Điều này thật chính xác vô cùng. Khi đã lớn lên rồi, anh chị em ruột thường là người thương xót mình nhiều nhất sau bố mẹ đẻ. Đó lài người mình có thể chia sẻ mọi điều, kể cả những sai lầm, nhưng điều "dở hơi" nhất.
Nhưng khi bé, hiếm có đứa trẻ nào không một lần đánh nhau, cãi nhau với anh chị em ruột. Bản thân tôi cũng vậy thôi, nhà tôi có 3 chị em gái. Khi chị tôi còn ở nhà, tôi và chị tôi cùng vai phải lứa vì hơn nhau có 1,5 tuổi. Cũng đánh nhau chí chết nhưng đi ngủ phải ngủ cùng nhau, có gì cũng phải kể cho nhau nghe. Với vai bố mẹ thì việc mâu thuẫn của các con thực ra rất là rắc rối. Bênh đứa nào? Phạt đứa nào đây? Làm sao để gia đình yên ắng, hòa bình???? Vậy thì chủ đề giải quyết mâu thuẫn giữa các con là rất cần rồi. Thật ra, cái cách cư xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới mối quan hệ giữa các anh chị em ruột trong gia đình.
Ngày tôi còn bé, em gái tôi nhỏ tuổi hơn hai chị em tôi nhiều nên bố mẹ tôi thường dành cho em sự quan tâm và âu yếm hơn nhiều hai chị em còn lại. Mặc dù tôi bị ghét nhất nhà nhưng tôi và chị gái ít xung đột do ...... cùng bị ít quan tâm từ bố mẹ. Nếu bố mẹ mà thiếu công bằng, các con càng đánh nhau "ác chiến" hơn. Vậy thì, bắt đầu từ ngày chuẩn bị cho sự ra đời của em bé thứ hai nhé.
Ngày người con thứ hai sắp ra đời, các cha mẹ cần ôm con đầu vào lòng và thủ thỉ:
- Cho dù mai sau thế nào, cha mẹ cũng yêu con rất rất nhiều. (Đọc kĩ câu "tỏ tình" nhá, không phải yêu nhất hay yêu nhì mà là rất rất yêu).
Khi em bé ra đời, hãy bế con lớn lên lòng, và đưa lại gần em. Với sự chia sẻ tình cảm như vậy, người con đầu lòng sẽ nhận thức rằng đây là một niềm vui mới, hạnh phúc mới trong gia đình chứ không phải là mối cạnh tranh hay nguy hiểm gì đến tình cảm mà cha mẹ đang dành cho con.
Mỗi ngày, dù em bé còn rất nhỏ, bố mẹ cũng nên cho bé tiếp xúc với em, sờ má em. Cha mẹ có thể nhờ anh/chị cầm khăn lau dãi cho em hoặc lắc những con xúc xắc cho em bé vui. Những hành động quan tâm nhỏ như vậy sẽ khiến bé lớn cảm thấy mình cần có trách nhiệm với sinh linh bé bỏng này chứ không phải thân ai người ấy lo.
Đêm ngủ, người mẹ nên ngủ cùng con lớn. Thực ra, khi trẻ còn nhỏ, việc cha mẹ ngủ cùng không hề tốt tí nào vì sẽ làm cạn lượng không khí để bé hít thở. Cho ngủ riêng rất tốt nếu như có chuông báo khi bé tỉnh giấc. Đơn giản mà, treo một cái chuông nhỏ vào chân bé là xong. Vậy là mẹ có thể vui vẻ ngủ cùng bé lớn được rồi.
Lâu lâu, mẹ có thể đề nghị bé lớn cho mẹ ngủ cùng với em nhỏ vì em nhỏ cũng nhớ và yêu mẹ như bé lớn. Chà, cả nhà thử đề nghị mà xem, người ta tuy bé nhưng đại lượng lắm nhá, người ta sẽ ôm gấu bông ngủ một mình ngay. (Vụ này tôi đã áp dụng với con gái tôi "bé Thư" và....."bé nhỏ" kia chính là bố Thư. Bé đại lượng cực kì, ôm gấu ngủ một mình và chúc...."bố vui khi được ngủ cùng mẹ").
Các mẹ đừng quên hỏi han và tâm sự với bé lớn, ôm ấp bé cho dù bé đã có em. Đừng nghĩ là con lớn rồi (so với đứa bé hơn thì đương nhiên là lớn rồi, ai chẳng biết. Nhưng rõ ràng vẫn là em bé mà) mà quên đi việc đó nhé. Khi các bé đã lớn, mâu thuẫn xảy ra thì cha mẹ nên chọn vị trí đứng giữa hoặc vô can.
Nếu mâu thuẫn, cha mẹ đề nghị hai bé tách riêng ra và ngồi suy nghĩ. Cái cách đơn giản là đưa cho mỗi đứa trẻ một tờ giấy to. Các bé tự viết lên giấy những bực bội mình dành cho bé kia. Khi người ta đang tức thì người ta sẽ viết ngay, viết đầy ắp hai tờ giấy ấy chứ. Sau khi bé đã viết xong và đã nguôi cơn rồi (Viết xong là nguôi mà) thì đưa cho bé tờ giấy khác đề nghị bé viết về những điều hay của bé kia. Đã xả xong cơn tức ra giấy rồi thì giờ là lúc người ta nghĩ lại và người ta sẽ thấy: Ồ, anh/chị/em mình cũng có cái đáng yêu đấy chứ.
Đến khi hai bé đã viết xong, cha mẹ đề nghị hai bé hủy tờ giấy "nói xấu" kia đi. VỤ NÀY LÀM TÁCH RIÊNG NHA, KHÔNG CHO ĐỐI PHƯƠNG ĐỌC ĐÂU ĐẤY. Và sau đó đề nghị hai bé trao đổi 2 tờ giấy "nói tốt" để hai bé tự đọc và biết anh/chị/em mình nghĩ về mình thế nào. Các bố mẹ có thể thấy hiệu quả rất nhanh sau 1, 2 lần xử lý mâu thuẫn.
Một điều nữa cần nhớ là nhà có hơn một con thì việc phân chia công bằng là vô cùng quan trọng. Nếu một bé đã làm thì bé kia cũng phải làm việc gì đó tương đương về mức độ nặng nhọc.
Thức ăn cũng cần được chia cho đều. Tuyệt đối tránh việc bắt đứa nọ nhường đứa kia. Sự nhường nhịn như vậy chỉ làm tích tụ ức chế trong lòng người con bị nhường mà thôi. Dạy con đã khó, dạy con khi gia đình đông con còn khó hơn. Chúc các bố mẹ sáng suốt và điềm tĩnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh