chẩn đoán

Các bác sĩ sử dụng ba phương pháp để chẩn đoán thuyên tắc phổi: hỏi bệnh, khám lâm sàng và các xét nghiệm máu hay chẩn đoán hình ảnh.

Khám lâm sàng

Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng nào bị sưng hoặc đổi màu trên cánh tay hoặc chân. Bác sĩ cũng sẽ nghe tim phổi và đo huyết áp.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu D-dimer. D-dimer là một chất có trong máu khi cục máu đông tan ra. Nồng độ cao trong máu có thể là biểu hiện của cục máu đông.

Chẩn đoán hình ảnh

Các chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ có thể đề nghị gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính mạch máu phổi (CTPA - Computed tomography pulmonary angiography) là phương pháp chính giúp phát hiện thuyên tắc phổi;
  • Đánh giá thông khí phổi bằng cách sử dụng tia X để khảo sát luồng không khí và máu trong phổi;
  • Siêu âm để đo lưu lượng máu;
  • Điện tâm đồ ghi lại hoạt động của tim bằng cách sử dụng các điện cực gắn vào ngực.

Các bác sĩ có thể sử dụng MRI ở chân hoặc phổi cho phụ nữ mang thai hoặc những người không thể dung nạp thuốc cản quang mà một số kỹ thuật hình ảnh yêu cầu.

Xem thêm: Thuyên tắc phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top