Chứng đau hông khi mang thai là một trong những chứng bệnh mà hầu hết mẹ bầu đều gặp phải vì thai nhi phát triển gây chèn ép, tạo áp lực lên dây thần kinh hông. Chứng bệnh này khiến mẹ bầu bị mệt mỏi, khó chịu, đôi khi mất ngủ khiến cho tinh thần bị sa sút, thiếu vui vẻ. Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục chứng bệnh này để giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái, tự tin hơn để chào đón bé yêu.
Bệnh trĩ
Trĩ là tình trạng sưng phồng của hệ thống mạch máu và các cơ xung quanh hậu môn và trực tràng. Phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao dễ bị trĩ bởi sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi có thể tạo ra áp lực chèn ép lên hậu môn và trực tràng.
Tình trạng sưng đau sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu bạn phải đứng quá lâu.
Đau do co thắt tử cung
Mỗi phụ nữ đều trải qua tình trạng co thắt tử cung với mức độ khác nhau. Một số bị đau bụng và đau lưng rồi lan dần xuống hông. Mức độ đau của mỗi người cũng khác nhau, từ cảm giác đè nặng cho tới đau nhói, đau buốt.
Cơn co thắt kiểu Braxton-Hicks có thể gây đôi chút khó chịu nhưng thường là không đau. Nếu tình trạng co thắt khiến bạn bị đau phần hông, hãy tới bác sỹ ngay lập tức.
Đau xương chậu
Tình trạng đau xương chậu có ảnh hưởng đến 1 trong số 5 phụ nữ mang thai. Hiện tượng này xảy ra khi sức nặng của em bé trong tử cung và những chuyển động tại xương chậu khi mang thai tích lũy và gây đau xương chậu. Đau thường nặng hơn khi chuyển động. Mặc dù đau xương chậu gây khá nhiều bất tiện cho người mẹ nhưng nó thường không gây hại gì cho thai nhi và người mẹ vẫn có thể sinh con qua đường âm đạo bình thường.
Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là tình trạng đau do áp lực gây ra lên các dây thần kinh chạy từ hông xuống chân. Việc mang thai có thể gây viêm và kích thích các dây thần kinh. Ngoài ra, tử cung to dần của người mẹ có thể gây thêm áp lực rất lớn lên các dây thần kinh hông.
Bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi trong tử cung sẽ thay đổi vị trí và có thể nằm đè trực tiếp lên các dây thần kinh hông. Bạn cũng có thể có cảm giác bỏng rát ở phần lưng, mông và chân. Một số người còn nói rằng họ bị đau nhói dọc xuống chân.
Bất kể nguyên nhân là gì thì tình trạng đau hông cũng sẽ gây cản trở rất lớn đến các hoạt động hàng ngày của bạn. Bạn nên đi khám ngay nếu gặp phải các triệu chứng như sau:
Cơn đau dữ dội tới mức khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Bạn bị mất nhiều máu (nghiêm trọng hơn trong bệnh trĩ).
Bạn bị rò rỉ dịch từ âm đạo hay có dấu hiệu vỡ ối.
Mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện.
Đau không có dấu hiệu giảm.
Theo ước tính có khoảng 14% phụ nữ mang thai sử dụng các thuốc giảm đau opioid trong thai kỳ như oxycodone, hydrocodone. Thời gian sử dụng thường dưới 1 tuần. Đau lưng là lý do phổ biến nhất mà các bác sỹ kê loại thuốc này.
Nếu cơn đau hông của bạn không đáp ứng tốt với các thuốc không kê đơn hay các liệu pháp điều trị tại nhà, bạn có thể được kê thuốc giảm đau. Tuy nhiên cần lưu ý rằng khi mang thai sử dụng càng ít thuốc càng tốt để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của thuốc đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Các liệu pháp điều trị tại nhà
Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm hoặc bồn tắm ngồi: Bồn tắm ngồi là một lựa chọn khá phù hợp cho những phụ nữ mắc chứng đau hông. Bạn có thể chỉ cần ngâm phần mông vào nước nóng để giúp giảm đau thay vì ngâm cả người trong bồn tắm.
Sử dụng nước ép cây phỉ (witch hazel): Bạn có thể nhỏ một vài giọt nước ép từ cây phỉ lên miếng băng vệ sinh và sử dụng để giảm sưng viêm và thay băng mỗi vài giờ.
Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu: Ngồi hoặc đứng liên tục trong một khoảng thời gian dài sẽ gây áp lực lớn lên hậu môn của bạn. Khi nghỉ ngơi, nằm nghiêng sang một bên có thể giúp giảm áp lực lên phần mông.
Uống nhiều nước: Để giúp giảm táo bón, cũng là một nguyên nhân gây đau mông.
Ăn nhiều chất xơ: Một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ bao gồm thực phẩm nguyên cám, rau xanh và hoa quả rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Điều trị đau thần kinh tọa
Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol.
Tắm nước ấm để làm giãn các cơ bị co thắt.
Sử dụng một vòng đai hỗ trợ phần xương chậu để làm giảm áp lực lên xương chậu và lưng dưới.
Hạn chế các hoạt động làm nặng thêm cơn đau như mang vác vật nặng, đứng trên 1 chân quá lâu, và giữ cả hai chân cùng nhau khi bạn trở mình trên giường hay xuống xe ô tô.
Đặt một chiếc gối dưới phần bụng và một cái khác giữa hai chân khi bạn ngủ để tránh bị sai tư thế khi ngủ.
Bạn có thể hỏi bác sỹ xem có thể sử dụng túi chườm nóng/lạnh để giảm đau hay không.
Tình trạng đau hông trong thai kỳ thường tự hết sau khi bạn sinh con. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể tiếp tục bị mắc bệnh trĩ hậu sản. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu có liệu pháp điều trị nào thích hợp với bạn để giúp giảm tần xuất cơn đau hay không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh