Giới thiệu
Thoái hoá khớp (Osteoarthritis) là bệnh lý về khớp phổ biến nhất. Thoái hoá khớp liên quan đến sự phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể nhưng phần lớn là các khớp chịu lực như khớp ở hông, đầu gối, cột sống cổ, thắt lưng và bàn chân. Ngoài ra, viêm xương khớp còn ảnh hưởng đến các ngón tay, ngón chân lớn và cổ
Nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng theo độ tuổi, trong đó nhóm người trên 60 tuổi là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất. Những người trong độ tuổi 20-30 tuổi cũng có khả năng mắc bệnh, nguyên nhân có thể là do hoạt động quá mức gây tổn thương khớp hoặc tạo áp lực lên khớp liên tục. Ở đối tượng trên 50 tuổi, nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam
Bệnh sinh
Sụn là một bộ phận vững chắc và đàn hồi bao bọc tận cùng đầu xương ở các khớp bình thường, có chức năng giảm ma sát giữa các khớp và giảm bớt chấn động. Bệnh lý khớp làm cho sụn khớp trở nên cứng, mất đi tính đàn hồi và do đó khiến khớp dễ bị tổn thương hơn. Theo thời gian, sụn khớp sẽ mòn đi ở một vài vị trí và giảm khả năng hấp thụ các chấn động. Khi sụn bị phá hủy, các gân và dây chằng sẽ giãn gây đau. Nếu tệ hơn, các xương có thể cọ xát trực tiếp với nhau
Tạo áp lực lên các khớp hằng ngày, đặc biệt là các khớp chịu lực là nguyên nhân dẫn đến viêm xương khớp tiến triển. Quá trình viêm tiến triển này thường xảy ra trước tiên ở sụn khớp. Ngoài ra, các tác động của ngoại lực cũng làm thúc đẩy quá trình dị hóa của các nguyên bào sụn và phá hủy chất nền sụn (cartilaginous matrix)
Triệu chứng
Triệu chứng của thoái hoá khớp bao gồm:
- Đau, nhức khớp, đặc biệt là khi vận động
- Giảm phạm vi cử động và có tiếng răng rắc
- Đau sau khi vận động quá mức hoặc sau thời gian dài không vận động
- Co cứng khớp trong và sau khi nghỉ ngơi, thường là co cứng khớp buổi sáng kéo dài dưới 30 phút
- To xương ở vùng khớp giữa và cuối các ngón tay (có thể không đau)
- Sưng khớp
Mục tiêu điều trị
- Giảm đau
- Cải thiện chức năng
Thăm khám
Khám lâm sàng: Dựa trên các triệu chứng bệnh nhân mô tả (vị trí đau và kiểu đau), tiền sử bệnh và kết quả khám tổng quát.
Cận lâm sàng:
- Chụp X-quang: giúp đánh giá tình trạng mất khoảng trống giữa 2 khớp (joint-space loss), xơ cứng xương dưới sụn và sự hình thành nang (cyst formation).
- Chụp CT: Giúp đánh giá có sự gãy lệch (malalignment) khớp xương bánh chè-đùi hay các khớp bàn chân/cổ chân hay không.
- Chụp MRI: Giúp phát hiện có thêm bệnh nào khác cần phải phẫu thuật không, thường chỉ định khi kết quả X-quang không rõ ràng.
- Chụp xạ hình xương: Có ích trong chẩn đoán sớm thoái hoá khớp ở bàn tay.
- Ngoài ra còn giúp phân biệt thoái hoá khớp với viêm tủy xương, di căn xương, các bệnh chuyển hóa xương.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các loại viêm khớp khác.
- Chọc hút dịch khớp (nếu có tích tụ dịch trong khớp) và soi dưới kính hiển vi. Sự hiện diện của dịch khớp không có viêm; kết quả nhuộm Gram và cấy hoạt dịch (synovial fluid) âm tính; không có các tinh thể trong dịch khớp khi soi dưới kính hiển vi phân cực là các chỉ dấu phân biệt thoái hoá khớp với các tình trạng khác.
- Khác: Siêu âm không có vai trò trong đánh giá lâm sàng thường quy ở bệnh nhân thoái hoá khớp. Tuy nhiên siêu âm giúp theo dõi tình trạng thoái hóa sụn và có ích khi cần làm thủ thuật tiêm vào khớp khó.
Chẩn đoán phân biệt:
- Viêm khớp dạng thấp: Thường xảy ra ở cổ tay, các khớp bàn-ngón tay, khớp liên đốt gần (PIP) và đôi khi là các khớp liên đốt xa và cột sống thắt lưng-cùng. Viêm khớp dạng thấp thường liên quan đến co cứng khớp vào buổi sáng trên 1h, các khớp sưng, ấm. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương bị ăn mòn nhiều hơn tạo xương. Các xét nghiệm khác phân biệt thoái hoá khớp và viêm khớp dạng thấp gồm: đánh giá phản ứng viêm toàn thân (tốc độ lắng hồng cầu [ESR] hoặc protein phản ứng C [CRP]), các xét nghiệm kháng thể dương tính (yếu tố dạng thấp [RF], kháng thể kháng peptide citrulline mạch vòng [Anti-CCP]), dịch khớp bị viêm có bạch cầu đa nhân, bạch cầu tăng.
- Đau lưng do các bệnh lý cột sống: dựa trên tiền sử bệnh và các kết quả chụp X-quang.
- Khác: Hoại tử vô mạch, đau cơ xơ hóa, gút và giả gút, viêm cột sống dính khớp, bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh (bệnh khớp Charcot), bệnh Lyme, viêm khớp bánh chè-đùi, viêm khớp vảy nến.
Điều trị
1/ Điều trị không dùng thuốc :
- Giáo dục bệnh nhân
- Chườm nóng và chườm lạnh
- Giảm cân
- Tập thể dục
- Vật lý trị liệu
- Hoạt động trị liệu
- Giảm bớt sức nặng lên các khớp như khớp hông, khớp gối
Một số biện pháp khác
- Dùng các thiết bị hỗ trợ như nạng, gậy, nẹp
- Kích thích điện từ trường (Electromagnetic field stimulation và kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation)
- Châm cứu
- Liệu pháp tế bào gốc trung mô là một biện pháp hứa hẹn đối với các trường hợp viêm khớp gối mặc dù vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu.
- Phẫu thuật: Nội soi khớp (Arthroscopy), cắt ghép xương (Osteotomy), thay khớp (Arthroplasty), nối khớp và rửa khớp (Fusion and Joint Lavage).
2/ Điều trị dùng thuốc :
Nhóm đầu tay:
Paracetamol để điều trị đau từ nhẹ đến vừa và không có dấu hiệu viêm.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc đau có viêm thì cân nhắc dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Lựa chọn kế:
- Tiêm nội khớp corticosteroid, natri hyaluronat, huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
- Opioid
- Duloxetin
- Thuốc giãn cơ
- Thực phẩm chức năng (glucosamin, chondroitin sulfat) chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà không có lợi ích dài hạn đối với việc giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Xem thêm: Thoái hóa khớp ở người lớn tuổi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp