✴️ Thuyên tắc phổi

Nội dung

Thuyên tắc phổi là gì?

Máu đi từ tim lên phổi thông qua động mạch phổi. Tại phổi, máu được cung cấp oxy và quay trở lại tim, sau đó tim sẽ bơm máu đi đến toàn cơ thể.

Khi có huyết khối bị mắc kẹt ở một trong hai động mạch phổi thì sẽ dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi. Huyết khối làm cản trở dòng máu đi qua động mạch.

Sự thuyên tắc này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như gây tổn thương phổi và làm giảm nồng độ oxy trong máu. Thiếu oxy máu cũng có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu như huyết khối có kích thước lớn hay mạch máu bị tắc bởi nhiều huyết khối nhỏ thì thuyên tắc phổi có thể dẫn đến tử vong.

Các huyết khối tĩnh mạch sâu thường di chuyển từ các tĩnh mạch sâu ở chân lên đến phổi. Các huyết khối này hình thành khi dòng máu không thể chảy tự do qua chân do không cử động trong một thời gian dài, ví dụ như ngồi máy bay hay lái xe. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi phải nằm trên giường bệnh quá lâu.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi có chung các yếu tố nguy cơ với thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Các yếu tố nguy cơ này được gọi chung là bộ ba Virchow:

  • Không cử động trong một thời gian dài hoặc có sự thay đổi trong dòng máu chảy. Tình trạng này xảy ra khi bệnh nhân nằm viện hoặc nằm trên giường bệnh quá lâu. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi phải ngồi xe hay máy bay quá lâu.
  • Máu dễ đông, tình trạng này được gọi là tăng đông máu, có thể bị gây ra do thuốc, ví dụ như thuốc tránh thai. Hút thuốc lá, ung thư, vừa mới trải qua phẫu thuật, hay mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ.
  • Tổn thương thành mạch. Các chấn thương tại vùng chi dưới có thể gây ra tình trạng này.

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, động mạch phổi có thể bị nghẽn do nguyên nhân khác ngoài huyết khối, ví dụ như bong bóng khí hoặc khối u. Nếu như bị gãy một xương lớn trên cơ thể, các tế bào mỡ từ tủy xương đôi khi có thể trôi vào dòng máu và gây ra tắc nghẽn.

Triệu chứng

Thuyên tắc phổi là do động mạch phổi bị tắc nghẽn do huyết khối.

Có rất nhiều triệu chứng có thể có. Triệu chứng xảy ra tùy thuộc vào kích cỡ của huyết khối và bao nhiêu phần của phổi bị ảnh hưởng. Nếu như có bệnh về phổi hay tim thì triệu chứng cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Thuyên tắc phổi là một cấp cứu y khoa

Các triệu chứng của thuyên tắc phổi thường xuất hiện rất bất ngờ. Nên gọi cấp cứu ngay nếu như có:

  • Khó thở;
  • Đau ngực;
  • Ho (như ho ra máu, và có máu trong đàm);
  • Đau lưng đột ngột;
  • Ra mồ hôi nhiều hơn bình thường;
  • Cảm giác chóng mặt hoặc ngất;
  • Môi và móng chuyển màu xanh.

triệu chứng thuyên tắc phổi

Các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu

Khi huyết khối hình thành sâu trong tĩnh mạch tại chân bị bong ra và trôi về phổi thì sẽ gây ra thuyên tắc phổi.

Nên báo với bác sĩ ngay nếu như có các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu như huyết khối được phát hiện sớm thì bệnh nhân sẽ được điều trị để ngăn chặn nó trở thành thuyên tắc phổi. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Sưng phù chân hay tay;
  • Đau chân hoặc đau khi đứng hay đi lại;
  • Chân tay bị sưng có cảm giác ấm hơn bình thường;
  • Da ở tay hoặc chân chuyển màu đỏ hay biến sắc;
  • Mạch máu tại tay hoặc chân lớn hơn bình thường.

Chẩn đoán

Nếu như nghi ngờ mình mắc phải thuyên tắc phổi thì nên đến cơ sở y tế ngay.

Bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng, đặc biệt chú ý tại vùng chân để kiểm tra xem chân có sưng, đau, biến sắc và ấm hay không. Những dấu hiệu đó có thể chỉ điểm rằng bệnh nhân có huyết khối nằm sâu trong các tĩnh mạch trong chân.

Tiếp theo đó bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu. Các xét nghiệm có thể chỉ ra được nồng độ oxy và CO2 ở trong máu, và chúng cũng có thể phát hiện ra D dimer - một mảnh protein nhỏ xuất hiện trong máu khi có huyết khối ly giải trong cơ thể.

Một số các xét nghiệm khác bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi (CTPA): đây là một dạng đặc biệt của X-quang và cũng là kỹ thuật hình ảnh học chính dùng để phát hiện thuyên tắc phổi. Bệnh nhân sẽ được cho sử dụng chất cản quang để có thể nhìn thấy được tất cả các mạch máu trong phổi trên tia X.
  • Xạ hình phổi: Kỹ thuật này được sử dụng nếu như không có CTPA hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện để chụp. Kỹ thuật này sử dụng chất phóng xạ để thể hiện vị trí nào trong phổi được thông khí và tưới máu. Nếu như tại vị trí thông khí bình thường nhưng có bất thường của tưới máu thì huyết khối có thể có mặt tại đó.
  • Chụp hình mạch máu phổi thông qua catheter. Đây là kỹ thuật chuẩn xác nhất để phát hiện thuyên tắc phổi. Kỹ thuật này được sử dụng khi các kỹ thuật khác cho kết quả không rõ ràng. Một ống catheter nhỏ dài được đưa vào tĩnh mạch lớn tại vùng bẹn đến động mạch phổi. Sau đó chất cản quang sẽ được đưa vào ống catheter để các mạch máu có thể hiện rõ hình ảnh trên phim X quang. Kỹ thuật này hiện nay rất hiếm khi sử dụng do đã có CTPA.
  • MRI. Đây là chọn lựa tốt nếu như bệnh nhân mang thai hoặc gặp nhiều nguy cơ khi thực hiện các kỹ thuật khác.
  • Siêu âm tim. Dù không phát hiện được thuyên tắc phổi nhưng kỹ thuật này phát hiện được tim có bị ảnh hưởng bởi thuyên tắc phổi hay không.

Tham khảo thêm: Giá trị của X quang lồng ngực trong chẩn đoán thuyên tắc phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top