Bệnh dại là do một loại virus tồn tại trong cơ thể con vật bị dại gây nên và lây truyền cho người thông qua vết cắn hay cào. Nguy cơ cao nhất đến từ những động vật hoang dã, đặc biệt là dơi, ngoài ra còn có gấu trúc, chồn, cáo và chó sói. Các loài động vật nuôi trong gia đình như chó và mèo cũng có thể mắc bệnh dại.
Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 – 6 tuần sau khi bị cắn, phụ thuộc vào vị trí vết cắn, thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn với vết cắn trên mặt hoặc dài hơn đối với các vết cắn ở chân.
Khi virus dại xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể di chuyển theo các dây thần kinh tới não. Virus này có thể gây nên các triệu chứng rất nghiêm trọng khởi đầu là đau, ngứa và tê ở chỗ vết cắn, cào và tiến triển rất nhanh thành các dấu hiệu sau:
Nếu con bạn bị động vật cắn, việc đầu tiên cần làm là rửa vết thương dưới vòi nước đang chảy và làm sạch vết cắn với nước sạch và xà phòng.
Nếu có thể, hãy bắt giữ con vật đã cắn trẻ lại để các bác sỹ thú y tiến hành theo dõi xem nó có dấu hiệu mắc bệnh dại hay không. Ngay cả những con vật có vẻ bình thường và đã được tiêm vaccine phòng dại cũng cần phải được theo dõi các dấu hiệu của bệnh dại. Thời gian quan sát nên kéo dài trong khoảng 10 ngày, trong thời gian này, các con vật bị mắc bệnh dại sẽ bị chết.
Ngay khi trẻ bị động vật cắn, hãy liên lạc với bác sỹ. Vết cắn của bất cứ loài vật nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dại cho trẻ.
Bác sỹ sẽ khám và chẩn đoán bệnh cho trẻ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh dại, trẻ sẽ được tiến hành sinh thiết da để tìm sự hiện diện của virus. Trường hợp trẻ có dấu hiệu viêm não và bị hôn mê, xét nghiệm sinh thiết não là cần thiết để xác nhận chẩn đoán.
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh dại một khi đã bị phát bệnh. Tỷ lệ tử vong là rất cao đối với những bệnh nhân đã phát bệnh. Do đó, phòng bệnh là cực kỳ quan trọng.
Bệnh dại có khả năng gây tử vong rất cao. Các trường hợp tử vong hầu hết là do bị suy hô hấp hoặc suy tim trong vòng một vài ngày sau khi đã phát bệnh. Tuy nhiên việc điều trị sớm và kịp thời có thể giúp phòng và kiểm soát sự phát triển của các virus trước khi chúng xâm nhập vào não bộ và gây là các triệu chứng nghiêm trọng.
Trong trường hợp bác sỹ nghi ngờ rằng con vật đã cắn trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh dại, trẻ sẽ được tiêm ngay kháng thể chống bệnh dại xung quanh vùng da bị động vật cắn, gọi là miễn dịch thụ động (tiêm kháng thể sau khi bị nhiễm virus). Đồng thời, bác sỹ cũng sẽ tiêm cho trẻ vaccin phòng bệnh dại để kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể chống lại virus. Thông thường, trẻ sẽ được tiêm khoảng 5 mũi trong vòng 4 tuần.
Để phòng tránh động vật cắn, bạn hãy dạy trẻ cách chơi an toàn với động vật. Hãy dạy trẻ tránh tiếp xúc với các con vật đi lạc hoặc động vật hoang dã. Khuyên bảo trẻ không trêu trọc hay làm phiền các con vật và không nên lại gần các xác động vật chết.
Bản thân cha mẹ hãy hạn chế sự xâm nhập của các con vật lạ vào trong nhà bằng cách luôn đóng cửa cẩn thận. Ngoài ra, đối với các vật nuôi trong gia đình, cần phải cho chúng đi tiêm phòng dại đầy đủ và đúng lịch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh