Nguyên nhân gây nên chấn thương tủy sống

Tủy sống là một bó dây thần kinh và các tế bào khác, nằm trong ống tủy sống, bao gồm rất nhiều dây thần kinh, kéo dài từ não xuống phía sau lưng và kết thúc ở gần mông. Đốt sống là các xương nằm chồng lên nhau để tạo thành xương sống. Tủy sống chịu trách nhiệm gửi tín hiệu từ não bộ đến tất cả các bộ phận trên cơ thể và cũng gửi tín hiệu từ các bộ phận đến não. Chúng ta có khả năng nhận thức được cảm giác đau và sự chuyển động của các chi là nhờ có các tín hiệu được gửi đi thông qua tủy sống.

Nếu tủy sống bị tổn thương, một hoặc tất cả các xung thần kinh có thể không truyền qua được. Kết quả là chúng ta sẽ mất cảm giác và mất vận động một phần hoặc toàn bộ, tính từ phía dưới vùng bị tổn thương. Tổn thương tủy sống ở gần cỗ sẽ dễ gây ra liệt một vùng rộng trên cơ thể hơn là ở vùng lưng.

Nguyên nhân của chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống thường là hậu quả của một tai nạn ngoài ý muốn hoặc tổn thương do bạo lực. Những nguyên nhân dưới đây có thể gây ra chấn thương tủy sống:

  • Bị tấn công bạo lực như bị đâm hoặc bị bắn
  • Lặn xuống vùng nước quá nông và bị va đập ở phía dưới
  • Các chấn thương trong tai nạn xe hơi (đặc biệt là các chấn thương đầu, mặt, cổ, lưng hoặc ngực)
  • Ngã từ trên cao xuống
  • Chấn thương đầu hoặc cột sống khi luyện tập thể thao
  • Tai nạn điện
  • Chấn thương do vặn xoắn nghiêm trọng phần thân giữa

 

Triệu chứng của tổn thương cột sống

Các triệu chứng của tổn thương cột sống bao gồm:

  • Gặp vấn đề về đi lại
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
  • Không thể chuyển động tay hoặc chân
  • Có cảm giác bị tê bì hoặc ngứa ran ở các ngọn chi
  • Không tỉnh táo
  • Đau đầu
  • Đau, áp lực hoặc cứng ở vùng lưng hoặc cổ
  • Các dấu hiệu của shock
  • Vị trí đầu bất thường

 

Nên làm gì nếu bạn gặp một tai nạn tổn thương cột sống?

Nếu bạn nghĩ rằng bản thân bạn hoặc người nào đó bị tổn thương cột sống, hãy làm theo các hướng dẫn sau:

  • Gọi cấp cứu ngay lập tức.
  • Không di chuyển nạn nhân hoặc làm phiền họ bằng bất cứ cách nào, trừ khi thật sự cần thiết. Không làm phiền bao gồm việc không di chuyển nạn nhân hoặc không cố gắng cởi mũ bảo hiểm cho họ.
  • Khuyến khích nạn nhân nằm bất động, kể cả khi họ cảm thấy có có thể ngồi dậy và đi lại được
  • Nếu nạn nhân ngừng thở, tiến hành hồi sinh tim phổi CPR. Tuy nhiên, không làm nghiêng đầu của nạn nhân, mà thay vào đó, đưa hàm nạn nhân về phía trước trong khi hô hấp nhân tạo.

Khi nạn nhân đến bệnh viện, các bác sỹ sẽ tiến hành các xét nghiệm về thể chất và thần kinh một cách toàn diện để giúp xác định được liệu có chấn thương tủy sống hay không. Chụp CT, chụp X quang cột sống và kiểm tra các tín hiệu thần kinh đến não là các công cụ chẩn đoán mà bác sỹ có thể sẽ sử dụng.

 

Phòng tránh chấn thương cột sống như thế nào?

Vì chấn thương cột sống thường là ngoài ý muốn, nên việc tốt nhất bạn có thể làm là giảm nguy cơ. Một vài biện pháp giảm nguy cơ có thể kể đến như:

  • Luôn thắt dây an toàn khi lái xe
  • Mặc đồ bảo hộ thích hợp khi chơi thể thao
  • Không bao giờ lặn, nhảy xuống nước trừ khi đã thăm dò trước về độ sâu và không có đá.

Một số người vẫn sống một cuộc sống tương đối bình thường sau khi bị chấn thương tủy sống. Mặc dù vậy, vẫn có một vài ảnh hưởng nghiêm trọng có thể xảy ra sau chấn thương tủy sống. Đa số trường hợp sẽ cần đến các thiết bị hỗ trợ như gậy chống hoặc xe lăn để di chuyển và thậm chí một vài người sẽ bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống.

Bạn có thể sẽ cần giúp đỡ để thực hiện những hoạt động bình thường và học cách tiến hành những việc đó khác với bình thường. Loét và nhiễm trùng đường tiết niệu là những biến chứng thường gặp. Bạn cũng có thể sẽ trải qua điều trị phục hồi chức năng chuyên sâu sau chấn thương tủy sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top