Gân gót chân (Gân Achilles) có thể coi là gân cơ quan trọng nhất trong việc di chuyển và đi lại, là gân cơ chủ đạo khi chúng ta chạy nhảy, đi đứng, bạn sẽ cảm thấy vận động của gân gót rõ ràng nhất khi thực hiện động tác nhón gót chân của mình.
Những hoạt động liên tục, đòi hỏi mức độ vận động cao như chạy hay nhảy có thể dẫn đến tình trạng viêm và đau đớn của gân Achilles, hay còn được gọi là Viêm gân gót (hay gân Achilles).
Về phân loại, có thể chia thành hai loại theo vị trí tổn thương:
Viêm điểm bám gân gót và viêm sợi gân.
- Viêm điểm bám gân gót ảnh hưởng đến phần thấp nhất của gân, nơi gân bám dính vào mặt sau của xương gót
- Viêm sợi gân là viêm ở bất kỳ vị trí náo khác nơi bám vào xương gót của sợi gân, thường xảy ra ở người trẻ, hoạt động thể lực, thể thao nhiều.
Vận động quá mức hoặc đi bộ đường dài có thể gây Viêm gân gót chân, đặc biệt thường thấy ở vận động viên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những yếu tố thúc đẩy viêm gân gót mà không liên quan đến hoạt đồng thể dục thể thao. Viêm khớp dạng thấp hay nhiễm trùng là những ví dụ cụ thể.
Bất kỳ những vận động căng gân gót chân và lặp đi lặp lại đều có khả năng là nguyên nhân của viêm gân. Một số nguyên nhân thường thấy như:
- Không khởi động đầy đủ trước khi luyện tập.
- Những vận động đòi hỏi dừng và chuyển hướng đột ngột.
- Vận động thể lực nặng đột ngột mà chưa được luyện tập trước đó.
- Giày không vừa chân, mang giày cao gót thời gian dài.
- Gai xương vùng mặt sau xương gót.
- Người lớn tuổi, hoặc trung niên (gân gót giảm dần sức căng theo tuổi).
Các triệu chứng hay gặp của viêm gân Achilles bao gồm:
- Đau và cứng dọc theo gân vào buổi sáng.
- Đau dọc theo gân hoặc phần sau của gót chân và tăng nặng lên khi vận động.
- Đau nhiều vào ngày hôm sau khi vận động.
- Sự dày lên của gân.
- Chồi xương (trong trường hợp viêm tại điểm bám gân).
- Sưng nề, và tăng nặng hơn khi vận động.
Ngoài nhưng lời khai của bệnh nhân, thầy thuốc còn có thể phát hiện những dấu hiệu sau qua thăm khám lâm sàng:
- Sưng nề dọc theo gân Achilles hoặc phía sau vùng gót.
- Sự dày lên hoặc trải rộng của gân.
- Chồi xương ở phần thấp của gân ở phía sau gót (trường hợp viêm tại điểm bám gân).
- Vị trí gân mềm mại nhất.
- Đau ở vùng sau gót tại phần thấp của gân (trường hợp viêm tại điểm bám gân).
- Hạn chế tầm vận động của mắt cá chân, đặc biệt là giảm khả năng gấp bàn chân.
Viêm gân gót là một chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng.
Xét nghiệm máu thường không có giá trị trong chẩn đoán viêm gân gót chân.
Những biện pháp hình ảnh có thể giúp ích trong những trường hợp triệu chứng và dấu hiệu không rõ ràng.
- Chụp X quang thường chỉ gợi ý khi có hình ảnh dịch quanh vị trí gân hay gai xương gót chân.
- Chụp cộng hưởng từ khảo sát đứt gân hay các dấu hiệu thoái hóa gân gót khác.
- Siêu âm khảo sát vận động của gân cơ, những tổn thương xung quang và viêm gân gót.
Điều trị không phẫu thuật: trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp điều trị không phẫu thuật sẽ giúp cải thiện tình trạng đau gân, dù sẽ mất khoảng vài tháng để các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn. Ngay cả với những trường hợp điều trị sớm thì tình trạng đau có thể kéo dài hơn 3 tháng. Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau trầm trọng nhiều tháng trước điều trị thì có thể mất đến 6 tháng để các biện pháp trị liệu có hiệu quả.
1. Nghỉ ngơi: Bước đầu tiên để giảm đau đó là giảm hoặc ngưng các vận động làm trầm trọng hơn triệu chứng đau. Nếu bệnh nhân thường xuyên tập luyện các bài tập có cường độ cao lên gân (như chạy bộ), thì việc chuyển sang chế độ tập luyện cường độ thấp lên gân sẽ giảm áp lực gây lên gân Achilles. Các môn thể thao như đạp xe, tập luyện trên máy đạp xe, hoặc bơi lội là các môn có cường độ thấp ảnh hưởng lên gân giúp bệnh nhân duy trì vận động.
2. Chườm đá: Chườm đá lạnh lên vùng gân sưng đau là hữu ích và có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu cần thiết. Có thể chườm đến khoảng 20 phút và ngưng lại khi cảm thấy tê.
3. Thuốc kháng viêm NSAID: Các loại thuốc như Ibuprofen và Naproxen làm giảm đau và sưng nề. Tuy nhiên nó không giúp cải thiện tình trạng dày lên của gân do thoái hóa. Việc sử dụng thuốc trên một tháng phải có sự theo dõi và chỉ định của bác sỹ.
4. Luyện tập: các bài tập giúp tăng sức mạnh của cơ cẳng chân và giảm áp lực lên gân.
5. Tiêm Corticoid: Hiếm khi được chỉ định vì có thể gây mủn gân và biến chứng đứt gân gót.
6. Mang giày hỗ trợ và chỉnh hình.
Điều trị phẫu thuật: Liệu pháp phẫu thuật nên được xem xét trong trường hợp điều trị bảo tồn 6 tháng không hiệu quả. Liệu pháp phẫu thuật riêng biệt cho từng trường hợp viêm gân dựa trên vị trí viêm và mức độ tổn thương của gân.
- Cắt bỏ cơ bụng chân
- Cắt lọc và sửa chữa gân.
- Cắt lọc và chuyển gân.
Những biện pháp sau đây có thể giúp giảm tỷ lệ mắc viêm gân Achilles:
1. Tập dãn cơ, cụ thể làm căng cơ bắp chân trước khi vận động.
2. Tập luyện với mức độ căng thẳng tăng dần.
3. Luyện tập xen kẽ các môn thể dao căng và dãn cơ để giảm tải áp lực cho gân gót chân.
4. Sử dụng giày và lót giày phù hợp khi vận động, thay thế các lót giày đa cũ hay rách.
5. Hạn chế mang giày cao gót.
Xem thêm: Chấn thương gân Achilles
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh