✴️ Điều trị hen phế quản theo y học cổ truyền

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Khái niệm:

Hen phế quản được Trung y mô tả trong phạm vi háo suyễn, tương đương chứng háo; phát bệnh đột ngột, khó thở, ngực tức, khí thô, suyễn tức không nằm ngửa được, có khi phải ngồi dậy để thở.

Bệnh nhân bệnh lý (nguyên nhân bệnh lý):

Đa phần thuộc về thể chất quá mẫn, cảm phải ngoại tà hoặc ăn uống không hợp, tình chí thất thường, mệt mỏi quá độ.

Bệnh háo suyễn có liên quan mật thiết đến phế thận; phế chủ khí thận nạp khí, khí thở ra ở phế nhưng lại bắt nguồn ở thận.

Nếu phế và thận chức năng thất thường, gặp phải nhân tố thuận lợi thì gây rối loạn sự thăng giáng xuất nạp của khí cơ mà sinh ra khó thở, khó thở còn liên quan đến thịnh suy của thận khí. Mức độ bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc rất lớn vào thận khí. Ngoài ra đàm cũng là yếu tố rất quan trọng. Bệnh khởi phát hay tái phát đa phần đều có đàm ẩm ở trong. Có ba yếu tố chính sinh ra đàm:

Do tỳ hư vận hoá thủy cốc tinh vi thất thường.

Thận dương hư suy, thủy khí bất hoá sinh đàm.

Phế khí bất túc không thông giáng tốt cũng sinh ra đàm, đàm thấp tích tụ, khí đạo bất thông, hô hấp trở ngại sinh ra khó thở hoặc hen suyễn.

Tóm lại: nguyên nhân chính là bản tạng quá mẫn lại cảm phải ngoại tà; thận khí suy thịnh liên quan đến nặng nhẹ. Đàm liên quan đến khí và 3 tạng; tỳ, phế khí và thận dương.

Biện chứng phương trị:

Hen phế quản một loại bệnh mạn tính hay tái phát, nhưng cũng có khi ổn định kéo dài, bệnh tái phát phần nhiều thuộc thực chứng hoặc hư chứng hiệp thực. Thực hoặc cấp tính phải điều trị triệu chứng (chữa tiêu), phải trọng dụng các loại thuốc trừ tà bình suyễn là chính; phải dùng thuốc tân dược kết hợp với châm cứu để cắt cơn. Ngoài cơn cần phải phân biệt rõ trạng thái thiên hàn hay thiên nhiệt. Nếu thiên hàn phải dùng thuốc ôn hoá thông phế, nếu thiên nhiệt phải dùng thuốc thanh hoá thông phế. Trên lâm sàng trạng thái hàn thường gặp ngoài cơn khó thở. Điều trị ngoài cơn hen thường phải phù chính bổ hư là chủ các thể thường gặp là; dương hư hoặc âm dương lưỡng hư. Trong cơn thường dùng các thuốc tân dược kết hợp thuỷ châm vào một huyệt: phế du, định suyễn…

 

CÁC THỂ LÂM SÀNG

Thể bệnh thiên hàn:

Tay chân thường lạnh, sắc mặt trắng bủng, đởm trong lỏng có bọt, không có cảm giác khát, thích uống nước ấm nóng, tiểu tiện trong nhiều, đại tiện lỏng nát, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch huyền tế. Nếu trạng thái hàn có kết hợp phong hàn biểu chứng thường thấy: sợ lạnh, sợ gió, phát sốt, không có mồ hôi, nặng đầu, đau mình và chi thể, mạch phù khẩn.

Phương pháp điều trị: ôn phế tán hàn, trừ đàm bình suyễn.

Phương thuốc điều trị:

Dùng "tô tử giáng khí thang”.

Tô tử 12g, đương qui 12g, chế bán hạ 12g, nhục quế 2g (uống ngoài), hậu phác 8g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, trần bì 4g.

Nếu hư hàn không nhiều thì bỏ nhục quế thêm trầm hương, phế khí hư thêm đẳng sâm 12g, ngũ vị tử 8 - 10g.

Nếu kèm theo phong hàn biểu chứng phải dùng bài “xạ can ma hoàng thang”.

Xạ can 12g, ma hoàng 8 - 12g, sinh khương 12g, tế tân 8g, tử uyển, khoản đông hoa, chế bán hạ mỗi thứ đều 12g, đại táo 5 quả, ngũ vị tử 4 - 8g. Tác dụng giải biểu tán hàn, trừ đàm bình suyễn.

Thể bệnh thiên nhiệt:

Mặt môi hồng, tay chân ấm, đàm đặc dính tròn mà vàng, miệng khát, thích uống mát, tiểu tiện ít vàng, đại tiện táo; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác. Nếu kèm theo phong nhiệt biểu chứng thường thấy; phát sốt, tự hãn.

Phương pháp điều trị: thanh phế nhiệt, hoá đàm định suyễn.

Phương thuốc: “định suyễn thang”

Bạch quả nhục 21 quả sao vàng, ma hoàng 12g, tô tử 8g, khổ hạnh nhân 6g, khoản đông hoa 12g, tang bạch bì 12g, chế bán hạ 12g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang chia làm 3 lần uống. Nếu sốt cao thêm kim ngân hoa, liên kiều mỗi thứ 12g, khát nhiều thêm thiên hoa phấn 15g. Đàm dính khó khạc thêm hải nhũ thạch, hải cáp sác, mỗi thứ đều 12g, nếu đa đàm thêm đình lịch tử, xuyên bối mẫu mỗi thứ 12g. Nếu kèm theo phong nhiệt biểu chứng thêm kim ngân hoa, liên kiều mỗi thứ 12g, xạ can, xuyên bối mẫu mỗi thứ 12g hoặc thêm đại thanh diệp 16g, thạch vĩ 12g. Sau đợt viêm cấp thường ho nhiều đàm phải dùng pháp trừ đàm giáng khí.

Bài thuốc thường dùng: “nhị trần thang” gồm: chế bán hạ, trần bì, phục linh, cam thảo. Nếu đàm nhiều màu trắng mà dính, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoạt phải gia thêm: tô tử, tử uyển, hậu phác; đàm vàng mà tròn, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác gia thêm tang bạch bì, tiền hồ, khổ hạnh nhân mỗi thứ 12g.

Thể phế hư:

Sợ lạnh tự hãn, khái thấu khí đoản, đàm nhiều trong loãng, âm thanh nhỏ yếu, lười nói, sắc mặt mệt mỏi, hay khó thở, trước khi phát bệnh thường tắc mũi ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch nhu hoãn vô lực thuộc về phế khí hư, nếu như khái thấu khí đoản, đàm ít hoặc vô đàm, miệng khô họng ráo, lòng bàn tay bàn chân ấm, sốt về chiều, gò má đỏ, chất lưỡi nhợt hồng ít rêu hoặc không rêu, mạch tế sác thuộc phế âm hư.

Phương pháp điều trị: bổ phế cố biểu, ích khí định suyễn.

Phương thuốc: “ngọc bình phong tán” gia hải nhũ thạch, tô tử mỗi thứ 12g hoặc dùng” quế chi gia hoàng kỳ thang” (Quế chi thang thêm hoàng kỳ 15 - 20g) thêm nga quản thạch 32g, mỗi ngày 1 thang chia 2 lần uống. Nếu phế khí hư rõ thêm đẳng sâm 12 - 15g, ngũ vị tử 9g; phế âm hư có thể thêm sinh mạch tán gia sa sâm 12g, ngọc trúc 8g, bối mẫu 9g.

Thể tỳ hư:

Phương pháp điều trị: bổ tỳ ích khí hoặc ôn trung kiện tỳ.

Phương thuốc dùng: “trần hạ lục quân tử thang”; mỗi ngày 1 thang sắc chia 2 lần uống.

Thể thận hư:

Phương pháp điều trị: ôn thận nạp khí, tư âm bổ thận hoặc âm dương cùng bổ.

Phương thuốc thường dùng: “kim quĩ thận khí hoàn” mỗi lần uống 12g, ngày uống 2 lần.

 

THUỐC NGHIỆM PHƯƠNG

“Tam ảo thang”: khi bệnh tái phát vào mùa thu đông có thể dùng tam ảo thang gia giảm.

“Tứ kim đan”: mỗi lần uống 5 - 6 viên, mỗi ngày uống từ 2 - 3 lần.

“Ngọc tiêu đan”: mỗi lần uống 2g, mỗi ngày uống từ  2 lần.

Chỉ định châm cứu:

Huyệt chính: đản trung, định suyễn, trung suyễn”.

Huyệt phối hợp: ho nhiều châm khích môn, xích trạch, thiên đột; đàm nhiều châm huyệt phong long; đau tức ngực châm huyệt nội quan, sốt nhiều châm huyệt đại truỳ, khúc trì. Khi lên cơn phải chọn châm huyệt định suyễn. Mỗi lần chọn 1 - 2 huyệt. Nếu hư hàn dùng phương pháp cứu hoặc ôn châm.

Nhĩ châm các điểm: thần môn, giao cảm, dưới vỏ, nội tiết, thận phế và điểm bình suyễn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top