Nguyên nhân gây hiện tượng chậm phát triển ở trẻ nhỏ

Tình trạng chậm phát triển xảy ra khi đứa trẻ không tăng trưởng ở tốc độ bình thường tương ứng với lứa tuổi của chúng. Cha mẹ có thể là người nhận ra tình trạng này ở trẻ hoặc khi đưa trẻ đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể.

Theo Tổ chức Magic (một tổ chức phi chính phủ với vai trò hỗ trợ cho những gia đình có con cái gặp những rối loạn về tăng trưởng), sự gia tăng hạn chế về chiều cao dưới 6.35 cm mỗi năm được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy trẻ có thể đang bị chậm phát triển (Magic Foundation, 2011)

Nguyên nhân gây hiện tượng chậm phát triển

Chậm phát triển có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Dinh dưỡng nghèo nàn
  • Thiếu hormon tăng trưởng
  • Mất cân bằng nội tiết tố (ví dụ như lượng thyroxin thấp do mắc bệnh suy giáp)
  • Hội chứng Turner (một hội chứng rối loạn di truyền ở nữ giới do mất 1 nhiễm sắc thể giới tính (NST X))
  • Hội chứng Down (rối loạn về di truyền trong đó bộ NST có 47 NST thay vì 46 NST)
  • Tiền sử gia đình có người bị chậm phát triển
  • Có khối u tuyến yên
  • Suy dinh dưỡng bào thai và nhẹ cân khi sinh
  • Mắc các bệnh về thận, tim mạch, tiêu hóa và hô hấp
  • Căng thẳng thần kinh
  • Do người mẹ khi mang thai sử dụng một loại thuốc nào đó lâu dài
  • Trẻ mắc bệnh thiếu máu như bệnh hồng cầu lưỡi liềm (JOPON, 2011)

 

Nhận biết các dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ em

Nếu con bạn có vẻ ngoài thấp bé hơn những trẻ em ở cùng độ tuổi, trẻ có thể đang gặp phải vấn đề chậm phát triển. Điển hình là nếu trẻ có chiều cao và cân nặng chỉ tương đương với những trẻ nhỏ hơn từ 2 tuổi trở lên thì đây được coi là vấn đề bệnh lý.

Kích thước tay, chân của trẻ có thể không tỷ lệ với kích thước của thân người, nhất là khi trẻ bị mắc hội chứng lùn.

Những triệu chứng khác phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng chậm phát triển.

Mất cân bằng nội tiết tố có thể gây nên những triệu chứng khác bên cạnh những bất thường về kích thước cơ thể. Ví dụ như thyroxin là một hormon quan trọng của tuyến giáp có vai trò điều hòa quá trình chuyển hóa trong tế bào. Nồng độ thyroxin quá thấp có thể dẫn tới chậm phát triển thể chất, đồng thời cũng làm cơ thể luôn thiếu năng lượng, táo bón, khô da, khô tóc và luôn có cảm giác lạnh. Thiếu hormon tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trên khuôn mặt, khiến cho trẻ em có vẻ ngoài bất thường.

Những trẻ bị chậm phát triển do mắc một số bệnh đường tiêu hóa cũng thường bị đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn mửa và khó tăng cân.

 

Chẩn đoán tình trạng chậm phát triển ở trẻ em

Bác sỹ chẩn đoán dựa vào hỏi tiền sử bệnh của trẻ, quá trình mang thai của người mẹ, chiều dài và cân nặng khi sinh, chiều cao của các thành viên khác trong gia đình và thông tin về những thành viên cũng bị chậm phát triển (nếu có).

Bác sỹ cũng có thể đề nghị tiếp tục theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm để xác định xem đó có phải là tình trạng bệnh lý hay không.

Một số xét nghiệm khác cũng giúp chẩn đoán tình trạng này:

  • Chụp X quang bàn tay và cổ tay có thể cung cấp những thông tin quan trọng cho thấy tình trạng phát triển của xương có liên quan đến độ tuổi của trẻ.
  • Các xét nghiệm máu có thể phát hiện ra những vấn đề liên quan đến sự sản sinh của nội tiết tố hoặc phát hiện các bệnh ở dạ dày, ruột, thận và xương.
  • Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể đề nghị trẻ ở lại bệnh viện qua đêm để lấy mẫu máu do khoảng 2/3 lượng hormon tăng trưởng được tiết ra vào ban đêm khi trẻ ngủ.

 

Điều trị tình trạng chậm phát triển ở trẻ em

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng chậm phát triển. Trẻ thiếu hormon tăng trưởng sẽ được tiêm bổ sung hormon tăng trưởng tại nhà với liều khoảng 3 mũi tiêm/tuần hoặc hàng ngày tùy theo chỉ định của bác sỹ. Việc điều trị sẽ kéo dài trong vòng vài năm cho tới khi trẻ đạt tới chiều cao của một người trưởng thành.

Nếu xét nghiệm phát hiện thấy trẻ mắc một số bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, suy dinh dưỡng hoặc u tuyến yên, điều trị khỏi những bệnh này có thể giúp trẻ phát triển với tốc độ bình thường.

Trong một số trường hợp, chậm phát triển chiều cao và cân nặng có thể là một phần triệu chứng của trẻ mắc phải hội chứng Down hay hội chứng Turner. Theo Tổ chức của những bệnh nhân mắc hội chứng Down ở Los Angeles, nam giới trưởng thành mắc hội chứng Down có chiều cao trung bình khoảng 157,48 cm trong khi nữ giới sẽ cao trung bình khoảng 137,16 cm.

 

Triển vọng điều trị cho những trẻ bị chậm phát triển

Tiên lượng điều trị phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Những trẻ bị chậm phát triển do mắc phải một căn bệnh nào đó có thể đạt tới chiều cao bình thường hoặc gần bình thường nếu việc điều trị được bắt đầu ngay sau khi bệnh lý đã được chẩn đoán. Trì hoãn việc điều trị có thể làm cho tình trạng trở nên ngày một trầm trọng hơn, nhất là đối với những trẻ bị thiếu hụt hormon tăng trưởng. Một khi các đĩa sụn đầu xương đã được cốt hóa gần hoàn chỉnh thì trẻ sẽ khó có thể cao thêm được nữa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top