Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 11 đến 17, nữ chiếm đại đa số. Trẻ nhỏ (nhũ nhi) ít gặp. Tình trạng vẹo cột sống thường kèm theo xoay các đốt sống, xoay nhiều nhất ở đốt đỉnh của đoạn vẹo. Nếu vẹo ở đoạn cột sống ngực, tình trạng xoay các đốt sống ngực sẽ làm biến dạng khung sườn, có thể ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch.
Cha mẹ có thể nhìn từ phía sau lưng trần của trẻ, bảo trẻ cúi người 2 tay chạm vào ngón chân. Nếu thấy một bên vai nhô cao hơn, có thể trẻ bị vẹo cột sống tự phát. Khi đó, cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra lại bằng X-quang, nếu phát hiện đúng bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt.
Vẹo cột sống hình chữ S ngược thường gặp nhất, hình chữ C ít gặp hơn. Vẹo thường gây lệch vai và khó xoay mặt về bên vai nhô cao do tình trạng co rút cơ thang trên và cơ ức - đòn - chũm bên vai cao. Vẹo tiến triển rất nhanh ở tuổi dậy thì. Vì không có triệu chứng nên bệnh thường âm thầm phát triển, khó phát hiện sớm.
Người ta thường gán cho nguyên nhân gây bệnh là trẻ ngồi sai tư thế trong lớp học. Thực ra đó là yếu tố thuận lợi làm tăng nhanh thêm tiến trình vẹo của bệnh sẵn có ở trẻ. Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân, vì vậy y văn gọi tên bệnh là idiopathic scoliosis (vẹo cột sống tự phát).
Tùy thuộc vào độ vẹo và lứa tuổi mà bác sĩ sẽ chỉ định chương trình điều trị khác nhau:
Trường hợp vẹo nhẹ góc Cobb dưới 20 độ thì chưa cần phải điều trị ngay. Bệnh nhân cần tái khám một hoặc 3 tháng một lần tùy theo lứa tuổi. Trẻ ở tuổi dậy thì cơ thể đang phát triển nhanh, nên tái khám mỗi tháng một lần, tập vật lý trị liệu với các động tác kéo giãn và tập mạnh cơ thân mình. Môn đu xà và bơi lội cũng rất tốt, tuy nhiên đu xà cũng cần được hướng dẫn bởi kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Hiện nay có đai trợ giúp đu xà giúp kéo dài thời gian mỗi lần đu mà không bị mỏi tay.
Trường hợp vẹo vừa, góc Cobb 25-40 độ, cần phải điều trị tích cực với áo nẹp để nắn chỉnh cột sống và tập vật lý trị liệu. Áo nẹp đóng vai trò chủ yếu trong việc nắn chỉnh cột sống nên phải mặc ít nhất 10 giờ liên tục trong một ngày đêm. Hiện nay có áo nẹp đêm, bệnh nhân chỉ cần mặc ban đêm ít nhất 10 giờ liên tục là đủ. Áo nẹp khi mới làm xong cần phải được chụp X-quang với áo để kiểm tra xem có đạt yêu cầu nắn chỉnh chưa. Những áo không đạt yêu cầu sẽ không có tác dụng nắn chỉnh và càng làm cho độ vẹo tăng lên rất nhanh.
Nghiên cứu cho thấy áo nẹp giúp duy trì sự nắn chỉnh cột sống, còn tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn các cơ co rút và tập mạnh các cơ yếu. Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu còn hướng dẫn trẻ cách thở và tư thế đúng trong sinh hoạt, vị trí ngồi trong lớp học phù hợp từng trường hợp để bệnh không tiến triển nhanh hơn. Không nhất thiết phải đi tập vật lý trị liệu mỗi ngày, song nên thực hiện ít nhất mỗi tuần một lần để được kéo giãn các cơ co rút. Riêng các bài tập mạnh cơ và đu xà có thể tự tập tại nhà hàng ngày.
Trường hợp vẹo nặng, góc Cobb trên 45 độ. Việc điều trị bảo tồn bằng áo nẹp và vật lý trị liệu dường như không còn tác dụng. Trong vài trường hợp biện pháp này vẫn được áp dụng với mục đích chờ mổ do trẻ chưa đến tuổi phẫu thuật. Ở độ này, nếu không phẫu thuật, sau này trẻ sẽ vẹo nặng thêm, dẫn đến biến dạng lồng ngực gây chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống sau này.
Lưu ý: Điều trị vật lý trị liệu đơn thuần không có tác dụng, luôn cần phải có điều trị kết hợp với áo nẹp. Áo nẹp đóng vai trò chủ đạo trong điều trị bảo tồn. Áo nẹp phải bảo đảm đúng kỹ thuật, phải chụp X-quang với áo nẹp để kiểm tra trước khi sử dụng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh