1. Giải nghĩa Osteoarthritis là gì?
Osteoarthritis (OA) nghĩa tiếng Việt là viêm xương khớp, diễn tả tình trạng tổn thương hầu hết tại các sụn khớp (vùng tiếp nối giữa hai xương), làm ảnh hưởng đến các vận động sinh lý cũng như những sinh hoạt thường ngày của người bệnh, thậm chí gây ra những cơn đau đớn nặng nề và để lại thương tật vĩnh viễn.
Các vị trí xương khớp dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi căn bệnh nhất bao gồm:
- Tay: cổ tay, các khớp ngón tay, nhất là gốc và đầu ngón tay cái.
- Chân: đầu gối là vị trí dễ bị tác động nhất, ngoài ra bệnh cũng có thể gặp ở bàn chân và các ngón chân.
- Khớp háng.
- Cột sống: thường gặp nhất là vùng thắt lưng và vùng cổ.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng và cơ địa của mỗi người mà các triệu chứng sẽ có phần không giống nhau. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý đến sức khỏe xương khớp của mình nếu nhận thấy một số dấu hiệu như:
- Cơn đau: người bệnh sẽ cảm thấy đau khi vận động các khớp bị tổn thương. Nhất là khi vận động mạnh, thời tiết thay đổi,… cơn đau có thể giảm nếu bệnh nhân được nghỉ ngơi.
- Các biểu hiện viêm: bao gồm sưng, nóng, đỏ tại vùng xương khớp bị viêm.
- Cứng khớp: triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng trong khoảng 30 phút hoặc lâu hơn, tùy vào tình trạng bệnh hiện tại. Bệnh nhân cũng có thể bị cứng khớp khi ở trong một tư thế quá lâu như nằm, ngồi,…
- Tiếng lạo xạo bất thường: tình trạng viêm khiến lớp sụn bao bọc dần bị hao mòn, khiến hai đầu xương ma sát với nhau và phát ra tiếng lạo xạo.
Một số biến chứng có thể xảy ra nếu tình trạng viêm xương khớp kéo dài:
- Biến dạng khớp: thường gặp với những bệnh nhân viêm xương khớp mạn tính, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường đối với những khớp nhỏ, có thể khiến bạn giảm hoặc mất khả năng vận động.
- Mất khả năng vận động: các khớp xương bị ảnh hưởng nặng nề có thể để lại những thương tật, di chứng vĩnh viễn, làm giảm hoặc khiến bạn mất hoàn toàn khả năng vận động tại vị trí bị tổn thương.
2. Nguyên nhân của viêm xương khớp (Osteoarthritis) là gì?
Tuổi tác
Đa số những bệnh nhân mắc viêm xương khớp (Osteoarthritis) thường ở độ tuổi từ trung lão và cao lão (khoảng 45 tuổi trở lên), tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cũng cao hơn so với nam giới.
Các tổn thương xảy ra tại các sụn khớp có thể tích tụ theo thời gian. Đến khi bước vào giai đoạn lão hóa, xương khớp dần bị hao mòn và có thể gây ra bệnh viêm xương khớp.
Nhiễm khuẩn
Các loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở, hoặc lan truyền từ các ổ viêm thứ phát khác trên cơ thể, tạo nên các ổ viêm tại xương khớp và gây nên những triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Béo phì
Tình trạng thừa cân hay béo phì khiến cơ thể tăng tải trọng và áp lực lên các khớp xương. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động bình thường của các cơ quan vận động, lâu ngày hình thành nên các bệnh lý về xương khớp.
Dị tật
Nếu cơ thể bạn có dị tật bẩm sinh hay các bệnh di truyền liên quan đến xương khớp, bạn sẽ dễ mắc Osteoarthritis hơn những người bình thường.
Chế độ vận động
Thường xuyên tập thể dục với cường độ mạnh, làm việc quá sức,… trong thời gian dài sẽ tác động sức khỏe xương khớp của bạn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi công việc thường ngày.
3. Gợi ý giúp phòng tránh bệnh Osteoarthritis hiệu quả
Để giúp xương khớp của mình luôn được khỏe mạnh, đảm bảo mọi hoạt động sống được diễn ra bình thường và suôn sẻ, bạn nên duy trì các thói quen lành mạnh cho cơ thể và thực hiện những biện pháp gợi ý sau đây:
- Dinh dưỡng: ngoài việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu hằng ngày, bạn vẫn nên sử dụng thêm các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe xương khớp trong mỗi bữa ăn như hải sản, yến mạch, sữa và các chế phẩm từ sữa,…
- Hạn chế sử dụng thực phẩm gây bất lợi cho sức khỏe: bao gồm những món ăn nhiều dầu mỡ (gà rán, khoai tây chiên, thịt mỡ…), chứa nhiều muối (snack, dưa muối,…), các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Tập thể dục: duy trì cường độ làm việc và thói quen vận động với các bài tập luyện có mức độ vừa phải, giúp góp phần kiểm soát lượng cân nặng của bạn, giúp giảm nguy cơ mắc phải tình trạng thừa cân, béo phì.
- Hạn chế việc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài, nếu trong tình huống bắt buộc hay do tính chất công việc đặc thù, bạn cần thường xuyên áp dụng một vài động tác giãn cơ, giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng tê cứng các khớp.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: theo dõi tình trạng sức khỏe bằng việc đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín tối thiểu 6 tháng/lần, vừa giúp bạn.
Có thể bạn quan tâm: Đau khớp vai do viêm quanh khớp vai thể đông cứng có nguy hiểm không?
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp